09:09, 27/09/2011

Doanh nghiệp, nông dân hoang mang!

Sau thất bại từ con tôm sú, 10 năm trở lại đây, người dân ở các vùng ven biển bắt đầu chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.

Sau thất bại từ con tôm sú, 10 năm trở lại đây, người dân ở các vùng ven biển bắt đầu chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT). Những lợi ích kinh tế mang lại khiến nhiều doanh nghiệp (DN), người dân ngày càng tin tưởng và tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nuôi TTCT. Tuy nhiên, với Thông tư số 22 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) ngày 1-7-2011, TTCT được đưa vào danh sách những loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại, đi cùng đó là mức xử phạt từ 50 - 500 triệu đồng, buộc tái xuất hoặc tiêu hủy giống tôm này khiến DN và người nuôi tôm đang hoang mang. Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã làm việc với Bộ TN-MT để rút tên TTCT ra khỏi danh sách. Tuy nhiên, hai Bộ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này.

° Tôm thẻ chân trắng có nguy hại?

Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (NCNTTS) III, TTCT “mon men” vào Việt Nam từ năm 2001. Các nhà quản lý của Bộ Thủy sản (TS) lúc bấy giờ (nay là Bộ NN-PTNT) nhận định, TTCT thường mắc những bệnh của tôm sú, mang hội chứng Taura gây nên dịch bệnh lớn ở Nam Mỹ và các bệnh khác có thể nhiễm sang các đối tượng tôm bản địa, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất TS và môi trường tự nhiên. Để định hướng phát triển và quản lý TTCT, Bộ TS đã ban hành Chỉ thị số 01/2004/CT-BTS chỉ cho phép nuôi TTCT tại các khu vực ao, đầm nuôi có sự tách biệt… Năm 2006, Bộ TS có nhiều văn bản về quản lý sự phát triển của TTCT. Sau đó, Viện NCNTTS III đã nghiên cứu sản xuất giống và nuôi khảo nghiệm TTCT cơ bản đảm bảo an toàn sinh học. Tháng 1-2008, Bộ NN-PTNT đã có Chỉ thị số 228 chính thức cho phép các tỉnh, thành Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long được nuôi TTCT theo hình thức thâm canh tại các cơ sở đủ điều kiện. Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận được nuôi TTCT theo nhu cầu của các nhà đầu tư và nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm của địa phương. Bộ còn giao các Cục, Vụ, Viện liên quan và Sở TS các địa phương kiểm tra, giám sát, nghiên cứu… để thực hiện chủ trương phát triển TTCT mà tránh gây hại cho các sinh vật khác… Được cơ quan Bộ chính thức “cởi trói”, các tỉnh, thành ven biển đã tiến hành quy hoạch và khuyến khích người dân phát triển nuôi TTCT và đối tượng này ngày càng chiếm ưu thế. Ngoài ra, hàng loạt DN chế biến xuất khẩu cả nước cũng đổ tiền tỉ làm ao nuôi TTCT để chủ động nguồn nguyên liệu.

 Nếu lệnh cấm nuôi tôm thẻ chân trắng không được bãi bỏ, hàng ngàn hộ nuôi tôm trong cả nước và Khánh Hòa sẽ điêu đứng.

 

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu TS Việt Nam (VASEP), năm 2010, nếu như xuất khẩu tôm mang về trên 2 tỉ USD, thì TTCT đóng góp 26% giá trị. VASEP cũng khẳng định, năm 2011 cả nước có hàng chục nghìn héc-ta nuôi tôm sú bị dịch bệnh thì TTCT đã thành nguồn nguyên liệu cực kỳ hữu ích cho các nhà máy chế biến. Hiện loài tôm này có mặt trong hầu hết các nhà máy chế biến tôm. Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, năm 2011, TTCT có thể chiếm tỉ trọng 50% trong cơ cấu xuất khẩu tôm của Việt Nam. Theo các chuyên gia về giống hải sản, qua quá trình đưa TTCT vào Việt Nam, đến thời điểm hiện nay chưa có ảnh hưởng gì từ con TTCT sang con tôm sú, cũng như không ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nhược điểm lớn nhất của TTCT là bị nhiều loại dịch bệnh khác nhau, nếu không kiểm soát nghiêm ngặt, tỷ lệ lây nhiễm chéo bệnh từ TTCT sang tôm sú là rất lớn, lên tới 25%. Bệnh thường gặp nhất ở con tôm này là hội chứng Taura, có thể gây nên dịch lớn và các bệnh khác có thể lây nhiễm sang các đối tượng tôm bản địa, làm mất an ninh sinh thái và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất và môi trường tự nhiên. Chính vì thế, sau hơn 10 năm TTCT được nuôi ở Việt Nam, nhưng ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học TS vẫn còn trái ngược nhau xung quanh chuyện có nên nuôi hay không?

° Doanh nghiệp, nông dân hoang mang!

Sau những mùa vụ nuôi tôm sú thất bát vì dịch bệnh, trên 70% diện tích ao, đìa, đầm phá đã được người nuôi tôm ở Khánh Hòa chuyển đổi sang nuôi TTCT. Theo người nuôi tôm, việc đưa TTCT vào nuôi đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trung bình, cứ 1 ao nuôi khoảng 2.500 - 3.000m2, nếu không bị dịch bệnh, sau khi trừ chi phí sản xuất, khấu hao máy móc thiết bị, có lãi từ 30 - 40 triệu đồng. TTCT có nhiều ưu điểm hơn so với tôm sú, đó là nhanh lớn, phát triển tương đối đồng đều, thời gian nuôi chỉ từ 2,5 - 3 tháng (tôm sú 4 - 5 tháng); có thể nuôi mật độ dày trên 100con/m2 và nuôi trong điều kiện độ mặn thấp (<10‰), thức ăn không cần độ đạm cao. Tuy nhiên, việc nuôi TTCT phải nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi, phải có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật đảm bảo, con giống sạch bệnh thì mới đạt năng suất cao. Không thể phủ nhận, thành công bước đầu trong việc nuôi TTCT không chỉ góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo cho một bộ phận cư dân vùng bãi ngang ven biển mà còn làm giàu cho nhiều hộ nuôi đối tượng này.

Ông Đào Công Thiên, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Trong khi Bộ NN-PTNT cho phép các DN và nông dân ở các tỉnh ven biển miền Trung và Nam bộ được nuôi TTCT trên diện rộng để làm nguyên liệu TS thì mới đây, Bộ TN-MT lại ra Thông tư 22 đưa loại tôm trên vào danh sách cấm, đi cùng đó là mức xử phạt từ 50 - 500 triệu đồng, buộc tái xuất hoặc tiêu hủy giống tôm này khiến DN và người nuôi tôm đang hoang mang. Theo Bộ TN-MT, sở dĩ đưa TTCT vào danh mục có nguy cơ xâm hại, làm ảnh hưởng tới môi trường vì tại một số nước và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã đưa ra cảnh báo về việc TTCT khi nuôi trong môi trường tự nhiên sẽ cạnh tranh với loài bản địa, làm ảnh hưởng tới TS bản địa. Đặc biệt, TTCT còn là vật chủ chính mang virus gây hội chứng Taura, còn gọi bệnh đỏ đuôi. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT lại cho rằng, việc cấm nuôi TTCT có thể tác động không nhỏ tới phát triển sản xuất và xuất khẩu TS Việt Nam, ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của hàng vạn nông dân và DN. Ngoài ra, từ năm 2000, TTCT đã được nuôi thử nghiệm tại Việt Nam nhưng không phát hiện có tác động xấu nên đến đầu năm 2008, Bộ NN-PTNT đã chính thức cho nuôi thâm canh tại các tỉnh Nam bộ. Hiện sản lượng TTCT ở Việt Nam khoảng hơn 100.000 tấn, chiếm trên 30% sản lượng tôm cả nước. Sau khi có Thông tư 22, Bộ NN-PTNN đã tiến hành làm việc với Bộ TN-MT để rút tên TTCT và hàu Thái Bình Dương ra khỏi danh mục có nguy cơ xâm hại, tuy nhiên, Bộ TN-MT chỉ đồng ý với điều kiện Bộ NN-PTNT đưa ra thêm các thông tin, tài liệu liên quan đến quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm, đánh giá về TTCT, trong đó có đánh giá về khả năng của tôm thẻ trong việc truyền bệnh virus gây hội chứng Taura.

Trong khi chờ số phận con TTCT được định đoạt, các DN và hàng ngàn hộ nuôi tôm trong cả nước, trong đó có Khánh Hòa đang hết sức phân vân về việc có tiếp tục nuôi loài tôm này nữa hay không. Bởi sau hơn 10 năm đầu tư nuôi TTCT, các DN và người nuôi không thấy Bộ TN-MT đả động gì. Giờ này, khi hàng ngàn tỉ đồng của dân và DN đổ vào ao tôm, khi chất xám quy hoạch, nghiên cứu, phát triển của các nhà khoa học, quản lý… đã đổ ra ròng rã bao nhiêu năm trời thì Bộ TN-MT mới thể hiện “trách nhiệm” của mình. Những thiệt hại đó, ai sẽ chịu trách nhiệm?

CHÂU AN KHÁNH