09:09, 14/09/2011

Hiệu quả rõ rệt

Được sự chuyển giao của Liên hiệp Khoa học, công nghệ hóa học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam,...

Được sự chuyển giao của Liên hiệp Khoa học, công nghệ hóa học (LHKHCNHH) thuộc Viện Khoa học và Công nghệ (VKHCN) Việt Nam, mới đây, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã thử nghiệm đưa phân hữu cơ vi sinh (HCVS) vào sản xuất lúa, đem lại hiệu quả rõ rệt. Kết quả bước đầu cho thấy, mô hình này rất có ý nghĩa và cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Hội Nông dân xã Cam Tân là đơn vị triển khai mô hình này. Đề tài được thực hiện trong vụ Hè Thu (HT) 2011 trên diện tích 7ha, trong đó 3ha sử dụng giống TBR 45, 4ha giống ML 202 và TN 15. Giống TBR 45 gieo ở mật độ 120kg/ha, các giống ML 202, TN 15 gieo với mật độ 180kg/ha. Đối chứng so sánh là các ruộng gieo cùng thời điểm, cùng loại giống, bón phân hóa học thông thường.

Sử dụng phân hữu cơ vi sinh trong sản xuất lúa cho năng suất và chất lượng cao hơn

Qua theo dõi cho thấy, các đối tượng rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu năng, rầy xanh đuôi đen, bọ trĩ, bệnh khô vằn có xuất hiện trên giống TBR 45 nhưng mức độ nhẹ, trong khi các giống ML 202, TN 15 bị nhiễm sâu rầy, bệnh khô vằn khá cao. Ông Nguyễn Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, các giống lúa thí nghiệm có sử dụng HCVS (gồm các chế phẩm HN-2000, Aminphotphat và Poly-H do LHKHCNHH cung cấp) đều cho năng suất cao hơn hẳn các nhóm đối chứng. Cụ thể: giống TBR 45 được sử dụng HCVS, các chỉ số lần lượt là: 24cm, 325 bông/m2, 230 hạt/bông, 200 hạt chắc, hạt chắc 86,9%, trọng lượng 1.000 hạt 22g, năng suất 7 tấn; trong khi đó giống TBR 45 không được bón HCVS là: 22cm, 300 bông/m2, 215 hạt/bông, 180 hạt chắc, trọng lượng 22g (1.000 hạt), năng suất 6 tấn. Ông Nguyễn Văn Thành, tổ liên kết sản xuất giống cho biết, quy trình bón phân HCVS (1ha) như sau: bón lót 10kg men HN 2000; bón thúc đợt 1: 60kg urê, 20kg NPK 20-20-15, 10kg HN 2000 và 30kg kali; bón thúc đợt 2: 30kg urê, 100kg NPK 20-20-15, 2kg Aminphotphat, 20kg kali; bón thúc đợt 4 (sau khi lúa ngậm sữa) 1kg poly H so với đối chứng (1ha): bón lót 400kg lân; bón thúc đợt 1: 100kg urê, 30kg NPK 20-20-15, 40kg kali; bón thúc đợt 2: 100kg NPK 20-20-15, 40kg kali; bón thúc đợt 3, làm đòng: 80kg urê, 40kg kali. So sánh kết quả giữa 2 phương pháp cho thấy, chi phí cho 1ha sử dụng HCVS là 17,3 triệu đồng, tổng thu 45,5 triệu đồng, lãi 28,2 triệu đồng, trong khi hiệu quả phương pháp bón phân hóa học lần lượt là 18,6 triệu đồng, 39,7 triệu đồng và 20,3 triệu đồng. Phương pháp dùng HCVS lãi so với đối chứng 7,6 triệu đồng.

Ông Ngô Văn Thành, Phó Trưởng Trạm Khuyến Công - nông - lâm - ngư huyện Cam Lâm cho rằng, trong thời tiết không mấy thuận lợi cho vụ HT 2011 nhưng các giống lúa có sử dụng bón HCVS thể hiện nhiều ưu điểm như: đẻ nhánh tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao 7 tấn/ha (so với đối chứng chỉ đạt 6 hoặc hơn 6 tấn). Tuy nhiên tỷ lệ lép còn cao, trong vụ HT cần tăng cường bón thêm kali và Poly-H nhằm khai thác tốt tiềm năng, năng suất. Qua đối chiếu giữa hai phương pháp cho thấy phương pháp dùng HCVS cho lợi nhuận cao hơn. Ngoài ra, nếu dùng lâu dài sẽ bồi dưỡng cho đất nhiều dinh dưỡng, tránh bạc màu và sản xuất được sản phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng.

Ông Huỳnh Cước, khuyến nông viên xã cho biết, sử dụng các loại phân HCVS làm đất xốp, hạ phèn. Tại các điểm trình diễn thấy ít sử dụng thuốc trừ sâu, giảm được lượng phân bón 30%, tạo ra các sản phẩm sạch do không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Năng suất lúa đạt trung bình 7 tấn/ha, tăng 8 tạ/ha so với canh tác truyền thống. Với biện pháp này, nếu sử dụng lâu dài, ổn định sẽ giúp cải tạo đất bạc màu, giảm phèn, cây trồng sinh trưởng tốt, khỏe, ít sâu bệnh, từ đó tăng hiệu quả sản xuất.

Tiến sĩ (TS) Trần Đình Hồng, Phó Giám đốc LHKHCNHH cho biết, hiện Liên hiệp đang sản xuất 4 loại chế phẩm HCVS là: HN-2000, men vi sinh HN-2000, phân hữu cơ đa vi lượng Poly-H và Aminphotphat vừa có năng lực cải tạo đất, phân hủy hữu cơ, chất khoáng làm tăng độ phì, tơi xốp đất, có hoạt tính sinh học đối kháng với sâu bệnh nhưng không độc hại cho người, vật nuôi và môi trường, vì vậy có thể dùng cho tất cả các cây trồng, dùng bón gốc, phun tưới cho mọi thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Sử dụng chế phẩm HCVS sẽ giảm thiểu phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản. Tuy nhiên, đối với mỗi loại cây trồng và từng giai đoạn sinh trưởng khác nhau cần có công nghệ phân bón thích hợp để tiết kiệm và có hiệu quả cao nhất.

Theo Tiến sĩ Trần Đình Hồng, việc sử dụng các chế phẩm HCVS đã được áp dụng ở nhiều nơi, trên nhiều loại cây trồng và cho kết quả rất tốt. Việc sử dụng trên cây trồng (lúa, hoa màu, kiệu…) tại huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh vừa qua là bước đi đầu tiên tạo thói quen sử dụng phân HCVS cho nông dân. Thời gian tới, đơn vị sẽ mở rộng ra toàn tỉnh, giúp nông dân sản xuất được những sản phẩm sạch phục vụ thị trường.

Q.V