Sau khi chế tạo máy đóng bịch phôi nấm, ông Đỗ Thành Long (Ba Ngòi, Cam Ranh, Khánh Hòa) phát hiện thêm việc đóng bịch thủ công truyền thống không những tốn nhiều công mà còn hao tốn khối lượng bao bì.
Sau khi chế tạo máy đóng bịch phôi nấm, ông Đỗ Thành Long (Ba Ngòi, Cam Ranh, Khánh Hòa) phát hiện thêm việc đóng bịch thủ công truyền thống không những tốn nhiều công mà còn hao tốn khối lượng bao bì. Thế là ông đã cải tiến cách đóng bao bì mới thay thế cách làm cũ, ít tốn công lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Những năm 80 của thế kỷ trước, người dân dùng mùn cưa, rơm rạ làm nguyên liệu chính để sản xuất nấm, góp phần tăng năng suất nấm trồng, người tiêu dùng an tâm hơn khi phôi liệu được hấp thanh trùng sạch bệnh. Tuy nhiên, đến nay, việc đóng bịch phôi nấm chưa có gì thay đổi, vẫn sử dụng cổ bịch như là phương pháp ổn định, lâu dài. Việc làm này có những nhược điểm như: hao tốn bịch nilon (một vật liệu khó phân hủy), tốn thời gian cũng như tiêu hao một số vật liệu khác (dây thun, cổ bịch…) trong nghề làm nấm.
Cải tiến cách đóng bịch phôi nấm giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. |
Phương pháp này đơn giản ở chỗ chỉ cải tiến một công đoạn của việc đóng phôi nhưng đem lại hiệu quả rất lớn. Phương pháp dễ làm, dễ chuyển giao, không tốn kém vật liệu đắt tiền. Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp bao nilon cho trại nấm cho biết sẵn sàng đáp ứng loại bịch nilon 18x30 nếu khách hàng yêu cầu. Ông Long phân tích, cái lợi trước nhất là thời gian dán bịch nhanh gấp 1,5 lần so với cách làm cổ bịch. Thứ hai, cùng một khối lượng (bình quân 1kg nilon), nếu làm loại bịch 35cm chỉ được 168 bịch, nhưng loại 30cm được 196 bịch. Như vậy, một trại nấm sản xuất 10 ngàn bịch phôi sẽ tiết kiệm được gần 12kg nilon, tương đương 541.000 đồng. Tuy nhiên, cái lợi này không sánh bằng cái lợi cho môi trường. Phương pháp cải tiến cho phép tiết giảm 18% khối lượng bịch nilon. Lấy ví dụ sản xuất nấm mèo khô. Một tấn nấm phải dùng 14.280 bịch phôi, tương đương 85kg nilon. Khi tiết giảm 18% chỉ cần 15,3kg nilon. Con số này thật sự ấn tượng với những ai quan tâm đến môi trường. Tính trên bình diện cả nước, nếu các trại nấm đều sử dụng phương pháp tiết kiệm này thì sẽ giúp môi trường trong sạch hơn vì đỡ được một lượng lớn bao nilon chờ phân hủy.
Sản xuất nấm là ngành nghề sử dụng nhiều lao động, đem lại nhiều lợi nhuận cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, với cách làm truyền thống, việc sử dụng bao nilon vô hình trung dẫn đến hệ lụy về môi trường, hàng năm môi trường tại các làng nghề, vùng nông thôn sẽ thêm ô nhiễm vì rác thải từ bao nilon khó phân hủy. Chính vì thế, đề tài của ông Long đã góp một phần giúp giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường trong nghề làm nấm.
HOÀI AN