Với mức đầu tư thấp, thu nhập cao, phù hợp với chất đất thịt nhẹ ở Ninh Trung (Ninh Hòa)…,
Với mức đầu tư thấp, thu nhập cao, phù hợp với chất đất thịt nhẹ ở Ninh Trung (Ninh Hòa, Khánh Hòa)…, hoa huệ vốn được xem là cây trồng xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nông dân. Tuy nhiên, sau thời gian phát triển rầm rộ, phong trào trồng hoa huệ ở Ninh Trung đang bị “thoái trào”, người dân không còn mặn mà với nghề. Tất cả cũng chỉ tại dịch bệnh.
Cùng đi với cán bộ Hội Nông dân xã, chúng tôi đến một số cánh đồng trồng hoa huệ tương đối lớn của xã. Nhìn những luống hoa huệ nằm rải rác sau những cánh đồng lúa, ít ai nghĩ rằng, vùng đất này trước đây hình thành một làng hoa huệ trù phú. Theo ông Huỳnh Duy Tân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Trung, sau ngày đất nước giải phóng, Ninh Trung là vùng đất của các loại cây màu như: lúa, ớt, bắp… Nhận thấy trồng các loại cây này rất bấp bênh, “đầu ra” không ổn định, bà con dần chuyển sang trồng các loại cây khác. Nghe tin ở Đà Nẵng, người dân trồng được cây huệ đem lại hiệu quả kinh tế cao, một số người rủ nhau ra đó học hỏi kinh nghiệm rồi đưa cây huệ về trồng. Lúc đầu trồng huệ rất khổ, trầy trật thử hết giống này đến giống khác, cuối cùng, bà con cũng chọn được giống huệ trắng thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Với chất đất thịt nhẹ, lại được bồi đắp phù sa từ sông Lốp, cây huệ phát triển không ngừng. Chỉ sau 5 tháng chăm sóc, huệ có thể cho thu hoạch. Trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi sào, bà con lãi từ 4 đến 5 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây huệ mang lại, nhiều hộ dân trong xã đã học tập kinh nghiệm, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư trồng cây huệ. Từ một vài hộ trồng nhỏ lẻ ban đầu, đến năm 2007, toàn xã có hơn 50 hộ trồng hoa huệ với diện tích hơn 25ha. Do thu nhập từ trồng huệ gấp 3 - 4 lần cây lúa và hoa màu khác nên qua thời gian, diện tích trồng lúa, cây màu bị thu hẹp, nhường chỗ cho cây huệ phát triển. Với tiềm năng và lợi thế riêng, Ninh Trung nhanh chóng trở thành “lãnh thổ” của hoa huệ. Cũng theo ông Tân, nếu thời tiết thuận lợi, bình quân mỗi năm, cây huệ cho thu hoạch từ 70 đến 100 triệu đồng/ha. Nhờ nguồn thu này, nhiều hộ đã thoát nghèo và trở nên khấm khá.
Sau thời gian phát triển rầm rộ, phong trào trồng huệ ở Ninh Trung đang bị “thoái trào” vì dịch bệnh. |
Từ thành công bước đầu của mô hình trồng hoa huệ ở Ninh Trung, những tưởng cây huệ sẽ giúp nông dân xóa đói giảm nghèo bền vững, thế nhưng giờ đây, phong trào trồng hoa huệ đang bị “thoái trào”. Số hộ trồng huệ đã giảm 50% so với những năm trước. Theo lý giải của người dân, tình trạng trên chủ yếu là do dịch bệnh hoành hành. Mỗi khi thời tiết thất thường, cây huệ lại đổ bệnh. Điều đáng lo ngại là mấy năm nay, cây huệ bị nhiễm những chứng bệnh rất khó trị như: thối lá, thối rễ, teo gốc..., mới đây lại xuất hiện thêm chứng bệnh lạ - “thối tai”. Bước đầu, bà con chưa tìm được phương thuốc đặc trị. Theo người dân, cánh đồng huệ nào bị nhiễm bệnh này, khả năng phục hồi năng suất là không thể. Gắn bó với nghề trồng hoa huệ hơn 20 năm, bà Nguyễn Thị Lãnh (thôn Thạch Định) bùi ngùi nói: “Trước đây, nhà tôi trồng 10 sào hoa huệ. Nếu không có sâu bệnh phá hoại, cây huệ phát triển không ngừng. Cứ 3 đến 4 ngày, tôi lại cắt hoa một lần. Mỗi lần cắt từ 300 đến 400 cành, thu nhập có khi vài trăm ngàn đồng. Thấy hiệu quả, tôi mở rộng diện tích trồng huệ. Nào ngờ, mấy năm nay, dịch bệnh hoành hành, làm tăng chi phí đầu tư. Cứ vài ba ngày, tôi lại phun thuốc một lần nhưng cũng không trị được tận gốc sâu bệnh. Vì vậy, năng suất cây trồng ngày càng giảm. Đã vậy, giá vật tư, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, làm tăng chi phí đầu vào. Từ đó, bà con chẳng còn mặn mà với nghề. Hiện nay, nhà tôi chỉ trồng khoảng 3 sào huệ để phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp Tết…”. Cũng theo bà Lãnh, vào thời điểm cây huệ phát triển “hưng thịnh”, ngoài trồng huệ, bà còn mở đại lý buôn bán hoa huệ. Cứ vài ba ngày, bà thu mua khoảng 3.000 đến 4.000 cành huệ của người dân trong xã để bán cho các thương lái trong và ngoài tỉnh. Công việc làm ăn rất phát đạt. Bây giờ, điều đó chỉ còn là ký ức…
Làm thế nào để vực dậy làng hoa huệ Ninh Trung? Câu hỏi ấy xem ra khó có lời giải trong một sớm một chiều. Trước mắt, Hội Nông dân xã cần phối hợp chặt chẽ với Chi cục Bảo vệ thực vật, Trạm Bảo vệ thực vật thị xã để hướng dẫn người dân đầu tư phân bón, phòng trừ dịch hại, xây dựng các mô hình phòng trừ tổng hợp dịch bệnh… Đồng thời, địa phương cần có kế hoạch cụ thể, định hướng lâu dài để phát triển làng hoa huệ Ninh Trung.
K.THAO