Tuy chưa có thiệt hại về người, nhưng vụ tàu Hải Yến (số hiệu KH 0158) bị chìm khi neo đậu tại bến tàu Cầu Đá (Nha Trang) thực sự là “hồi chuông báo động” về vấn đề an toàn du lịch biển, đảo.
Tuy chưa có thiệt hại về người, nhưng vụ tàu Hải Yến (số hiệu KH 0158) bị chìm khi neo đậu tại bến tàu Cầu Đá (Nha Trang) thực sự là “hồi chuông báo động” về vấn đề an toàn du lịch biển, đảo (DLBĐ). Chính vì vậy, để du khách có thể an tâm khi đến DL ở Nha Trang - Khánh Hòa, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, các cơ quan chức năng cần có giải pháp đồng bộ để đảm bảo an toàn cho du khách khi tham quan các tuyến biển, đảo.
. Những lo lắng không thừa…
Khánh Hòa là một trong những địa phương phát triển mạnh về DLBĐ với hàng chục tour DL tham quan các vùng biển, đảo trong tỉnh. Năm 2010, Khánh Hòa đón hơn 1,8 triệu lượt khách, trong đó hơn 70% tham gia các tour DLBĐ. Sau sự cố tàu Hải Yến (vẫn còn trong hạn đăng kiểm) bị chìm, nhiều người đã giật mình liên tưởng đến những vụ tai nạn như chìm tàu ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), chìm tàu Dìn Ký (Bình Dương). Ông Bùi Xuân Lương - Trưởng phòng Nghiêp vụ DL Sở Văn hóa - Thể thao và DL (VH-TT-DL) bày tỏ: “Rất may mắn vì tàu Hải Yến đã chìm khi đang neo đậu tại bến tàu Cầu Đá. Nếu như tàu bị chìm khi đang chở khách ở giữa biển thì hậu quả thật khó lường…”. Nhiều du khách tham quan các tour DLBĐ ở Nha Trang cũng bày tỏ sự lo lắng trước sự cố chìm tàu nói trên. Những lo lắng ấy không thừa, bởi theo thông tin từ các cơ quan chức năng, hiện nay ở Khánh Hòa rất ít tàu chở khách được đóng mới theo chuẩn tàu DL. Ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết: “Toàn tỉnh có 274 tàu khách vỏ gỗ, trong đó có 146 tàu đóng theo kinh nghiệm dân gian và 128 tàu đóng theo thiết kế”. Bến tàu Cầu Đá là nơi có hoạt động DL tấp nập nhất với khoảng 200 tàu chở khách DL, trong đó đa phần là tàu cá vỏ gỗ hoán cải lại để chở khách DL. Theo Ban quản lý Bến tàu Cầu Đá, tất cả các tàu chở khách DL ở đây đều được đăng kiểm và phải đảm bảo các quy định về an toàn giao thông đường thủy, tuy nhiên sự cố tàu Hải Yến bị chìm cho thấy không có gì là “đảm bảo”. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần kiểm tra lại chất lượng các phương tiện thủy nội địa chở khách DLBĐ, nhất là với các tàu được hoán cải.
. Cần siết chặt quy định về an toàn du lịch biển, đảo
BD1 Cơ quan chức năng cần có quy định bắt buộc khách du lịch biển, đảo phải mặc áo phao. |
DLBĐ của Khánh Hòa nói riêng, cả nước nói chung đang ngày càng được mở rộng. Thế nhưng, đến nay quy chế về phối hợp để quản lý tàu, thuyền phục vụ DL vẫn chưa được ban hành. Theo Sở VH-TT-DL, hiện nay, Bộ VH-TT-DL đang phối hợp với Bộ GTVT xây dựng thông tư liên tịch về đảm bảo an toàn giao thông trong hoạt động DL, trong đó có an toàn giao thông của tàu, thuyền… phục vụ DL. Việc chậm ban hành quy chế phối hợp giữa ngành DL và GTVT trong việc quản lý tàu thuyền phục vụ DL đã gây rất nhiều khó khăn trong việc quản lý. Ông Lê Quang Lịch - Chánh Thanh tra Sở VH-TT-DL cho biết: “Lâu nay, việc quản lý tàu thuyền DL giữa các cơ quan chức năng còn thiếu sự phối hợp và không có ai chịu trách nhiệm chính. Trên thực tế, trước khi tham gia kinh doanh dịch vụ DL, các tàu thuyền phải đạt các tiêu chuẩn về chở khách, ngành DL chỉ cấp phép cuối cùng về đăng ký kinh doanh DL. Thế nhưng, mỗi khi xảy ra tai nạn, ngành DL luôn phải chịu sức ép và sự phán xét của dư luận bởi người bị nạn là khách DL. Vì vậy, ông Lê Quang Lịch đề nghị: “UBND tỉnh cần chỉ định một đơn vị chịu trách nhiệm chính về hoạt động của các tàu DL, khi cần thiết đơn vị này có thể huy động các đơn vị chức năng liên quan để kiểm tra, xử lý các tàu không đủ điều kiện hoạt động phục vụ DL”.
NHẬT LỆ