Sản xuất nấm đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực: giải quyết nhu cầu thực phẩm cho đời sống, tạo việc làm, tăng thu nhập, cung cấp thực phẩm an toàn…
Sản xuất nấm đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực: giải quyết nhu cầu thực phẩm cho đời sống, tạo việc làm, tăng thu nhập, cung cấp thực phẩm an toàn… Tuy nhiên, để nấm trở thành hàng hóa có quy mô lớn cần có những trại nấm chuyên nghiệp, chủ động nguồn giống cung cấp cho nông dân trồng nấm. Vấn đề này đối với Khánh Hòa đang gặp khó. Nguyên nhân không phải vì thiếu kỹ thuật mà do chưa có cơ chế tháo gỡ về vốn.
. Đi lên chuyên nghiệp
Những năm qua, người làm nấm ở Cam Ranh biết đến ông Đỗ Thành Long (phường Ba Ngòi) như người đi tiên phong trong nghề làm nấm. Hiện ông có 2 cơ sở làm nấm đặt tại Ba Ngòi và Cam Lập với quy mô mỗi nơi 3.000 bịch phôi/vụ. Ông Long tâm sự: “Tôi vốn là thợ điện nhưng cũng bươn chải đủ nghề, kể cả nuôi tôm. Rồi nghề điện, thủy sản “hết thời”, đang lúc không biết làm gì, tôi tình cờ xem Đài Truyền hình Việt Nam phát phóng sự về phong trào làm nấm ở thị trấn Liên Nghĩa (Lâm Đồng). Thấy hay, tôi tìm đến đây tham quan, mua bịch phôi nấm về làm thử. Không ngờ, vụ ấy trúng lớn, bình quân mỗi bịch nấm thu hơn 80g...”.
Sau thắng lợi đó, ông Long hăng hái hơn, tìm đến Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh để học hỏi. Vị giáo sư chủ nhiệm khoa ở đây đã chỉ bảo tận tình và giới thiệu ông với cơ sở Dona (Củ Chi) - một cơ sở sản xuất meo giống để ông tiếp cận với phương pháp sản xuất nấm công nghiệp…
Sản xuất nấm chuyên nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về vốn. |
Nhiều năm gắn bó với nghề đã giúp ông Long hiểu sâu sắc về kỹ thuật, khó khăn của nghề làm nấm. Trại nấm của ông tuy đơn giản nhưng đã có nhiều cải tiến như xây dựng được hệ thống xử lý thông minh (có thể điều khiển từ xa), lập trình bản đồ phun sương tạo độ ẩm cho nấm thích nghi với nhiệt độ môi trường. Những số liệu đúc kết từ kinh nghiệm sản xuất luôn được ông ghi chép tỉ mỉ để so sánh, đối chiếu làm cơ sở để phát triển sản xuất, kinh doanh…
. Cần giải pháp về vốn
Theo ông Long, hiện nay việc sản xuất các máy móc cải tiến trong nghề nấm có thể giảm được giá thành sản phẩm. Cụ thể như: sản xuất bịch phôi bằng máy đóng bịch có thể làm lợi cho người sản xuất 50%, trong khi phương pháp thủ công chỉ làm lợi 10 - 15% (định mức một bịch phôi giống nếu mua tại Long Khánh, Đồng Nai hết 3.200 đồng thì sản xuất tại chỗ chỉ mất 1.770 đồng). Việc sản xuất nấm rơm hiện gặp nhiều hạn chế do rơm rạ ngày càng hiếm và đắt, sản xuất ít lời, nhọc công. Sản xuất nấm đang tập trung khai thác các loại nấm có giá trị kinh tế như: nấm mèo, nấm bào ngư và linh chi… Sản xuất nấm cho phép quay vòng vốn nhanh, chủ động cung cấp hàng hóa cho thị trường (nấm bào ngư 40 ngày, nấm mèo 52 - 55 ngày cho sản phẩm…). Hiện nay tại chợ nông sản đầu mối Ba Ngòi (Cam Ranh), lượng nấm các loại tiêu thụ mỗi ngày ít nhất 1,5 tạ, đó là chưa kể nhiều thị trường khác như chợ, các cửa hàng thuốc Đông y… Thị trấn Liên Nghĩa (Lâm Đồng) là đầu mối tiêu thụ nấm rất lớn của các tỉnh phía Nam.
Xây dựng trại nấm chuyên nghiệp là hướng đi đúng cho nghề sản xuất nấm. Những trại nấm chuyên nghiệp được đầu tư tốt có thể chủ động sản xuất meo giống và cung cấp cho thị trường bán thành phẩm, công việc của nông dân sẽ nhẹ nhàng hơn. Nông dân “nhập” bán thành phẩm đem về nhà chăm sóc và thu hái sản phẩm bán lại cho nhà cung cấp. Như vậy, người trồng nấm có thể chủ động sản xuất được meo giống mà không phụ thuộc vào nơi khác. Khánh Hòa có nhiều thuận lợi để phát triển nghề làm nấm bởi có độ ẩm cao, nguồn nước tốt, nguyên liệu dồi dào.. (thôn Nước Ngọt, xã Cam Lập có nguồn nước suối thích hợp cho sự phát triển của nấm, độ pH ở ngưỡng 6,5 - 7).
Tuy nhiên, hiện nay những nông dân trồng nấm như ông Long rất khó vay vốn ngân hàng, đặc biệt là vốn vay ưu đãi để phát triển các trại nấm chuyên nghiệp. Họ cũng không đủ tài sản để thế chấp ngân hàng (bình quân vốn để phát triển trại nấm ít nhất 250 - 300 triệu đồng). Người sản xuất nấm chuyên nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước cũng như vốn vay ưu đãi từ nhiều kênh khác. Có như vậy, các trại nấm chuyên nghiệp mới mong có cơ hội phát triển.
Q.V