Càng về cuối năm, nhu cầu tiêu thụ tôm hùm càng tăng. Trong khi đó, sản lượng tôm hùm lại giảm do “đầu vào” khan hiếm. Những nguyên nhân trên đã khiến giá tôm hùm tăng vọt. Tuy vậy, người nuôi tôm hùm cũng chỉ vui phần nào bởi tôm hùm bệnh nhiều, sản lượng hao hụt.
Càng về cuối năm, nhu cầu tiêu thụ tôm hùm (TH) càng tăng. Trong khi đó, sản lượng TH lại giảm do “đầu vào” khan hiếm. Những nguyên nhân trên đã khiến giá TH tăng vọt. Tuy vậy, người nuôi TH cũng chỉ vui phần nào bởi TH bệnh nhiều, sản lượng hao hụt.
Những ngày này, về các vùng nuôi TH trong tỉnh Khánh Hòa, đâu đâu cũng thấy không khí phấn khởi. Chị Nguyễn Thị Tưng (Vạn Thạnh, Vạn Ninh), một trong những hộ nuôi nhiều TH ở thôn Đầm Môn vừa xuất bán, cho biết: “Gia đình tôi vừa bán TH cách đây 1 tháng với giá rất cao: loại 1 (1kg/con) giá 1,82 triệu đồng/kg; loại 2 (0,7 - 0,8kg/con): 1,73 triệu đồng/kg; loại 3 (0,6 - 0,7kg/con): 1,62 triệu đồng/kg. Hiện nay giá TH đã tới “đỉnh”: loại 1 - hơn 2 triệu đồng/kg! Đây là năm có giá bán TH cao nhất từ trước tới nay”. Tuy nhiên, giá tôm giống cũng rất đắt: 315.000 đồng/con chỉ bằng chiếc đũa. Vụ này, gia đình chị Tưng nuôi 2.000 con, qua 18 tháng nuôi, xuất bán được 1.600 con, tổng thu 1,445 tỷ đồng, lãi bằng 1/3 vốn.
Giá bán tôm hùm rất cao nhưng người nuôi chưa vui trọn vẹn. |
Sát nhà chị Tưng, hộ chị Phạm Thị Mươi cũng vừa xuất bán TH, doanh thu 400 triệu đồng. Chị Mươi phấn khởi bởi nhờ giá TH cao, chị có đủ tiền xây lại ngôi nhà khang trang hơn. Vụ này, chị Mươi đầu tư 400 con giống, nuôi gần 20 tháng, lợi nhuận đạt gần 200 triệu đồng. Chị Mươi cho biết, tuy giá TH cao nhưng chi phí lớn nên lợi nhuận thu được cũng vừa phải.
Người xuất bán TH phấn khởi bao nhiêu thì người sắp xuất bán càng rạo rực bấy nhiêu. Anh Nguyễn Anh (thôn Tây Nam 1, Đại Lãnh, Vạn Ninh) hồi hộp: “Giá TH đang ở mức cao, ai nuôi TH cũng phấn khởi vì giá tôm đang ủng hộ người nuôi. Tôi nuôi 750 con nhưng hao hụt đến 2/3, dự kiến cuối tháng này xuất, nếu vẫn giữ được giá bán này thì cũng lời khá”.
Người nuôi TH ở xã đảo Cam Bình (TP. Cam Ranh) cũng phấn chấn không kém khi giá TH cao “đụng trời”. Ông Diệp Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, trong tháng 9, toàn xã xuất bán được 10 tấn TH, 9 tháng qua bán hơn 127 tấn. Với bình quân 1 tấn TH cho doanh thu 17 tỷ đồng, ước tính, toàn xã đã thu hơn 200 tỷ đồng.
TH vốn được mệnh danh là “tôm vua” bởi nếu giá cao, nuôi đạt thì không nghề nuôi gì sánh bằng. Cũng vì lẽ đó, trên địa bàn toàn tỉnh đã tồn tại nhiều làng nuôi TH có tiếng hàng chục năm nay như Bình Ba, Xuân Tự, Vạn Thạnh… Nghề nuôi TH đã trở thành thế mạnh của Khánh Hòa, doanh thu đem về cho tỉnh hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Lý giải hiện tượng giá cao đột biến, người nuôi TH cho rằng, do “đầu vào” khan hiếm nên giá TH tăng liên tục, mức giá “đỉnh” hiện nay (hơn 2 triệu đồng/kg TH loại 1) có thể vẫn chưa dừng lại bởi lượng TH đủ kích cỡ thương phẩm không còn nhiều. Thời điểm đầu vụ, ít nhất 18 tháng trước, giống TH rất khan hiếm, giá bán rất cao (200 - 210 ngàn đồng/con chỉ bằng chân nhang, 315 - 320 ngàn đồng/con bằng đầu đũa). Trong vụ, TH lại thường xuyên bệnh (bệnh sữa, long đầu, đỏ thân…) nên số lượng bị hao hụt khá nhiều (nhiều người cho rằng lượng hao hụt còn lớn hơn “đại dịch” tôm sữa năm 2007). Bên cạnh đó, chi phí thức ăn tăng cao khiến người nuôi tôm không dám mở rộng sản xuất (một trong các loại thức ăn mà TH ưa thích là cua có giá rất cao: cua trẹm 37 - 38 ngàn đồng/kg; cua giã cào Phan Thiết 13 - 14 ngàn đồng/kg; cua hét Tuần Lễ 45 - 50 ngàn đồng/kg…). Đầu tư cao, lại khan hiếm giống là những nguyên nhân khiến người nuôi giảm số lượng. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng (nhà hàng, khách sạn) và xuất khẩu càng về cuối năm càng tăng cao. Điều đó khiến TH liên tục được “đẩy giá”.
Tuy là thế mạnh của tỉnh nhưng nghề nuôi TH đang có những nguy cơ bởi tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng tại các vùng nuôi. Theo ông Hùng, trung bình, 1 lồng nuôi thải ra môi trường 300g chất thải (thức ăn thừa, phân tôm…)/ngày. Với hàng trăm lồng nuôi trong khu vực, lượng chất thải tích tụ càng lớn. Nếu không có biện pháp xử lý, những chất thải này sẽ quay lại đầu độc chính môi trường nuôi, làm tôm chậm lớn, dễ bệnh. Người nuôi TH cho biết, thời gian nuôi TH đang ngày càng bị kéo dài (18 - 20 tháng hoặc hơn), một phần có thể do chất lượng giống, nhưng phần nhiều là do môi trường ngày càng bị ô nhiễm, khiến TH chậm lớn, tốn nhiều thức ăn. Nuôi TH, đầu tư càng nhiều, lãi càng cao nhưng rủi ro cũng rất lớn. Thời gian nuôi càng kéo dài càng dễ gặp rủi ro khó lường. Bởi vậy, để có thể nuôi TH ổn định, trước hết, người nuôi cần có thu gom rác thải, vệ sinh thường xuyên lồng nuôi… Ngành chức năng và các đoàn thể cũng cần phổ biến các biện pháp và xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả.
H.A