08:08, 14/08/2011

Cho vay bằng ngoại tệ tăng cao

Thời gian qua, tuy Ngân hàng Nhà nước đã có những quy định khá chặt chẽ về vay ngoại tệ nhưng trên thực tế dư nợ USD vẫn tăng mạnh. Theo các chuyên gia, điều này sẽ tạo áp lực lên tỷ giá khi những hợp đồng vay đáo hạn.

Thời gian qua, tuy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những quy định khá chặt chẽ về vay ngoại tệ nhưng trên thực tế dư nợ USD vẫn tăng mạnh. Theo các chuyên gia, điều này sẽ tạo áp lực lên tỷ giá khi những hợp đồng vay đáo hạn.

7 tháng năm 2011, trong khi tín dụng VND chỉ tăng với tỷ lệ 1,57% thì ngược lại tín dụng ngoại tệ tăng đến 25,13%. Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, tính đến ngày 4-8, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 19.563 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 1.045 tỷ đồng, với tỷ lệ 5,6%. Trong đó, cho vay bằng đồng Việt Nam 16.566 tỷ đồng, chiếm 84,68% tổng dư nợ, so với đầu năm tăng 256 tỷ đồng với 1,57%; cho vay bằng ngoại tệ 2.997 tỷ đồng, chiếm 15,32% trong tổng dư nợ, so với đầu năm tăng 602 tỷ đồng với tỷ lệ 25,13%. Dư nợ ngoại tệ cao còn do việc cho vay phục vụ xuất khẩu trong 7 tháng qua tăng, ước đạt 2.840 tỷ đồng, tăng 605 tỷ đồng so với đầu năm với tỷ lệ 27,1%.

Nguyên nhân chính khiến nhu cầu vay vốn ngoại tệ tăng cao do chênh lệch lãi suất giữa đồng Việt Nam và USD rất lớn, hiện lên đến 14 - 15%/năm, lãi suất vay USD cực kỳ hấp dẫn so với tiền đồng. Báo cáo của NHNN cho thấy: lãi suất cho vay USD hiện ở mức 6 - 7%/năm đối với ngắn hạn và 6,5 - 8%/năm đối với trung và dài hạn. Trong khi đó, lãi suất cho vay VND thỏa thuận tại các NH thương mại Nhà nước: ngắn hạn phổ biến ở mức 18,9 - 19,5%/năm; trung hạn ở mức 19,5 - 21%/năm. Tại các NH thương mại cổ phần, lãi suất cho vay ngắn hạn là 18,5 - 23%/năm, trung dài hạn 19 - 23,5%/năm. Bên cạnh đó, tỷ giá đang ổn định cũng là lý do khiến các doanh nghiệp (DN) ít lo lắng về rủi ro khi vay ngoại tệ rồi bán ra lấy tiền đồng kinh doanh.

 Khi vay ngoại tệ, các doanh nghiệp ít lo lắng về rủi ro (Ảnh mang tính minh họa)
Giám đốc một công ty phân phối ô tô trên đường 23-10 (Nha Trang) cho biết: “Hiện nay, ai cũng biết vay USD rẻ hơn nhiều so với vay VND. Ví dụ nếu vay 6 tỷ bằng tiền đồng, mỗi tháng công ty phải trả lãi NH hơn 120 triệu đồng. Trong khi đó, nếu vay được USD rồi đổi sang tiền đồng, tiền lãi mỗi tháng xấp xỉ 1.800 USD (khoảng 37 triệu đồng)”. Đây là lý do khiến nhiều DN trước đây chỉ vay vốn kinh doanh bằng VND, nay chuyển sang vay USD, kể cả những DN không có nhu cầu về ngoại tệ thật sự. Về phía các NH, trong lúc thanh khoản tiền đồng gặp khó khăn thì việc cho vay bằng USD cũng mang lại nguồn lợi nhiều hơn cho NH, vì ngoài việc thu lợi từ lãi suất, NH còn thu phí từ các dịch vụ của mình.

Thông tư 07/2011 của NHNN đã có những quy định chặt chẽ hơn trong việc huy động và cho vay bằng ngoại tệ như tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ (tăng chi phí cho vay ngoại tệ). NH chỉ cho vay ngoại tệ với khách hàng là DN xuất khẩu và DN nhập khẩu có nguồn thu ngoại tệ, DN muốn vay ngoại tệ phải có nguồn thu để trả nợ, phải có văn bản cam kết bán ngoại tệ cho NH. Tuy nhiên trên thực tế, diện DN vay USD đang được các NH mở rộng hơn.

Dư nợ tín dụng ngoại tệ tăng đã thúc đẩy các NH đẩy mạnh huy động USD. Sau một thời gian nghiêm túc chấp hành, các NH giờ đang âm thầm đẩy lãi suất huy động ngoại tệ vượt trần. Theo quy định, lãi suất huy động USD tối đa được áp dụng cho các tổ chức là 0,5% và cá nhân 2%/năm, nhưng hiện nay mức lãi suất thực tế đã là 3%/năm…

Việc dư nợ ngoại tệ tăng cao kéo dài sẽ dẫn đến mất cân đối cung cầu ngoại tệ, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế. Hiện tại, DN vay USD, bán lấy tiền đồng kinh doanh nên nguồn cung ngoại tệ trên thị trường khá dồi dào, tỷ giá có xu hướng giảm. Nhưng khi các hợp đồng vay đáo hạn, DN lại phải mua USD trả nợ cho NH, khi đó cầu tăng mạnh gây áp lực khiến tỷ giá leo cao, gây cơn sốt ảo ngoại tệ. Trong xu hướng thâm hụt thương mại vẫn còn cao, nhu cầu vay USD vẫn tăng nhanh, thì tương lai nguồn USD để đáp ứng cho các DN trả nợ vẫn còn là ẩn số. Trong khi đó, huy động bằng ngoại tệ và vàng trên địa bàn đang có xu hướng giảm, 7 tháng đạt 3.321 tỷ đồng, giảm 221 tỷ đồng với tỷ lệ 6,23% so với đầu năm.

Để có thể kiểm soát dư nợ ngoại tệ tại các NH thương mại, Hiệp hội NH Việt Nam vừa kiến nghị NHNN nên sửa Thông tư 07 theo hướng thu hẹp đối tượng cho vay ngoại tệ theo hướng chỉ cho những DN xuất khẩu có khả năng tái tạo ngoại tệ vay. Được biết, NHNN đang theo dõi sát tình trạng tín dụng ngoại tệ tăng nóng thời gian qua và dự kiến sẽ có biện pháp hạn chế để tránh rối loạn cung cầu trên thị trường.

BÍCH KHUÊ