12:09, 03/09/2011

Điểm sáng trong phong trào dạy nghề cho nông dân

Những cản trở về mặt địa hình ở xã Đại Lãnh (Vạn Ninh, Khánh Hòa) là lực cản khiến sản xuất nông nghiệp khó phát triển, nhưng cũng là động lực để nông dân nơi đây vươn lên tìm nghề mới, tăng thu nhập, thoát nghèo. Chương trình dạy nghề cho nông dân đã thực sự có hiệu quả đối với vùng đất này khi Hội Nông dân tự nguyện làm chỗ dựa giúp nông dân chuyển nghề.

Những cản trở về mặt địa hình ở xã Đại Lãnh (Vạn Ninh, Khánh Hòa) là lực cản khiến sản xuất nông nghiệp khó phát triển, nhưng cũng là động lực để nông dân nơi đây vươn lên tìm nghề mới, tăng thu nhập, thoát nghèo. Chương trình dạy nghề cho nông dân đã thực sự có hiệu quả đối với vùng đất này khi Hội Nông dân (HND) tự nguyện làm chỗ dựa giúp nông dân chuyển nghề.

Đến xã Đại Lãnh những ngày này, nghe nông dân nói về chuyện trồng nấm sò, nuôi ếch bò, chúng tôi mới hiểu được Chương trình dạy nghề cho nông dân đã thực sự có ý nghĩa như thế nào đối với vùng đất này. Ông Lê Văn Nho, Chủ tịch HND xã Đại Lãnh cho biết, Đại Lãnh như một ốc đảo, 3 mặt giáp núi, một mặt giáp biển, diện tích đồng bằng nhỏ hẹp nên sản xuất nông nghiệp khó phát triển. Với điều kiện kinh tế như vậy, nông dân chỉ biết bám rừng, bám biển. Nhưng “của kho” rồi cũng cạn, do cạn kiệt tài nguyên rừng, luật pháp nghiêm cấm phá rừng; nghề biển cũng chẳng khả quan hơn khi nhiều người đầu tư nuôi tôm hùm lồng tự phát nhưng chỉ được thời gian đầu, sau dịch bệnh tràn lan, nông dân lâm vào bế tắc. Hơn nữa, do quy hoạch lỏng lẻo, lồng nuôi phát triển ồ ạt gây cản trở luồng lạch khiến tàu thuyền khó lưu thông. Người nuôi ngoài vùng quy hoạch không được ngân hàng cho vay vốn nên gặp nhiều khó khăn trong tái sản xuất. Kinh tế hộ càng kém phát triển do chưa có ngành nghề, dịch vụ mới thay thế, doanh nghiệp tư nhân hạn chế nên thiếu việc làm, thu nhập người dân bấp bênh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, lao động nông nghiệp dồi dào nhưng lại thiếu kỹ năng, lao động trẻ thiếu việc do thiếu tay nghề, người đi biển không được đào tạo chuyên môn nên hạn chế việc tìm kiếm ngư trường, thu nhập thấp… Tất cả những điều đó đã trở thành “rào cản” cản trở nông dân vươn lên thoát nghèo.

 Nghề nuôi ếch bò đang phát triển tại Đại Lãnh nhờ Chương trình dạy nghề cho nông dân

Trước tình hình đó, Chương trình dạy nghề cho nông dân được triển khai. HND xã rất quan tâm, xem đây như là cách giúp nông dân tìm cơ hội thoát nghèo. Tuy nhiên, những ngày đầu triển khai chương trình dạy nghề cho nông dân không hề thuận lợi. Không phải ai cũng hiểu và tự nguyện đăng ký đi học. Thế là HND xã phải thành lập Ban vận động, huy động những nông dân nòng cốt làm tình nguyện viên, thường xuyên vận động, tuyên truyền đến các hộ dân để mọi người hiểu được lợi ích của việc học nghề, chỉ có học nghề mới có cơ hội phát triển kinh tế gia đình, mở mang dịch vụ, thay thế ngành nghề truyền thống hiện không còn phù hợp. Bên cạnh đó, HND xã đề xuất với Trường Trung cấp Nghề đưa vào dạy những ngành nghề thiết thực, dễ làm, dễ thực hiện để nông dân mau chóng nắm bắt, thực hiện theo.

Một điểm thuận lợi là HND xã đã thu hút được những người có tâm huyết, tình nguyện làm người “vác tù và”. Anh Nguyễn Xuân Hoàng (Chi hội Tây Bắc 2) tâm sự: “Trước đây tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Hiểu những người có cùng hoàn cảnh như mình, tôi tự nguyện đứng ra vận động, giúp đỡ những người khác. Bằng tâm huyết, uy tín của mình, tôi thuyết phục họ chịu khó đi học để tìm cơ hội mới…”. Anh Hoàng cùng với các anh em khác trong HND đã vận động được 65 nông dân tham gia 2 lớp học nghề nuôi ếch bò và làm nấm sò. Hiện khả năng áp dụng của các lớp đào tạo nghề rất lớn. Lớp nuôi ếch đã có 20 hộ tự nguyện xây bể, đầu tư ếch giống, phát triển nghề nuôi. Lớp trồng nấm sò được HND đầu tư mô hình để nông dân tham quan, nhân rộng…

Sau một thời gian vận động thực hiện Chương trình dạy nghề cho nông dân, HND xã phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng mở nhiều lớp đào tạo nghề cho nông dân đạt hiệu quả cao. Hàng năm, Hội phối hợp với Trường Đại học Nha Trang tổ chức nhiều lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy, thuyền viên, cấp chứng chỉ cho hơn 800 người; mở 2 lớp Tin học trình độ A cho 82 học viên; 2 lớp trồng nấm và nuôi ếch thu hút 65 học viên… Ngoài ra, Hội còn phối hợp đào tạo ngành nghề cho con em nông dân (5 - 6 lớp). Hiệu quả mang lại từ chương trình này rất lớn, đến nay 100% tàu thuyền trên địa bàn có thuyền trưởng, máy trưởng; nhiều học viên học lớp nâng cao Tin học; nhiều con em nông dân qua học lớp may công nghiệp đã tìm được việc làm tại TP. Hồ Chí Minh… Thông qua các lớp đào tạo nghề, nông dân đầu tư mở mang ngành nghề, sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập kinh tế hộ…

Có thể nói, Chương trình đào tạo nghề thông qua HND xã Đại Lãnh đã mang lại hiệu quả lớn, cần được phát huy trong thời gian tới.

H.A