Trước những khó khăn các làng nghề đang phải đối mặt, vẫn có những làng nghề “ăn nên, làm ra” nhờ sản xuất các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Trong khi đó, một số làng nghề khác,...
Trước những khó khăn các làng nghề (LN) đang phải đối mặt, vẫn có những LN “ăn nên, làm ra” nhờ sản xuất các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Trong khi đó, một số LN khác, sản phẩm làm ra trong bối cảnh thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, khó cạnh tranh với các sản phẩm khác… thì hoạt động cầm chừng, thậm chí mai một dần.
Làng sản xuất bánh, bún tại thị trấn Diên Khánh vẫn ăn nên, làm ra nhờ có đầu ra khá ổn định. |
Nghề truyền thống tại các địa phương trên địa bàn tỉnh là một trong những giải pháp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lúc nông nhàn. Do vậy, các LN “ăn nên, làm ra” cũng mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Đến làng sản xuất bánh, bún tại thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh), chúng tôi có dịp chứng kiến cảnh tấp nập ở LN này. Bà Lê Thị Duy Cần, chủ một cơ sở sản xuất bánh, bún tại tổ 12 - thị trấn Diên Khánh cho biết: “Sản phẩm của làng trước đây chủ yếu là bánh tráng. Từ năm 1985 trở lại đây, các gia đình trong làng chuyển sang làm bánh phở, bánh mỳ quảng phục vụ cho các hàng ăn uống tại TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh… Hiện cả làng có khoảng 20 cơ sở sản xuất. Riêng tại xưởng làm bánh, bún của gia đình tôi trung bình mỗi ngày cung cấp cho thị trường TP. Nha Trang và huyện Diên Khánh khoảng 60 - 70kg bánh phở và 20kg bánh mỳ quảng. Vào các dịp lễ, Tết hay mùa du lịch, số lượng tăng gấp 3 - 4 lần, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó”. Theo tính toán của bà Cần, với giá bán các sản phẩm bánh phở, bánh mỳ quảng khoảng 14 nghìn đồng/kg như hiện nay thì lãi thu được từ nghề này không cao, khoảng 500 đồng/kg, nhưng nhờ đầu ra ổn định nên cơ sở của gia đình bà thường xuyên sử dụng khoảng 10 lao động để đảm bảo sản xuất bánh, bún theo đặt hàng của tiểu thương các chợ tại Nha Trang, Diên Khánh… “Gia đình tôi chủ yếu làm nông, những lúc nông nhàn lại vào làm công tại xưởng bánh, bún này với thu nhập trung bình 50 nghìn đồng/người/ngày. Số tiền này cũng tạm đủ để lo cho cuộc sống hàng ngày của gia đình” - chị Trần Mỹ Lệ, một lao động tại xưởng bánh, bún của gia đình bà Cần chia sẻ.
Không riêng làng sản xuất bánh, bún tại thị trấn Diên Khánh, hiện trên địa bàn tỉnh có không ít nghề thủ công truyền thống đang hoạt động khá hiệu quả như nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đã góp phần không nhỏ trong giá trị xuất khẩu, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn… Trong khi một số LN “ăn nên, làm ra” nhờ phù hợp với thị hiếu của thị trường nên đầu ra phần nào được đảm bảo, thì một số LN khác, với những khó khăn như giá cả nguyên liệu tăng cao, sản phẩm làm ra lãi ít, công lao động thấp… đã khiến nhiều hộ không còn mặn mà với các nghề truyền thống. Nếu như trước đây, các làng dệt chiếu Mỹ Trạch (thị xã Ninh Hòa), Thủy Tú (TP. Nha Trang), làng đúc đồng Phú Lộc (huyện Diên Khánh)… người, xe tấp nập đưa sản phẩm đi khắp nơi; thì nay do giá cả nguyên liệu tăng cao, sản phẩm của các LN lại bị cạnh tranh đã khiến cho công lao động giảm thấp, làm nhiều LN hoạt động cầm chừng, chỉ còn vài hộ theo nghề.
Đến làng đúc đồng hàng trăm năm tuổi ở thôn Phú Lộc (thị trấn Diên Khánh), một số cơ sở đúc cho biết, trước năm 2010, giá đồng nguyên liệu, chất đốt, công lao động tăng cao, đầu ra không ổn định, sản phẩm tiêu thụ chậm do cạnh tranh của các sản phẩm làm từ một số loại vật liệu khác… đã khiến cho các hộ làm nghề đúc đồng ở đây điêu đứng, có thời điểm cả làng chỉ có vài hộ giữ nghề. Anh Biện Huỳnh Anh Tuyên - chủ một xưởng đúc ở thôn Phú Lộc cho biết: “Hiện nay, giá đồng nguyên liệu khoảng 106 nghìn đồng/kg, tăng hơn 10 nghìn đồng/kg so với năm 2010, giá chất đốt, nhân công cũng tăng khoảng 10 - 15% so với trước; chi phí cho việc đúc, hoàn thiện 1 bộ lư đèn cỡ lớn hơn 7 triệu đồng nhưng bán chỉ được 7,5 triệu đồng. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, tại một số địa phương như: Thừa Thiên Huế, Bình Định, Ninh Thuận… nhu cầu sử dụng các đồ thờ cúng bằng đồng khá lớn nên tuy tiền lãi thu được sau mỗi lần đúc không cao nhưng nhiều gia đình vẫn bám nghề để lấy công bù lãi”.
Ông Võ Nguyên Sơn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Diên Khánh cho biết: “Từ thực tế hoạt động của các LN trên địa bàn thị trấn Diên Khánh, để người dân LN sống được bằng nghề phải giải quyết được bài toán nguyên liệu và đầu ra sản phẩm. Bên cạnh đó, các LN cần có sự “cách tân” phù hợp với nhu cầu của thị trường mới có được chỗ đứng”.
LN có vị trí quan trọng trong việc phát triển nghề truyền thống, gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn... Phát triển LN gắn với du lịch từng được xem là giải pháp để phát huy lợi thế của LN, nhưng hiệu quả của nó đem lại vẫn chưa cao. Trước những khó khăn như hiện nay, các LN rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành.
BÍCH LA