09:07, 04/07/2011

Trồng lúa nước - giải pháp tự chủ lương thực

Với năng suất 5 - 6 tấn/ha, cây lúa nước đã trở thành giải pháp tự chủ lương thực tại chỗ cho bà con dân tộc Raglai ở xã Cam Thịnh Tây.

Với năng suất 5 - 6 tấn/ha, cây lúa nước đã trở thành giải pháp tự chủ lương thực tại chỗ cho bà con dân tộc Raglai ở xã Cam Thịnh Tây. Sau 5 năm triển khai, hiệu quả kinh tế do cây lúa nước mang lại đã được khẳng định. Tuy nhiên, người dân ở đây còn ngần ngại trong việc mở rộng diện tích gieo trồng khi vẫn còn đó những khó khăn về vốn và nguồn nước.

Giải pháp tự chủ lương thực

Cam Thịnh Tây là xã miền núi duy nhất của TP. Cam Ranh, có 998 hộ, 5.016 khẩu, trong đó 99,5% là người dân tộc Raglai. Đất đai ở đây khô cằn, bạc màu. Từ nhiều năm qua, bà con nơi đây đã quen thuộc với cây mía, nguồn sinh kế chủ yếu. Đã có thời gian, bà con ở đây thử đưa cây bắp vào trồng nhưng không đạt hiệu quả. Cây bắp không lớn được, còi cọc; đặc biệt vụ lỡ vừa qua, bắp bị héo, chết hàng loạt. Nắm bắt được đặc thù về thổ nhưỡng cũng như địa hình của xã, ông Măng Nghiêm - Chủ tịch UBND xã đã mạnh dạn đề xuất và thuyết phục bà con đưa cây lúa nước vào trồng thử nghiệm. Dự án được bắt đầu vào năm 2006, đến nay đã đạt được 14,5ha. Cây lúa sinh trưởng khá tốt và cho thu hoạch cao, một năm có thể xuống giống 2-3 vụ. Chị Nháy (thôn Sông Cạn Đông) cho biết: “Nhà tôi có 4 sào ruộng, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng nửa tạ. Đây là nguồn lương thực dự trữ”.

Theo ông Măng Nghiêm, tập quán của người dân Raglai trong xã đã quen với việc dự trữ lương thực, tự cung tự cấp. Bởi vậy, việc đưa cây lúa vào canh tác chủ yếu để phục vụ bảo đảm lương thực tại chỗ cho người dân, đồng thời qua đó tận dụng hết diện tích có thể trồng trọt được trên vùng đất khá cằn cỗi này. “Nếu phát triển tốt, dự kiến đến năm 2015, diện tích lúa nước của xã có thể lên đến 30 - 40ha, năng suất lúa đạt 5 - 6 tấn/ha” - ông Măng Nghiêm hy vọng.

Bà con Raglai ở xã Cam Thịnh Tây chăm sóc cho cây lúa nước.

Khó khăn về vốn và nguồn nước

Cây lúa nước bước đầu đã đem lại hiệu quả cho bà con xã Cam Thịnh Tây sau 5 năm triển khai. Tuy nhiên, người nông dân cũng gặp không ít khó khăn. Xã Cam Thịnh Tây có tới 40% hộ nghèo, vì vậy gặp khó khăn rất lớn về vốn. Ông Măng Nghiêm cho biết, vốn để vay có sẵn, nhưng chủ yếu là các hộ có kinh tế trung bình vay, còn các hộ nghèo gần như không dám vay vì sợ không có tiền trả dẫn đến không có vốn để sản xuất. Chính những vướng mắc đó trong tâm lý của bà con là thử thách cho công tác vận động phát triển diện tích lúa nước của chính quyền xã. “Ở xã miền núi chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số nên tâm lý sợ đói nghèo vẫn còn nặng nề. Xã phải liên tục tìm cách vận động bà con mạnh dạn vay vốn, đồng thời kiến nghị lên cấp trên tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vay vốn sản xuất” - ông Nghiêm nói.

Một khó khăn khác là vấn đề nguồn nước. Hệ thống cung cấp nước sạch phục vụ cho thôn Sông Cạn Đông và Sông Cạn Trung được đưa vào sử dụng cách đây 5 năm đã bị xuống cấp. Ban quản lý định canh định cư Cam Ranh làm chủ đầu tư đã cho sửa chữa nhưng vẫn chỉ ở mức căn bản, chưa thể đáp ứng đầy đủ nguồn nước cho sinh hoạt và canh tác của xã. Hệ thống thủy lợi của xã cũng chưa đồng bộ nên việc dẫn nước vào ruộng lúa vẫn còn là một trở ngại.

Ở trên nền đất không mấy màu mỡ, chính quyền và bà con xã Cam Thịnh Tây đang rất nỗ lực canh tác cây lúa nước. Hy vọng, sự tự nỗ lực cùng với những hỗ trợ của các cấp, cây lúa nước sẽ dần là cây trồng chủ lực bên cạnh cây mía, để bà con nơi đây tự chủ được lương thực cũng như vươn lên thoát nghèo.

HOÀNG TUY