Thành lập vừa tròn 5 tháng nhưng mô hình tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ thủ công mỹ nghệ Thuận Thành (Cam Thuận, Cam Ranh, Khánh Hòa) hoạt động khá hiệu quả. Không chỉ phát huy những mặt tích cực của từng cơ sở trước đây...
Thành lập vừa tròn 5 tháng nhưng mô hình tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ thủ công mỹ nghệ (viết tắt là TLK-TCMN) Thuận Thành (Cam Thuận, Cam Ranh, Khánh Hòa) hoạt động khá hiệu quả. Không chỉ phát huy những mặt tích cực của từng cơ sở trước đây, TLK còn tạo điều kiện cho các cơ sở hợp tác với nhau, mở rộng “đầu ra” cho sản phẩm.
. Tạo việc làm cho lao động
Mới sáng sớm, tại cơ sở sản xuất TCMN của anh Bùi Xuân Đông (phường Cam Thuận, Tổ phó TLK), không khí lao động đã khẩn trương. Phần lớn lao động ở đây là những người có hoàn cảnh khó khăn được anh Đông tạo việc làm. Nguyễn Thanh Phương (phường Cam Lợi), người mới “chân ướt chân ráo” vào nghề, tâm sự: “Tôi vừa bị tai nạn giao thông, chấn thương ở đầu, gia cảnh rất khó khăn, may được anh Đông quan tâm nhận vào làm. Tôi cố gắng tiếp cận với công việc mới, chủ yếu là tiện các ống đựng nhang nhưng được trả công 100 ngàn đồng/ngày”. Trịnh Hồ Quang, 25 tuổi, là bộ đội xuất ngũ, cũng được nhận vào làm ở cơ sở này. Quang là một trong những công nhân thành thạo tay nghề nhất, sản phẩm làm ra chủ yếu là các vật dụng đựng nhang như: ống, máng, hộp…
Tổ liên kết thủ công mỹ nghệ Thuận Thành tạo việc làm cho nhiều lao động |
. Hiệu quả từ việc liên kết
Anh Đông cho biết, TLK Thuận Thành ra đời trên cơ sở liên kết 4 cơ sở sản xuất TCMN trên địa bàn, nhưng cơ sở của anh lớn nhất, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động. TLK thường xuyên trao đổi kỹ thuật, tay nghề, sản xuất các mặt hàng mới, đặc biệt hợp tác chặt chẽ với nhau trên mặt bằng về giá để tránh cơ sở nơi khác hoặc chủ hàng ép giá. Đây là cái lợi thấy rõ nhất. Anh Đông cho rằng, việc liên kết góp phần tạo việc làm ổn định cho công nhân, tạo được sức mạnh trong cạnh tranh mà các cơ sở riêng lẻ không thể làm được. Tuy hiện nay, từng cơ sở tự lo doanh thu nhưng khi xuất hiện mặt hàng mới hoặc tìm kiếm được đối tác mới, các cơ sở đều chung sức. Cơ sở có đơn đặt hàng nhiều sẽ chia sẻ cho các cơ sở khác, hoặc cơ sở này không đủ hàng để gom đủ chuyến thì cơ sở khác hay cả 4 cơ sở cùng hỗ trợ gom hàng. Nhờ chia sẻ, hợp lực với nhau trong công việc làm ăn nên đã tạo cho TLK thêm sức mạnh để cạnh tranh. Theo anh Đông, bình quân hàng tháng cơ sở làm ra 15 - 20 ngàn sản phẩm (chi phí 70%), doanh thu khá ổn định. Hiện nay, ngoài lực lượng chủ lực tại xưởng, anh Đông còn giải quyết việc làm cho 10 hộ khác gia công tại nhà (được trang bị máy đánh bóng), thu nhập 150 ngàn đồng/ngày/hộ. Cơ sở cũng đang xúc tiến xây dựng một xưởng sản xuất nhang, thu hút hơn 30 lao động địa phương.
Ông Lê Xuân Cường, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) phường Cam Thuận cho biết, TLK Thuận Thành ra đời theo chủ trương vận động của HND, gồm 4 cơ sở, tạo việc làm trực tiếp cho 50 lao động. Việc thành lập TLK giúp các hộ sản xuất hỗ trợ nhau trong nhiều khâu: lao động, việc làm, tay nghề, tiêu thụ sản phẩm… Hoạt động của TLK tuy mới diễn ra trong 5 tháng nhưng tỏ ra khá hiệu quả, doanh thu tăng hơn trước. Khó khăn hiện nay của tổ là thiếu vốn. Vừa qua, HND phường đã hỗ trợ 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để tổ hoạt động. Đồng thời, HND phường đang làm thủ tục vay vốn dự án 120, bảo lãnh cho tổ vay vốn mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động (dự kiến dự án giải quyết việc làm cho 30 lao động, với thu nhập 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng).
Có thể nói, việc liên kết đã tạo nên sức mạnh cho các cơ sở sản xuất riêng lẻ. Tuy nhiên, nếu Nhà nước, ngân hàng không có hướng tháo gỡ về vốn, chắc chắn hoạt động của các TLK sẽ gặp nhiều khó khăn.
Q.V
.