Những ngày này, cau đang bước vào mùa thu hoạch rộ. Nhiều người chở cau đến bán tại vựa. Bây giờ, cau không có giá cao như ngày trước nên làng trồng cau cũng trở nên kém nhộn nhịp.
Những ngày này, cau đang bước vào mùa thu hoạch rộ. Nhiều người chở cau đến bán tại vựa. Bây giờ, cau không có giá cao như ngày trước nên làng trồng cau cũng trở nên kém nhộn nhịp.
Mùa cau chín diễn ra từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch. Những ngày này, cau đang chín rộ. Trên nhiều ngả đường, thấp thoáng bóng dáng người chở cau ra vựa bán. Theo chân ông Nguyễn Văn Anh và Trần Ngọc Thanh - những thợ hái cau chuyên nghiệp ở Nha Trang và Diên Khánh, chúng tôi đến xã Vĩnh Thạnh (Nha Trang), nơi vẫn còn nhiều vườn cau nép mình bên những gian nhà cổ. Vợ ông Nguyễn Văn Thái - hộ trồng cau ở thôn Phú Bình cho biết, vườn cau của gia đình vẫn giữ sản lượng như những năm trước, bình quân cho thu nhập 3 triệu đồng/năm. So với những năm gần đây, giá bán cau không tăng trong thời buổi cái gì cũng đắt đỏ. Vườn cau nhà bà Thái trồng 20 năm nay, cây đã cao lớn và cho thu hoạch nhiều lứa. Theo bà Thái, việc chăm sóc cau rất đơn giản, không phải bỏ công đầu tư nhiều. Cau thường được trồng quanh nhà, làm hàng rào, tạo cảnh quan. Dưới gốc cau là các vườn rau xăm xắp nước nên không cần phải tưới hay bón thêm phân cho cau. Bà Thái cho rằng, giá cau từ năm 2007 đến nay không thay đổi, vẫn giữ ở mức 2.500 - 2.700 đồng/kg. Ông Anh - người hái cau chuyên nghiệp cho biết, hiện nay, cau bán giá thấp, không kích thích người trồng cau bởi không còn giá trị kinh tế. Những năm trước, đặc biệt giai đoạn 2003 - 2006, cau hút hàng, đẩy giá lên cao, 1kg cau cũng bằng giá bán hiện nay nhưng lúc đó, giá vàng thấp, chỉ 800.000 đồng/chỉ vàng. So với thời giá hiện nay cho thấy, giá cau đã giảm đi 5 lần. Theo ông Anh, giá cau giảm do tác động của nhiều nguyên nhân; trong đó, cau của Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc để sản xuất kẹo, xí muội cau. Hệ quả của những sản phẩm chế biến từ cau không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã khiến người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm, làm giảm thị phần. Hiện nay, cau vẫn được các thương lái Việt Nam mua, sơ chế rồi xuất sang Trung Quốc với số lượng không hạn chế nhưng giá không tăng.
Cau vào mùa thu hoạch rộ. |
Theo chỉ dẫn của ông Anh, chúng tôi tìm đến một cơ sở sơ chế cau tại xã Diên Bình (Diên Khánh). Một lò sấy cau cỡ lớn được dựng lên, hoạt động suốt ngày đêm, đốt bằng gỗ cây điều. Người quản lý ở đây cho biết, sau khi thu mua, cau được đưa vào luộc trong 2 giờ, sau đó đem sấy liên tục trong lò sấy suốt 6 ngày, 6 đêm mới đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Người quản lý này không tiết lộ giá “đầu ra” nhưng chắc chắn phải gấp nhiều lần giá mua vào, bởi phải qua nhiều công đoạn sơ chế vất vả, cộng với định mức 5 cau tươi = 1 cau khô.
Phần lớn cau chín được thương lái thu mua đưa sang Trung Quốc. Cau sử dụng cho cưới hỏi chỉ là phần nhỏ, và phải chọn loại cau tuyển, trái tròn, buồng mập mạp, giàu sức sống. Người ta tính trái lấy tiền, bình quân 400 đồng/trái. Thời buổi hiện đại, rất ít người còn dùng cau để ăn trầu nên nhu cầu này cũng giảm đáng kể…
Cau sau sơ chế sẽ được xuất sang Trung Quốc. |
Những năm 2003 - 2006, cau được giá, các vùng quê trồng cau nhộn nhịp trong mùa thu hoạch, người người chở cau chạy khắp thôn xóm đến các vựa thu mua, lò sấy cau cũng mọc lên nhiều hơn. Thế nhưng hiện nay, các làng quê tiêu điều trong mùa cau chín rộ, người trồng cau chẳng màng đến mùa cau chín. Nhiều vùng trồng cau cũng bị thu hẹp do tác động của quá trình đô thị hóa. Cau đã qua rồi thời “vàng son”.
HOÀI AN