07:08, 26/08/2011

Hiệu quả rõ rệt

Tuy chỉ mới xuất hiện trong “làng” nuôi tôm từ đầu năm đến nay nhưng hiệu quả mà chiếc máy cho tôm ăn mang lại đã khẳng định ưu thế vượt trội so với cách cho tôm ăn truyền thống.

Tuy chỉ mới xuất hiện trong “làng” nuôi tôm từ đầu năm đến nay nhưng hiệu quả mà chiếc máy cho tôm ăn (MCTA) mang lại đã khẳng định ưu thế vượt trội so với cách cho tôm ăn truyền thống. Theo quan sát bước đầu, MCTA không chỉ giúp người nuôi tôm giảm nhân công lao động mà còn rút ngắn được thời gian nuôi.

Sử dụng rộng rãi

Vùng nuôi tôm Đồng Bò thuộc 2 xã Phước Đồng và Vĩnh Thái (Nha Trang) hiện đang “nở rộ” việc sử dụng MCTA, hầu như đìa tôm nào cũng có. Thời gian gần đây, tại các đìa nuôi tôm, hình ảnh MCTA giống như một chiếc phễu khổng lồ màu xanh hiển hiện một cách sinh động tại các vùng nuôi. Anh Thân, một người nuôi tôm thẻ chân trắng chuyên nghiệp ở đây cho biết, đây là chiếc máy “nhái” lại kiểu dáng của máy Thái Lan đang được bà con sử dụng rộng rãi. Với chiếc máy này, người nuôi tôm bây giờ không còn phải mất công bơi xuồng cho ăn như trước. Chỉ cần định giờ bằng một thiết bị tự động cài đặt sẵn là người nuôi có thể an tâm, tôm dưới ao được ăn liên tục, đều đặn, không bị bỏ quên. Cách làm này giúp người nuôi tiết kiệm được chi phí thuê mướn nhân công. Theo anh Thân, nếu bình quân một ao nuôi rộng 5.000m2 sử dụng 1 công lao động thì dùng máy, một người có thể quản lý 3-4 ao. Việc sử dụng máy còn giúp tôm lớn nhanh, đồng đều, rút ngắn thời gian nuôi, bình quân một vụ chỉ còn 70 ngày, so với 90-100 ngày như trước. Rút ngắn thời gian nuôi đồng nghĩa với giảm bớt chi phí, người nuôi sẽ có lãi hơn. Tuy nhiên, anh Thân cho rằng, nuôi bằng máy sẽ tiêu tốn nhiều thức ăn hơn. Thời gian nuôi rút ngắn được bao nhiêu còn phụ thuộc vào chất lượng tôm giống…

Cho tôm ăn bằng máy đem lại hiệu quả rõ rệt

Ông Nguyễn Thểnh, người làm công cho đìa tôm của ông Võ Văn Cường (Vĩnh Thái) khẳng định: nuôi tôm bằng máy không lo cảnh chèo xuồng cho ăn như trước, nhất là đối với người lớn tuổi dễ bị té ngã xuống nước. Nếu đìa rộng có thể bố trí 2-3 máy. Chiếc máy rất đơn giản, chỉ là chiếc thùng như cái phễu lớn, cứ hết thức ăn lại đổ thức ăn vào. Máy “canh” bao nhiêu thời gian do con người cài đặt, phụ thuộc vào trình độ thâm canh, tuổi tôm… Nếu chọn thời gian ngắn, thức ăn tốn nhiều, tôm ăn nhiều sẽ mau lớn, ngược lại chọn thời gian giãn ra, tôm ăn ít, chậm lớn hơn. Để có thể điều chỉnh thời gian phù hợp, chủ nuôi tôm thường bố trí những chiếc te trong khu vực. Khi kéo te lên, nếu thức ăn vẫn còn chứng tỏ lượng thức ăn dư, nên giảm bớt và ngược lại. Theo ông Thểnh, nuôi bằng MCTA tôm sẽ mau lớn hơn, nhất là giai đoạn tôm post. Qua một vụ nuôi cho thấy tôm xuất bán sau khoảng 70 ngày, bình quân đạt trọng lượng 85 con/kg nhưng tôm rất đều cỡ…

Đã có máy “made in” Việt Nam

Nuôi tôm bằng máy khẳng định hiệu quả rõ rệt khiến cho các cơ sở cơ khí trong vùng không thể bỏ qua “cơ hội vàng”. Anh Nguyễn Minh Đức, chủ Cơ sở cơ khí Đức Tài trên đường Phong Châu (Nha Trang) cho biết, đây là một loại máy mới phục vụ cho nuôi tôm công nghiệp, nguồn gốc Thái Lan, được du nhập vào Việt Nam mới đây. Tuy nhiên, giá thành của máy Thái Lan rất đắt, bình quân 12-14 triệu đồng/chiếc. Trên cơ sở mẫu mã, nguyên tắc hoạt động của máy Thái Lan, cơ sở Đức Tài đã cải tiến cho phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, giảm giá thành sản phẩm chỉ bằng 1/3, hiện nay máy Việt Nam có giá 4,2 triệu đồng/chiếc. Nguyên tắc hoạt động của máy là sử dụng một mô tơ điện làm động cơ, kết nối với hệ thống định giờ (Timor) đã được lập trình sẵn, người nuôi tôm có thể cài đặt giờ theo ý thích. Sau khi cài đặt, máy hoạt động một cách tự động. Khi hoạt động, máy sẽ lấy thức ăn từ phễu đựng thức ăn xuống các ống hay cây ném thức ăn (có 4 cây bố trí vuông góc). Thức ăn được ném ra xa, trong phạm vi 30m2. Ao rộng thì bố trí nhiều máy hơn. Thời gian ném thức ăn ngắn, chỉ khoảng 1 phút. Tôm nuôi được cho ăn theo cách này sẽ lớn nhanh, đồng đều, rút ngắn thời gian nuôi. Tuy lượng thức ăn có thể cao hơn trước nhưng tránh việc cung cấp thức ăn thừa, dễ làm suy giảm chất lượng môi trường ao nuôi. Đồng thời, cách nuôi mới tiết kiệm được nhân công, nếu trước đây sử dụng 5 nhân công thì nay có thể giảm còn 2. Với mức trả công tại các đìa nuôi tôm hiện nay bình quân 2 triệu đồng/người/tháng, có thể thấy chi phí giảm đáng kể.

Theo anh Đức, hiện việc cung cấp MCTA của cơ sở đối với hộ nuôi không lớn; sắp tới, nhu cầu tập trung cho các công ty đặt hàng. Điều này cho thấy, ưu thế của việc cho tôm ăn bằng máy đang được quan tâm, đem lại nhiều lợi ích và đáng được nhân rộng. Đây là kiểu mẫu của mô hình nuôi tôm công nghiệp.

Q.V