Bộ Công Thương vừa đưa ra dự báo xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong năm 2011 có thể đạt 13,5 tỷ USD, tiếp tục tăng 20,5% so với năm trước và cao hơn mục tiêu đề ngành ra hồi đầu năm là 0,5 tỷ USD.
Ảnh minh họa. |
Bộ Công Thương vừa đưa ra dự báo xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong năm 2011 có thể đạt 13,5 tỷ USD, tiếp tục tăng 20,5% so với năm trước và cao hơn mục tiêu đề ngành ra hồi đầu năm là 0,5 tỷ USD.
Hiện nay, theo tính toán của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 7 trên bản đồ dệt may thế giới sau Trung Quốc, khu vực EU, Hồng Kông, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Ấn Độ, và đang chiếm 2,7% thị phần xuất khẩu.
Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Nga là những khu vực tiêu dùng hàng dệt may lớn nhất, chiếm tới 86,4% thị phần nhập khẩu thế giới, và đều là những thị trường truyền thống của Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đã tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm trước khi đạt khoảng 6,16 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Thời gian qua, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam, chiếm đến 51% thị phần xuất khẩu. Việt Nam đứng thứ hai sau Trung Quốc về thị phần nhập khẩu hàng dệt may vào Hoa Kỳ (chiếm 7,28% thị phần).
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai khi chiếm 17% thị phần xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam. Đơn giá xuất khẩu nhiều chủng loại hàng như áo ghile, áo jacket, áo thun vào khu vực thị trường này nửa đầu năm cũng đã có mức tăng đáng kể.
Đối với Nhật Bản, mặc dù đầu năm 2011 quốc gia này gặp liên tiếp khó khăn do thảm họa động đất và sóng thần, nhưng đây vẫn là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, chiếm 12% thị phần xuất khẩu (tăng thêm 2% so với năm 2010).
Với mức tăng trưởng tới 45% trong 6 tháng qua, Việt Nam đã vượt qua Ý trở thành nhà cung cấp sản phẩm dệt may đứng ở vị trí thứ hai sau Trung Quốc và đang chiếm 4,45% thị phần tại đất nước mặt trời mọc.
Với xu thế kinh tế các nước đang dần đi vào ổn định, nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may của các nước được dự báo là sẽ tăng lên, Bộ Công Thương dự kiến xuất khẩu dệt may cả năm sẽ đạt 13,5 tỷ USD, tăng cao hơn mục tiêu ngành đã đề ra hồi đầu năm là 0,5 tỷ USD.
Cơ quan này cho rằng, thời gian tới, các nước như Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ tiếp tục là khách hàng chính của hàng dệt may Việt Nam, nhưng bên cạnh đó, một số thị trường khác như Hàn Quốc, Nga, Canada... cũng là những bạn hàng đáng chú ý.
Hàn Quốc là thị trường có sự tăng trưởng khá cao sau khi các Hiệp định thương mại song phương được ký kết. Xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc tăng trưởng liên tiếp từ năm 2006 đến nay, kể cả trong hai năm khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua.
Bộ Công Thương ước tính cả năm 2011 xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc sẽ đạt 774 triệu USD, tăng 80% so năm 2010 và tăng gấp hơn 9 lần kể từ năm 2006 (82,9 triệu USD) và quốc gia này sẽ xếp thứ tư sau 3 khu vực thị trường lớn là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản.
Nguyên nhân khiến Hàn Quốc tăng trưởng mạnh về nhập khẩu hàng dệt may là do nước này đã thay đổi cơ cấu ngành dệt may tập trung vào phân khúc thị trường cao cấp đúng vào thời điểm các cam kết theo hiệp định thương mại song phương có hiệu lực nên thị trường trung cấp mở ra. Đây lại chính là phân khúc thị trường tiềm năng đối với các nhà xuất khẩu dệt may Việt Nam.
Ngoài ra, hiện doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong ngành dệt may của Hàn Quốc tại Việt Nam đang rất đông đảo với 370 doanh nghiệp, chiếm 18% số doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam.
Tiếp đến, Canada cũng là thị trường có tiềm năng tốt và tăng trưởng cao liên tiếp trong những năm qua. Canada có mức tiêu dùng hàng may mặc khá cao, khoảng 20 tỷ USD mỗi năm và được xếp vào các nước có mức nhập khẩu hàng dệt may cao nhất thế giới tính theo đầu người Dự kiến cả năm 2011 xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia Bắc Mỹ này sẽ đạt 270 triệu USD tăng gấp 2,8 lần so với năm 2006.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng được đánh giá là thị trường rất tiềm năng cho hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Hiện Việt Nam đang đứng thứ 6 trong số các nước xuất khẩu hàng dệt may vào Thổ Nhĩ Kỳ (sau Trung Quốc, Băng ladesh, Ấn Độ, Somali và Ý.
Thị trường Nga gần đây cũng khá sôi nổi. Nhiều nhà nhập khẩu Nga đang rất quan tâm tìm hiểu và đặt hàng của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thế giới, chỉ khoảng 3 - 4 năm tới, sản xuất dệt may ở Đông Âu sẽ chuyển sang châu Á.
Theo VnEconomy