12:02, 21/02/2012

Hòn Bà - “Kho” bảo tồn đa dạng sinh học

Nằm ở độ cao 1.300m so với mực nước biển, Hòn Bà có khí hậu quanh năm mát mẻ, độ ẩm cao. Điều đó đã góp phần hình thành nên hệ sinh thái rừng đa dạng, phong phú.

Nằm ở độ cao 1.300m so với mực nước biển, Hòn Bà có khí hậu quanh năm mát mẻ, độ ẩm cao. Điều đó đã góp phần hình thành nên hệ sinh thái rừng đa dạng, phong phú. Việc triển khai nghiên cứu, xây dựng các dự án bảo tồn thiên nhiên (BTTN) làm tiền đề thành lập Vườn quốc gia (VQG) Hòn Bà là rất khả thi và cần được quan tâm.

Hòn Bà là một trong những đỉnh núi cao và hiểm trở nhất của Khánh Hòa. Khu BTTN Hòn Bà được xây dựng với diện tích 21.000ha, thuộc địa bàn 4 huyện: Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn. Hòn Bà cách Nha Trang 30km tính theo đường chim bay, cách Quốc lộ 1A 55km tính tới đỉnh. Hòn Bà từng được mệnh danh là “hành cung của Bà Thiên-Y-Ya-na” với nhiều truyền thuyết ly kỳ, hấp dẫn. Chính điều đó đã thôi thúc bác sĩ A.Yersin chinh phục Hòn Bà vào năm 1915.

Hệ thực vật Hòn Bà với tài nguyên đa dạng, phong phú.
Hệ thực vật Hòn Bà với tài nguyên đa dạng, phong phú.

Tuy không xa Nha Trang nhưng cho đến thời điểm trước năm 2003, hệ thực vật ở đây vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ (trừ nghiên cứu trước đây của bác sĩ Yersin). Từ năm 2003, đã có cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm và phát triển rừng thuộc Đại học Lâm nghiệp nhằm cung cấp những luận cứ cần thiết cho việc thành lập Khu BTTN Hòn Bà, bước đầu xác định danh mục của 592 loài thực vật bậc cao, thuộc 401 chi và 120 họ. Theo thống kê sơ bộ, Hòn Bà có 41 loài thuộc diện quý hiếm ghi trong Sách đỏ… Những năm gần đây, Hòn Bà thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về đa dạng sinh học như: Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Trung tâm Đa dạng sinh học và phát triển, Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, VQG Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng), VQG Phước Bình (Ninh Thuận), các tổ chức khoa học của Hàn Quốc, Hoa Kỳ… Điều này cũng cho thấy tính chất và mức độ quan trọng của hệ sinh thái rừng Hòn Bà đối với các nhà nghiên cứu.

Mới đây, đề tài Điều tra, phân bố thông lá dẹt và pơ mu theo chuyên đề Điều tra cấu trúc và hệ thực vật khu vực đỉnh Hòn Bà của tỉnh cũng góp phần làm rõ thêm tính đa dạng sinh học của rừng Hòn Bà. Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận Khu BTTN này có nhiều loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ và quy định trong Nghị định số 32/CP của Chính phủ như: Thông 2 lá dẹt (Pinus krempfii), Pơ mu (Fokienia hodginsii), Hồng tùng (Dacrydium elatum), Hồng quang (Rhodoleia championii), Thông tre (Podocarus neriifolius), Quế (Cinnamomum cassia), Xá xị (Cinnamomum balansae), Lan hài đài cuộn (Paphiopedilum appletoniamum), Lan kim tuyến (Anoectochilus lylei)…; nhiều loài cây đặc hữu mang tên địa phương như: Đỗ quyên Nha Trang (Rhododendron nhatrangense), Ngọc nữ Nha Trang (Clerodendron nha trangense), Hoàng thảo Nha Trang (Dendrobium nhatrangense), Minh điền Hòn Bà (Medinilla honbaense), Sồi Yersin (Lithocarpus yersinii), Đỗ quyên rạng rỡ (Rhododendron triumphans Yersin & A. Chev.)… Nhiều loài thực vật chưa giám định được, có thể là loài mới ở Việt Nam và thế giới như: Còng cuốn ngắn (calophyllum sp.), Trà hoa đỏ (polyspora sp.), Chân chim (Schefflera sp.), họ Cau, họ Gừng… Người ta cũng tìm thấy yếu tố thực vật cổ sinh như: Ráng tiên tọa (Cyathea contaminans) hay Lõa tùng (Psilotum nudum)… Nhóm nghiên cứu đánh giá hệ thực vật Hòn Bà rất phong phú và đa dạng. Số họ, loài thực vật hiện hữu (theo đề tài) gồm: 68 họ, 251 loài, trong đó 198 loài đã được định danh tới loài, 53 loài mới xác định tới chi. Trong đó, họ có 10 loài trở lên gồm 4 họ, 5 - 9 loài gồm 11 họ, 2 - 4 loài 33 họ, 1 loài 20 họ… Phân theo dạng sống: Cây gỗ lớn 48 loài, cây gỗ trung bình 73 loài, gỗ nhỏ và cây bụi 81 loài, dây leo 24 loài, thực vật phụ sinh và ký sinh 25 loài, chưa kể các nhóm quyết thực vật, các loài Thạch tùng, Quyển bá, thân thảo… Tất cả góp phần tạo ra lớp thảm thực vật đặc sắc và hấp dẫn cho rừng Hòn Bà.

Nhóm nghiên cứu nhận định, nên tổ chức điều tra toàn diện về hệ thực vật cũng như động vật Hòn Bà, hình thành cơ sở dữ liệu riêng cho vùng này nhằm đánh giá đầy đủ về giá trị tài nguyên rừng nơi đây. Qua đó xác lập các chuẩn mực để đề nghị thành lập VQG Hòn Bà thay cho Khu BTTN Hòn Bà. Trước mắt, cần xây dựng các dự án bảo tồn đa dạng sinh học theo các cấp độ như: Bảo tồn loài, bảo tồn hệ sinh thái, bảo tồn cảnh quan, tìm kiếm hợp tác quốc tế; đồng thời kêu gọi tổ chức, cá nhân đầu tư hoạt động du lịch sinh thái dã ngoại, giới thiệu nét độc đáo của Hòn Bà tới du khách bốn phương trên nguyên tắc không gây hại đến nhiệm vụ bảo tồn cảnh quan và môi trường.

Với những nét độc đáo về đa dạng sinh học, Hòn Bà hoàn toàn có thể phát triển thành VQG, là nơi nghiên cứu khoa học, tham quan và phát triển du lịch trong thời gian tới.

Q.V