04:08, 11/08/2011

Tạo đột phá trong năng suất

Khan hiếm nguồn nước mặn nhưng lại thừa nước ngọt khiến ông Cao Văn Minh (thôn Tây Nam 2, Đại Lãnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa) quyết tâm thuần hóa tôm biển thích nghi dần với môi trường nước ngọt. Và ông đã thành công khi thuần dưỡng tôm thẻ chân trắng sống được ở môi trường có độ mặn thấp. Kết quả đó không chỉ giúp ông có thể tiếp tục theo đuổi nghề nuôi tôm mà còn tạo bước đột phá trong năng suất.

Khan hiếm nguồn nước mặn nhưng lại thừa nước ngọt khiến ông Cao Văn Minh (thôn Tây Nam 2, Đại Lãnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa) quyết tâm thuần hóa tôm biển thích nghi dần với môi trường nước ngọt. Và ông đã thành công khi thuần dưỡng tôm thẻ chân trắng (TTCT) sống được ở môi trường có độ mặn thấp. Kết quả đó không chỉ giúp ông có thể tiếp tục theo đuổi nghề nuôi tôm mà còn tạo bước đột phá trong năng suất.

Ông Cao Văn Minh tâm sự: “Khi còn trẻ, hàng ngày “vật lộn” với sông nước, tôi phát hiện nhiều loài tôm biển lột vỏ trong môi trường nước ngọt vẫn có thể sống và phát triển bình thường…”. Và điều tâm đắc ấy đã theo ông khi gia đình định cư ở Hòn Bún, khu Suối Đá, Trại Sập (Đại Lãnh). Nhà ông Minh nhìn ra 3 mặt là núi nên việc lấy nước mặn rất khó. Từ suối Dừa, cách xa khu vực nuôi hơn 1km; nguồn nước ngọt khá dồi dào khiến ông Minh nghĩ đến phát hiện hồi còn trẻ và quyết tâm chinh phục tôm biển bằng phương pháp mới, cách đây khoảng 8 - 9 năm.

 Thuần dưỡng tôm nước mặn tạo đột phá về năng suất, chất lượng.

Ông Minh bố trí ao nuôi gồm nhiều ao nhỏ, đưa nước mặn về giữ để “ngọt hóa” dần. Nước ngọt được trữ sẵn trong các ao nhỏ rồi chuyển sang ao lớn. Tôm post mua về, thả vào ao sau khi đã hạ độ mặn từ 10‰ xuống còn 8‰, quan sát thấy tôm không bị sốc là an tâm. Cẩn thận hơn, trước khi đưa tôm giống về, ông Minh dặn kỹ các trại tôm hạ trước độ mặn để tôm làm quen với môi trường mới. Trước đây chưa có kinh nghiệm, ông thường đặt mua tôm qua thương lái nên chất lượng không bảo đảm, nay ông trực tiếp đặt mua của Công ty CP (tại tỉnh Đồng Nai) bảo đảm nguồn con giống post, chỉ cần 8 - 9 ngày sau là có hàng.

Để có nguồn nước ngọt ổn định, ông Minh đóng thêm các giếng khoan nhằm hạn chế nguồn lây của vi sinh vật. Đồng thời, nước ngọt sau khi hút lên dự trữ vào các ao và sục khí liên tục để bảo đảm đủ ôxy cung cấp cho tôm nuôi. Ông bố trí trên diện tích 9.000m2 6 ao nuôi, trong đó có 2 ao nhỏ để ương nuôi gối đầu, đây cũng là các ao tạo môi trường có độ mặn thích hợp giúp tôm làm quen dần. Đường nước cấp và xả được bố trí cách ly. Nước thải được xả ra suối, không ảnh hưởng đến nguồn bổ sung nước mặn hay ngọt. Do độ mặn giảm, môi trường nuôi dễ bị kiềm và phát triển tảo, ông Minh phải thường xuyên kiểm tra độ pH bằng cách bón vôi đạt độ ổn định cho phép, tạo thuận lợi cho tôm sinh trưởng. Để tránh lũ lớn, ông Minh đắp bờ cao và dùng nilon phủ lên bờ, đồng thời khơi thông dòng chảy, đặc biệt là khu vực sát suối.

Sau thời gian dài thuần dưỡng tôm biển theo hướng “ngọt” hóa, ông đã có nhiều kinh nghiệm hơn. Ông Minh nhận xét: Nuôi tôm nước lợ, tôm vẫn sống và phát triển bình thường, thậm chí còn tốt hơn nước mặn. Trong môi trường nước lợ, tôm mau lột xác và mau lớn hơn bởi môi trường này không thích hợp cho nhiều loài vi khuẩn nước mặn gây bệnh. Độ mặn có thể giảm đến 5‰, thậm chí thấp hơn… Chất lượng tôm nuôi nước lợ ngon hơn, vỏ mỏng hơn nhưng trọng lượng vẫn như nhau. Bình quân 1.000m2 thu 1,5 tấn tôm thương phẩm.

Nuôi tôm nước lợ giúp ông Minh thắng lớn. Một năm ông sản xuất 3 - 4 vụ TTCT, mỗi vụ 1,5 tháng, thu về 3,5 - 4 tấn tôm thương phẩm với giá 90.000 đồng/kg (bình quân 100con/kg).

Ông Minh khoe: “Chỉ từ Tết Nguyên đán Tân Mão đến nay, tôi thu về 600 triệu đồng từ tiền bán tôm, sau khi trừ hết chi phí”. Với việc nuôi tôm ổn định, ông Minh có điều kiện nuôi các con ăn học.

Theo nhiều tài liệu chuyên ngành, hoàn toàn có đủ cơ sở khoa học để khẳng định nuôi tôm biển thuần hóa có hiệu quả và năng suất so với môi trường nước mặn. Nuôi tôm thuần hóa giúp tôm mau lớn, dễ lột xác và ít bệnh tật. Nuôi tôm nước lợ còn cho phép giải quyết các vấn đề nguồn nước ô nhiễm, nhất là các vùng ven đê ngăn mặn, các vùng trồng lúa sát biển. Tuy nhiên, môi trường này thường dẫn đến độ pH thấp và phát sinh tảo. Do vậy, cần kiểm soát thường xuyên độ pH bằng cách bón vôi để nâng độ kiềm và hạn chế phát triển tảo. Các chủ nuôi cũng cần tăng cường thêm canxi và vitamin C vào thức ăn để tôm cứng vỏ. Nuôi tôm thuần dưỡng cũng cần chú ý việc quy hoạch, không nuôi tràn lan, tự phát để tránh ô nhiễm môi trường khi thiếu hệ thống thủy lợi nội vùng…

H.A