03:08, 08/08/2011

Nuôi ếch bò, thêm cơ hội

Phong trào nuôi ếch bò (loài ếch có xuất xứ từ châu Mỹ), đang phát triển mạnh tại xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), hứa hẹn nhiều triển vọng cho nông dân thoát nghèo. Là địa phương “đất chật, người đông”,....

Phong trào nuôi ếch bò (loài ếch có xuất xứ từ châu Mỹ), đang phát triển mạnh tại xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), hứa hẹn nhiều triển vọng cho nông dân thoát nghèo. Là địa phương “đất chật, người đông”, địa hình một bên núi, một bên biển, nguồn lợi dần cạn kiệt nên việc tìm kiếm nghề mới cho nông dân ở Đại Lãnh là chủ trương đúng đắn.

Phong trào nuôi ếch bò đang phát triển tại Đại Lãnh, thu hút sự quan tâm của nhiều hộ nông dân, sau khi được Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh chuyển giao. Đây là loài ếch có xuất xứ từ châu Mỹ, được thuần hóa ở một số nước, vùng lãnh thổ gần Việt Nam như: Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan.... Hội Nông dân (HND) xã Đại Lãnh cho biết, đến nay toàn xã đã có 20 hộ xây bể, đem con giống về nuôi, kết quả bước đầu rất khả quan. Các vấn đề về kỹ thuật, con giống, thức ăn… đã có nhà trường trợ giúp, nông dân an tâm đầu tư.

Nuôi ếch bò đang phát triển ở Vạn Ninh. 
Theo ông Đỗ Văn Cuộc, Phó Chủ tịch HND xã Đại Lãnh, phong trào nuôi ếch bò có nhiều triển vọng, nông dân rất phấn khởi khi tiếp cận với nghề mới. Có thể nói, nuôi ếch bò còn thuận lợi hơn cả việc nuôi tôm thẻ chân trắng, vì thế có hộ đang nuôi tôm thẻ nay chuyển sang nuôi ếch. Ông Cuộc cũng là người bỏ tiền ra đầu tư nuôi ếch bò, hiện diện tích bể nuôi tại nhà ông là 28m2. Sau lớp dạy nuôi ếch, ông Cuộc bỏ ra gần 15 triệu đồng xây bể xi măng, mua giống về thả. Ngày ngày ông dành thời gian chăm sóc đàn ếch, và thấy có thêm niềm vui trong nghề mới. Theo ông Cuộc, ếch bò dễ nuôi, chóng lớn. Sau một tháng, ếch đã to bằng chiếc cốc trà so với lúc đầu chỉ bằng ngón tay út. Ông Cuộc tiết lộ: nghề này phải siêng năng, hàng ngày thay nước sạch thường xuyên, nếu không nước chứa thức ăn giàu đạm phân hủy sẽ đầu độc đàn ếch, làm ếch bệnh, còi cọc, chậm lớn. Nuôi ếch cũng phải thường xuyên phân loại đàn, chọn ếch đồng cỡ nuôi riêng, nếu không ếch đói sẽ ăn lẫn nhau dẫn tới hao hụt. Ông nhận định, sau 2,5 - 3 tháng nuôi, ếch đạt trọng lượng thương phẩm bình quân 300g, là kích cỡ thị trường ưa chuộng nhất. Hiện giá ếch thịt bình quân 90 ngàn đồng/kg, bán rộng rãi tại các nhà hàng, quán nhậu trong tỉnh. Thị trường ếch thịt đang khan hiếm do cầu cao hơn cung nên việc nuôi ếch không lo “đầu ra”.

Ông Nguyễn Văn Hùng, nông dân thôn Tây Nam 2 cũng đang đầu tư bể nuôi 70m2, quy mô 2.000 con, kinh phí 20 triệu đồng. Ông Hùng cho biết, ếch đạt trọng lượng khá, gần ngày xuất bán. Bệnh của ếch không đáng kể, ếch thường bị sình bụng do thức ăn bị chua, ẩm mốc lâu ngày. Việc nuôi dày dễ dẫn đến bệnh tật nếu không thường xuyên thay nước sạch. Theo ông Hùng, nuôi ếch dễ có lời, bình quân đầu tư 20 triệu, doanh thu 50 triệu, lãi 20 - 30 triệu sau 3 tháng nuôi. Nghề nuôi ếch có nhiều triển vọng đối với những nơi đất chật, người đông, khó phát triển các nghề cần nhiều diện tích.

Ếch bò là loại ếch lớn, được thuần hóa và đưa vào Việt Nam khá lâu, trọng lượng có thể đạt 1kg/con. Ếch bò thích hợp với việc nuôi thâm canh, năng suất cao, có nhiều ưu thế hơn ếch đồng như: khả năng sinh đẻ, sức lớn tối đa, được thuần hóa từ ăn thức ăn động vật tươi sống sang thức ăn tĩnh. Hiện nguồn giống đã được các trại ếch giống ở Ninh Hòa cung cấp (con giống nhỏ (ngón tay út) có giá 1.200 đồng/con; con giống lớn hơn có giá 1.600 đồng/con, nhưng dễ nuôi, ít hao hụt). Thức ăn bán tại các đại lý thức ăn, thức ăn dành cho ếch chủ yếu là thức ăn nổi công nghiệp. Các công đoạn xây bể, làm mặt bằng cho ếch sinh sống được hướng dẫn cụ thể. Bể nuôi ếch có vỉ sắt kiên cố bên dưới, bên trên có lót vỉ tre để tránh xây xát (không dùng các loại gỗ bạch đàn, săng lẻ... làm vỉ vì chất dầu tiết ra có thể làm hỏng nước, đầu độc ếch).

Đại Lãnh là địa phương bị bế tắc trong việc giúp đỡ nông dân phát triển kinh tế. Với địa hình một bên núi, một bên biển, Đại Lãnh “lọt” vào thế cô lập, khó phát triển. Việc tìm kiếm ngành nghề, hướng ra cho nông dân ở Đại Lãnh là một nhu cầu bức thiết. Nghề rừng, nghề biển sau một thời gian dài khai thác cũng lâm vào bí bách, tài nguyên cạn kiệt. Phát triển kinh tế, thoát ra khỏi sức ép dân số đang gia tăng khiến Đại Lãnh phải tìm kiếm hướng đi mới cho mình.

Nghề nuôi ếch không sử dụng nhiều diện tích, quy mô đầu tư nhỏ (vài chục triệu đồng), đối tượng dễ làm, dễ phát triển và hiện đang có thị trường dồi dào khiến nghề nuôi ếch nhanh chóng phát triển. Tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập kinh tế hộ nông dân là hướng đi đúng đắn, cần có sự hỗ trợ tích cực của các ban, ngành, chính quyền địa phương để nghề nuôi thực sự vững chắc.

H.A