Xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) có nhiều chân ruộng một vụ, đất pha cát, thích hợp với việc trồng hoa màu, đặc biệt là cây đậu phụng.
Xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) có nhiều chân ruộng một vụ, đất pha cát, thích hợp với việc trồng hoa màu, đặc biệt là cây đậu phụng (ĐP). Do giá trị kinh tế của ĐP cao hơn nhiều cây khác nên người dân thường “độc canh” khiến cho mầm bệnh dây dưa, trong đó khó trị nhất là bệnh héo rũ. Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đang hướng dẫn người dân phòng, trị bằng các loại thuốc vi sinh, bước đầu cho thấy có chiều hướng tốt.
. Cánh đồng “hỗn hợp” lúa - hoa màu
Băng qua con đường khó đi, chúng tôi tiếp cận cánh đồng Ông Cựu. Đây là vùng đất trồng lúa một vụ, bạt ngàn các loại cây trộn lẫn như: lúa, khoai sáp, bắp lai nhưng nhiều nhất vẫn là diện tích ĐP. Ông Võ Đình Long, cán bộ phụ trách kinh tế của xã Ninh Ích cho biết, Ninh Ích có 2 xứ đồng thích hợp cho việc chuyển đổi cơ cấu giữa lúa và màu, đó là Đồng Soi (Vạn Thuận) và Đồng Ông Cựu (thôn Tân Phú). Tổng diện tích 2 cánh đồng này khoảng 30ha. Đây là 2 xứ đồng có đất đai khá màu mỡ được bồi đắp bởi sông Cây Thị chảy qua nên chất đất pha cát thích nghi với các loại cây màu.
Nhờ có nguồn nước và đất đai phù hợp, người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các loại hoa màu xen lúa để tăng thu nhập. Các loại cây màu thường dùng là: ĐP, đậu xanh, bắp lai, khoai sáp, dưa leo, khổ qua… Với ưu thế kinh tế của cây ĐP nên người dân thường tập trung trồng sau vụ 12. Chỉ riêng diện tích ĐP đã lên tới 20ha. Xã Ninh Ích cũng có chủ trương khuyến khích nông dân phát triển cây ĐP là cây chủ lực bởi đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao so với nhiều cây trồng khác.
Các chân ruộng đậu phụng tại Ninh Ích đang đối mặt với bệnh héo rũ. |
Cũng theo ông Long, năm 2010, cây ĐP phát sinh bệnh héo rũ làm nhiều diện tích ĐP bị ảnh hưởng, cây tự nhiên chết héo, tuy đã sử dụng nhiều loại thuốc BVTV nhưng không có tác dụng, một số người dân đã chuyển sang cây trồng khác. Trước tình hình đó, xã đã đề nghị Chi cục BVTV nghiên cứu, khảo sát tình hình. Năm 2011, Chi cục BVTV đã xây dựng mô hình trồng ĐP tại Ninh Ích, với diện tích 2ha, hướng dẫn và khuyến cáo nông dân sử dụng các loại phân và thuốc vi sinh để đối phó với bệnh héo rũ.
. Cần biện pháp tổng hợp
Hai anh Phan Thành Lâm và Phan Thành Nhân (Vạn Thuận) là hai nông dân có diện tích trồng ĐP khá lớn tại đây. Anh Lâm vẫn còn lo lắng trước diễn biến phức tạp của bệnh héo rũ. Anh cho biết, vụ này anh trồng hơn 1ha, đang ở giai đoạn chuẩn bị ra hoa. Vừa qua, diện tích ĐP của anh được Chi cục BVTV chọn làm mô hình thí điểm xử lý bệnh héo rũ, tuy bệnh có giảm, nhưng cây vẫn chết lác đác. Một số ruộng ĐP khác, hiện tượng chết rũ còn nhiều hơn, có luống chỉ còn thưa thớt một ít cây sống.
Theo anh Lâm, ĐP là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua 3 tháng, người trồng ĐP có thể thu hoạch, năng suất bình quân 4 - 5 tấn/ha. Nếu suôn sẻ sẽ cho thu nhập 30 - 35 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí (20 - 25 triệu đồng/ha) với giá bán khoảng 15.000 - 15.500 đồng/kg đậu tươi chưa bóc vỏ. So với nhiều cây trồng khác, ĐP cho thu nhập ổn định và tương đối dễ làm.
Theo bà Trịnh Thị Thùy Linh (Chi cục BVTV), hiện các ruộng ĐP được xử lý vi sinh ở Ninh Ích, bệnh héo rũ có chiều hướng giảm, tuy nhiên năng suất sẽ giảm 10 - 20%. Trong vụ ĐP này, Chi cục BVTV đã xây dựng các mô hình 2ha tại Ninh Hòa và Vạn Ninh, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn người dân sử dụng các loại phân bón, thuốc vi sinh trên cây ĐP, mức hỗ trợ 50%.
Bệnh héo rũ là một bệnh khó chữa và kéo dài, do mầm bệnh đã nhiễm vào đất từ lâu. Theo các chuyên gia, bệnh héo rũ có nguyên nhân chủ yếu do nấm và vi khuẩn. Bệnh phát triển dây dưa do người dân thường sử dụng giống cũ, đã thoái hóa, xử lý cây bệnh, ruộng bệnh chưa đúng cách. Khi cây bị bệnh, người dân thường tập trung phun các loại thuốc hóa học quá mức cho phép, nên không mang lại hiệu quả. Để chống bệnh héo rũ có hiệu quả, các ngành chức năng cần hướng dẫn cụ thể cho nông dân trên cơ sở quy trình thâm canh, tổng hợp, luân canh hợp lý.
Quang viên