Những năm qua, ngành sản xuất công nghiệp là một trong những thế mạnh phát triển kinh tế của TP. Cam Ranh. Với lợi thế của mình, công nghiệp được xem là mũi nhọn, động lực thúc đẩy sự phát triển của thành phố trẻ Cam Ranh, khu vực phía Nam của tỉnh cũng như các tỉnh lân cận.
Những năm qua, ngành sản xuất công nghiệp (CN) là một trong những thế mạnh phát triển kinh tế (KT) của TP. Cam Ranh. Với lợi thế của mình, CN được xem là mũi nhọn, động lực thúc đẩy sự phát triển của thành phố trẻ Cam Ranh, khu vực phía Nam của tỉnh cũng như các tỉnh lân cận.
TP. Cam Ranh được xác định là đô thị động lực phát triển KT, văn hóa phía Nam của tỉnh, có ảnh hưởng đến vùng duyên hải Nam Trung bộ mà trực tiếp là Bắc Ninh Thuận và Đông Lâm Đồng; là một trong những trung tâm CN, du lịch có ý nghĩa đối với tỉnh và khu vực lân cận của các tỉnh khác, có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh quốc gia. Sau khi được Chính phủ quyết định thành lập TP. Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa, TP. Cam Ranh sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển thành phố theo hướng phát triển hiện đại, là động lực thúc đẩy KT - xã hội phía Nam của tỉnh. Thành phố sẽ tập trung phát triển các ngành KT có lợi thế nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu KT theo hướng CN - thương mại, dịch vụ, du lịch - nông nghiệp. Trong đó, CN được xác định là động lực phát triển của địa phương.
Với lợi thế của mình, TP. Cam Ranh đang ngày càng thu hút nhiều dự án đầu tư. Trong ảnh: Trạm nghiền xi măng Cam Ranh của Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (Vicem Hà Tiên) đã đi vào hoạt động. |
Với vịnh Cam Ranh rộng khoảng 100km2, chỗ sâu nhất đạt 24 - 26m, kín gió, không bị bồi lấp; bờ biển dài 25km…, bên cạnh lợi thế về phát triển cảng, hàng hải, TP. Cam Ranh có điều kiện thuận lợi về đường hàng không, đường sắt, đường bộ; nguồn nhân lực dồi dào; ngành nuôi trồng hải sản phát triển mạnh; trên địa bàn có 2 khu CN được UBND tỉnh cho phép quy hoạch, xây dựng gồm: Khu CN Nam Cam Ranh, Khu CN Bắc Cam Ranh… Đây là những điều kiện thuận lợi để TP. Cam Ranh phát triển CN đóng tàu, sản xuất thiết bị phụ trợ cho ngành đóng tàu, CN may mặc, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng…
Theo ông Lê Hoàng Phước - Trưởng phòng KT TP. Cam Ranh, giai đoạn 2011 - 2015, TP. Cam Ranh sẽ được xây dựng thành một trong 3 vùng KT trọng điểm và là thành phố động lực phía Nam của tỉnh. Thành phố sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, chủ động hội nhập KT quốc tế, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu KT theo hướng CN - thương mại, dịch vụ, du lịch - nông nghiệp, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CN hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ mới. Thành phố phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu đề ra như: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 13 - 14%/năm, giá trị sản xuất CN - xây dựng tăng bình quân 25%/năm, tỷ trọng của ngành CN - xây dựng trong cơ cấu các ngành KT đến năm 2015 sẽ đạt khoảng 52,9%, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 120 triệu USD, tăng gấp 6 lần so với năm 2010, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng, phát triển 500 cơ sở sản xuất CN, giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động…
Để thúc đẩy ngành sản xuất CN phát triển, tạo tiền đề cho sự phát triển KT - xã hội của địa phương, từ nay đến năm 2015, TP. Cam Ranh sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 2 khu CN Nam và Bắc Cam Ranh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án mới như: Nhà máy Đóng tàu của Công ty Oshima Shipbuiding (tổng vốn đầu tư 3.800 tỷ đồng), Nhà máy Xi măng Công Thanh (vốn đầu tư hơn 1.045 tỷ đồng), hoàn thành giai đoạn 2 Nhà máy Đóng tàu, Nhà máy Xi măng Cam Ranh. Bên cạnh đó, xúc tiến các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư các dự án: Nhà máy chế biến dăm mảnh gỗ nguyên liệu giấy tại xã Cam Thịnh Đông (vốn đầu tư 40 tỷ đồng), Nhà máy sản xuất dăm gỗ và viên gỗ nén tại Khu CN Bắc Cam Ranh (vốn đầu tư 40 tỷ đồng), Nhà máy may Cam Ranh tại phường Cam Phúc Bắc (vốn đầu tư 14,8 tỷ đồng)… Các dự án này khi hoàn thành, đưa vào hoạt động sẽ góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Bên cạnh đó, thành phố còn kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vật liệu xây dựng sạch, không gây ô nhiễm môi trường; định hướng phát triển các nghề chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cung cấp cho các trung tâm thương mại và các dự án du lịch trên địa bàn…
Theo đánh giá, TP. Cam Ranh là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển CN. Tuy nhiên, để phát huy lợi thế, thúc đẩy CN phát triển, việc xây dựng các hồ chứa nước phục vụ cho các dự án, các cơ sở sản xuất CN trên địa bàn là việc cấp thiết. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng 2 khu CN Nam và Bắc Cam Ranh cần sớm được đầu tư xây dựng, qua đó thu hút các dự án đầu tư, nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu của các dự án được xây dựng trong thời gian đến… Có như vậy, TP. Cam Ranh mới có thể đưa ngành sản xuất CN từ tiềm năng thành mũi nhọn, động lực phát triển KT - xã hội của địa phương và các tỉnh trong khu vực.
THỦY BA