11:08, 24/08/2011

Nuôi ong dú - Cơ hội để làm giàu

Ong dú là loài ong có kích thước nhỏ nhưng sản phẩm tạo ra từ loài ong này rất quý, có nhiều tác dụng về mặt dược tính, mỹ phẩm.

Ong dú là loài ong có kích thước nhỏ nhưng sản phẩm tạo ra từ loài ong này rất quý, có nhiều tác dụng về mặt dược tính, mỹ phẩm. Từ chuyện tình cờ đàn ong dú đến “trú ngụ” trong nhà, anh Lê Duy Vũ (thôn Tây 3, Diên Sơn, Diên Khánh, Khánh Hòa) đã tìm cách nuôi, nhân đàn, đem lại nguồn lợi lớn cho gia đình. Theo anh Vũ, nghề nuôi ong dú càng về sau càng vững chắc.

Khách bước vào nhà anh Vũ sẽ phát hiện ngay sự lạ lẫm của căn nhà bởi hàng trăm chiếc thùng được treo lơ lửng xung quanh, từ cửa trước tới sau vườn. Anh Vũ rất tâm đắc với kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi ong của mình. Anh kể: “Năm 1999, tình cờ một đàn ong dú đến làm tổ sau nhà tôi. Lúc đó, tôi chưa biết đây là loại ong gì nhưng thấy chúng hiền nên tiếp tục theo dõi. Sau một thời gian, ong tạo được mật, tôi dùng thử thấy đỡ đau dạ dày, bèn nảy ra ý định giữ lại, tiếp tục nuôi…”. Thế là anh Vũ trở thành người nuôi ong từ đó.

Nuôi ong dú là nghề nuôi mới, có nhiều triển vọng và thân thiện với môi trường

Ngày cũng như đêm, khi đi làm hay ở nhà anh đều chăm chút cho đàn ong. Thiếu tài liệu, sách vở nên anh phải theo dõi, tìm hiểu từng tí một về tập tính, hoạt động của chúng. Chính điều này giúp anh rút được nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi. Anh Vũ cho biết, ong dú tính hiền, không chích đốt người như nhiều loài ong khác (chỉ cắn khi bị phá tổ), đặc biệt, ong dú đi kiếm phấn hoa hòa cùng nước dãi của mình để chuyển hóa thành mật ong (các loài ong khác chích hút mật hoa, đường mật tạo ra mật ong). Vì thế, mật ong dú có nhiều ưu thế về mặt dược học, mỹ phẩm. Người nuôi ong dú thường xuyên tách phấn hoa từ tổ ong, mất 200 - 300 ngày phấn hoa mới chuyển hóa hết thành mật ong.

Để phát triển đàn ong, ban đầu anh Vũ đặt mua từ những người đi rừng nhưng tổ ong dú rất hiếm, phải kiếm tận ở rừng sâu. Lúc này, việc tách đàn mất thời gian khá lâu, 5-6 năm. Nhưng về sau, ong dú sinh sản rất nhanh, việc tách đàn nhanh chóng hơn. Dấu hiệu chia đàn là lúc đàn ong sung mãn nhất, có số lượng đông đảo. Một tổ ong có một ong chúa, khi đẻ ong chúa tạo ra 1-3 ấu trùng ong chúa. Ấu trùng ong chúa lớn lên trở thành ong chúa trưởng thành. Khi tổ ong đủ lớn, có biểu hiện tách đàn cũng là lúc người nuôi ong chuẩn bị thùng bọng để “san” đàn (kích thước thùng nuôi ong 50x20x20cm, 6 mặt đều kín, chỉ chừa một lỗ nhỏ cho ong chui ra, chui vào). Ong chúa mẹ sẽ ra đi theo tổ mới để lại một nửa “quân” cho ong chúa con lớn lên tiếp tục “cầm quân”. Việc “san đàn” phụ thuộc nhiều vào mùa, thời tiết, nhiệt độ môi trường, nếu đàn ong phát triển thuận lợi, việc tách đàn diễn ra nhanh. Ong dú có thể hoạt động trong vòng bán kính 5km, trời sắp chuyển mưa có thể nhận biết ngay khi thấy đàn ong chấp chới bay về tổ.

Anh Vũ cho rằng, nuôi ong dú rất khỏe, không tốn chi phí bởi không lo cho chúng ăn và bệnh tật. Tuy nhiên, ong dú cũng rất mẫn cảm với sự thay đổi của môi trường. Thời tiết nóng, lạnh, nắng, mưa bất thường có thể làm cho đàn ong nhiễm bệnh (nấm, vi khuẩn…). Ong nhiễm bệnh sẽ kém hoạt động, nằm lỳ trong tổ, không bài tiết được và chết. Ong khỏe sẽ tha xác ong chết ra ngoài. Nếu đàn ong chết quá nhiều xem như tổ hỏng. Ong dú cũng không chịu được mùi hôi của phân gia súc, gia cầm; mùi hóa chất phun xịt hay tiếng ồn, nước thải; nuôi ong dú cũng cần cẩn thận ngăn ngừa địch hại là kiến, thằn lằn…

Sau 12 năm theo đuổi nghề nuôi ong, anh Vũ phát triển cả thảy 700 đàn (700 tổ). Diện tích ở nhà, vườn không đủ, anh phải gửi nhờ hàng trăm đàn khác ở nhà người quen. Anh dự định phát triển lên 1.000 đàn mới dừng lại chuyển sang bán giống. Bình quân 1 năm anh thu hoạch 70-100 lít mật ong (giá thị trường 800.000 đồng/lít); 20-30kg phấn hoa (1 triệu đồng/kg); 50kg sáp ong (1 triệu đồng/kg). Với thu nhập như vậy đủ thấy nghề nuôi ong dú mang lại nguồn lợi đáng kể cho gia đình anh.

Hiện nay, “đầu ra” sản phẩm từ ong đang bão hòa vì có nhiều người nuôi. Tuy nhiên, giá các sản phẩm từ ong dú vẫn giữ ổn định bởi các sản phẩm này đều có giá trị cao. Anh Vũ mong Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển nghề nuôi, vận động nhiều doanh nghiệp tham gia thu mua, chế biến sản phẩm từ ong dú, tạo ra nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú, có giá trị cao phục vụ đời sống. Anh Vũ cho rằng, nuôi ong dú là nghề mới có nhiều triển vọng, bền vững, thân thiện với môi trường, càng về sau, nguồn lợi càng vững chắc. Đây là nghề ít vốn, dễ làm và đem lại nhiều lợi ích nếu ai biết trân trọng và theo đuổi đến cùng.

QUANG VIÊN


Mật ong dú có vị ngọt hơi chua, có nhiều tác dụng như: thanh nhiệt, chống viêm, giải độc, giảm đau…, có thể chữa viêm đường tiêu hóa, dạ dày, đại tràng, viêm tưa lưỡi, tiêu đờm, đi cầu phân sống…; phấn hoa chữa được viêm đại tràng, táo bón, làm đẹp da. Ngoài ra, phấn hoa rất giàu năng lượng, phù hợp cho việc bồi bổ sức khỏe người già yếu, người bệnh sau phẫu thuật, người bị ung thư, trẻ em còi cọc, chậm lớn…; sáp ong dú chữa được viêm xoang, ợ hơi…