10 năm qua, Khánh Hòa đã triển khai có hiệu quả việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, góp phần từng bước tạo ra diện mạo mới cho cộng đồng doanh nghiệp địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
10 năm qua, Khánh Hòa đã triển khai có hiệu quả việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), góp phần từng bước tạo ra diện mạo mới cho cộng đồng DN địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới DNNN, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, quyết định, văn bản có liên quan đến hoạt động sắp xếp, đổi mới DNNN. UBND tỉnh cũng đã xây dựng, rà soát, điều chỉnh phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới DNNN tỉnh. Trên cơ sở phương án này, hàng năm, tỉnh đưa vào kế hoạch phát triển KT-XH danh mục những DNNN cần được sắp xếp, chuyển đổi. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng chủ động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến người lao động (NLĐ), đồng thời hướng dẫn các DNNN triển khai thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, đổi mới. Có thể nói, việc chuyển đổi các DNNN, đặc biệt là các DN cổ phần hóa (CPH) đã được địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật cũng như các chế độ, chính sách hiện hành để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NLĐ trong các DN chuyển đổi, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà đầu tư ngoài DN tham gia đấu giá mua cổ phần (CP) và tham gia quản lý DN sau chuyển đổi. 10 năm qua, Khánh Hòa đã tiến hành sắp xếp, chuyển đổi 81 DNNN. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng đã cùng các DN thực hiện giải quyết NLĐ dôi dư sau khi chuyển đổi DN. Thời gian qua, các DN đã giải quyết dôi dư cho 771 NLĐ với tổng số tiền hơn 23,6 tỷ đồng. Việc giải quyết lao động dôi dư đều tuân thủ các quy định của Nhà nước về trình tự, thủ tục thực hiện, đảm bảo tính công khai, dân chủ; trong đó có nhiều chính sách đãi ngộ nên NLĐ an tâm khi thôi việc, có điều kiện và cơ hội để tìm việc làm mới thích hợp.
Sau khi cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp đã có phương án sản xuất kinh doanh hợp lý để khẳng định vị thế. (Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty Cổ phần May Khánh Hòa tại Cụm công nghiệp Diên Phú). |
Trong công tác CPH, các DN CP đã đi vào hoạt động ổn định, đổi mới phương án sản xuất kinh doanh (SXKD) để từng bước mang lại hiệu quả cho mình và cổ đông. Đặc biệt từ khi có Nghị định 187/2004/NĐ-CP của Chính phủ “Về việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty CP” (CTCP) đã ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia đấu giá, mua CP tại các DNNN được CPH. Cá biệt có CTCP Đường Ninh Hòa, nhà đầu tư bên ngoài mua đến 78% vốn điều lệ. Nhờ đó, cơ chế quản lý hoạt động SXKD trong CTCP được xây dựng chặt chẽ hơn nhưng vẫn đảm bảo tính chủ động, linh hoạt, ngày càng có nhiều nhà đầu tư tham gia bộ máy quản lý, điều hành. Từ đó hình thành cơ chế kiểm soát có hiệu quả từ cổ đông và NLĐ đối với DN. Nhờ đó, chi phí quản lý của DN đã CPH giảm bình quân 25% so với khi còn là DNNN, cá biệt có DN giảm đến 50%. Cũng nhờ hiệu quả trong hoạt động SXKD, phần lớn DN sau CP đã hoạt động có hiệu quả rõ rệt. Qua phân tích số liệu báo cáo của 45 CTCP đã đi vào hoạt động hơn 1 năm, doanh thu bình quân của các DN tăng 2,76 lần; nộp ngân sách tăng 2,1 lần; lợi nhuận sau thuế tăng 3,2 lần; thu nhập của NLĐ tăng 2 lần so với thời điểm trước khi chuyển đổi. Nhiều CTCP đã đầu tư thêm máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất và ngành nghề, tăng cường liên doanh liên kết; lực lượng lao động được sắp xếp lại một cách hợp lý hơn nên năng suất lao động tăng, thu nhập của NLĐ được cải thiện. Nhờ đó, năng lực, hiệu quả SXKD tăng, lợi ích của Nhà nước, DN và cổ đông được đảm bảo. Đồng thời, việc CPH góp phần xác định giá trị DN ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch hơn, tránh được sự thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước. Theo số liệu thống kê, 10 năm qua, giá trị thực tế vốn Nhà nước tại 49 DN, bộ phận DNNN tỉnh đã CPH tăng 22,6% so với sổ sách kế toán. Ngoài ra, khi CPH, dưới sự hướng dẫn, giám sát của các sở, ngành liên quan, DN đã thực hiện công khai, dân chủ tiêu chuẩn và điều kiện được mua CP theo giá ưu đãi đến từng NLĐ, góp phần đảm bảo cho 100% NLĐ thuộc diện mua CP ưu đãi đều được quyền mua CP phát hành lần đầu tại các DNNN CPH.
Bên cạnh hoạt động CPH, 10 năm qua, Khánh Hòa đã giao, bán thành công 6 DN cho tập thể NLĐ. Trước khi giao, bán, các DN này gặp nhiều khó khăn về tài chính, SXKD thua lỗ, có nguy cơ giải thể hoặc phá sản, vốn Nhà nước còn không đáng kể. Điển hình, khi giao, bán, Nhà máy Đường Cam Ranh còn vốn Nhà nước khoảng 2 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả sau khi xử lý tài chính hơn 600 tỷ đồng… Sau khi giao, bán, các DN đã được chuyển đổi thành CTCP, cơ cấu lại DN để ổn định SXKD, nâng cao hiệu quả hoạt động và từng bước trả nợ theo cam kết. Trong đó, CTCP Đường Khánh Hòa (Nhà máy Đường Cam Ranh) trả được nợ cho các ngân hàng khoảng 30 tỷ đồng/năm.
Tính đến thời điểm này, các DNNN còn lại của Khánh Hòa là những CT TNHH Nhà nước một thành viên, cơ bản chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Các DN đã được đầu tư thêm vốn để tăng năng lực SXKD, đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, SXKD ngày càng hiệu quả. 10 năm qua, vốn Nhà nước tại các DNNN của tỉnh đã tăng hơn 2 lần. Các DN này là lực lượng nòng cốt trong tăng trưởng kinh tế của địa phương, góp phần chủ yếu để kinh tế Nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế tỉnh. Vai trò, vị thế của DNNN ngày càng được củng cố trong nền kinh tế tỉnh; nhiều sản phẩm của DNNN đã vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước…
Có thể thấy, việc sắp xếp, đổi mới DNNN tại Khánh Hòa đang phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của địa phương. Hoạt động SXKD của DN sau khi sắp xếp, chuyển đổi ngày càng mang lại hiệu quả cao, tạo được uy tín thương hiệu trong từng DN đối với cộng đồng DN địa phương nói riêng và có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm trong và ngoài nước nói chung. Nhờ đó, qua 10 năm triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN, diện mạo KT-XH của tỉnh cũng từng bước phát triển toàn diện hơn.
Đ.H