Tại Hội thảo “Nhận định các kênh đầu tư cuối năm 2011” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và xu hướng phát triển của giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, một kênh đầu tư khá mới mẻ.
Giao dịch trực tuyến tại Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam. |
Phân tích, dự báo về tình hình kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm 2011, TS. Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học - kinh tế ứng dụng cho rằng, kinh tế Việt Nam các tháng cuối năm 2011 chỉ kỳ vọng ở việc ổn định dần dần các chỉ số kinh tế, nhưng sẽ khó có khả năng có đợt cung tiền mạnh để kích thích kinh tế như các năm trước.
Trong bối cảnh này, một số chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp phải lựa chọn kênh đầu tư cho hiệu quả là một quyết định khó khăn. Tạm thời trong ngắn hạn, các nhà đầu tư có thể chuyển hướng sang lĩnh vực giao dịch hàng hóa.
Ông Frederick Wee, chuyên gia tài chính Tập đoàn Ong First Tradition nhấn mạnh, hàng hóa được xem như kênh giao dịch thứ hai sau chứng khoán, khối lượng hợp đồng tăng mạnh từ năm 2009 và có xu hướng tăng cao hơn kênh chứng khoán năm 2010. Từ năm 2008-2010, lượng hợp đồng đã tăng hơn 47% so với 3 năm trước đó và khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khối lượng hợp đồng giao dịch cao nhất thế giới.
Tại Việt Nam, Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX), sở giao dịch hàng hóa đầu tiên chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2011. Ông Nguyễn Duy Phương, Tổng giám đốc VNX cho biết, hiện chỉ có 3 nhóm sản phẩm chính gồm cà phê, cao su, thép và một số sản phẩm theo tiêu chuẩn của các sàn quốc tế khác đang giao dịch tại VNX.
Ông Hiển cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, lĩnh vực bất động sản chỉ mang lại cơ hội cho những người có nhu cầu thực hoặc những nhà đầu tư lớn, trường vốn. Thị trường chứng khoán cũng có một ít cơ hội chỉ dành cho các nhà đầu tư ngắn hạn. Giao dịch hàng hóa là đầu tư giá trị hàng hóa, về lâu dài sẽ là một kênh hấp dẫn. Ví dụ, giá cà phê trên thị trường thế giới trong 5 năm qua luôn có xu hướng tăng, nhưng do Việt Nam không tạm trữ được nhiều nên thường khi giá tăng không được hưởng lợi, trong khi chỉ mất 5% giá trị do tăng giá thì thiệt hại đã là rất lớn. Vì vậy, đầu tư giá trị hàng hóa là một kênh đầu tư hiệu quả.
Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, cà phê chỉ có 1 vụ thu hoạch và bán quanh năm. Khi thu hoạch xong, cà phê Việt Nam thường bán ra ồ ạt, đến khi hết hàng thì giá thế giới lại tăng.
Đơn cử như năm ngoái, giá cà phê rớt xuống còn 23,5 triệu USD/tấn, Hiệp hội đã xin Chính phủ cơ chế để dự trữ cà phê và đã đẩy được giá lên 30 triệu USD/tấn, và hiện đang ở khoảng 48-50 triệu USD/tấn. Vụ tới, Bộ Công Thương động viên doanh nghiệp phải tăng dự trữ, khoảng 200-300 nghín tấn, để bán ra khi cầu tăng và giá tăng.
Thế giới hiện có 8 nhà rang xay chiếm tới 80% sản lượng cà phê thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam cần bán trực tiếp cho các nhà rang xay này, đồng thời tăng cường quản lý chất lượng và cũng như các nước trồng cà phê đều đã có tên giao dịch cà phê và sàn giao dịch Việt Nam tham gia sẽ giữ được sự ổn định của giá cà phê. Với những bước khởi đầu khả quan và hiệu quả của ngành cà phê sẽ mở ra triển vọng cho nhiều ngành hàng khác, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản để cùng tham gia bình đẳng, có khả năng quyết định mặt bằng giá trên thị trường thế giới.
Để tham gia vào thị trường hàng hóa tương lai, trước tiên nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch hàng hóa, có thể mở trực tiếp tại các sàn giao dịch của thành viên kinh doanh hoặc thành viên môi giới, hoặc đăng ký trực tiếp trên website của VNX. Nhà đầu tư sẽ sử dụng phần mềm Jtrader để theo dõi trực tuyến diễn biến của thị trường, đặt lệnh mua, bán. Các nhà đầu tư có thể thực hiện hoạt động giao dịch với thị trường quốc tế thông qua các thành viên kinh doanh hoặc thành viên môi giới của VNX.
Thị trường hàng hóa phái sinh còn rất mới tại Việt Nam, cho nên VNX phải thông qua các thành viên để giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuyển giao hàng hóa, hợp đồng giao ngay và hợp đồng tương lai trên thị trường giao dịch hàng hóa thế giới. Hiện nay, VNX đang đẩy mạnh công tác phát triển thị trường để thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tích cực tham gia vào thị trường này. VNX đã đưa ra nhiều phương án với từng loại hình doanh nghiệp, từng lĩnh vực.
Ông Nguyễn Duy Phương cho biết, trong giai đoạn vừa qua, thị trường Việt Nam và nhiều nền kinh tế khác cùng gặp nhiều khó khăn, việc lựa chọn kênh đầu tư từ nay đến cuối năm là một quyết định quan trọng. Bản thân mỗi doanh nghiệp phải tùy từng thời điểm để lựa chọn kênh đầu tư nào là hiệu quả nhất.
Kênh đầu tư giao dịch hàng hóa là một kênh hiệu quả đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, bởi các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đều phải có các hợp đồng bảo hiểm đối với sản phẩm hàng hóa do mình sản xuất ra. Còn đối với các nhà đầu tư đây là một lựa chọn khi mà những kênh đầu tư khác không có nhiều điều kiện thuận lợi.
Theo VnEconomy