11:07, 24/07/2011

Thị trường liên ngân hàng: Đói, vẫn phải ăn kiêng

Thị trường liên ngân hàng là nơi giải quyết nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng, nhưng đang tồn tại những bất cập từ cả hai phía chính sách và thực tiễn, dẫn đến nhiều đơn vị phải “làm kỹ thuật” cho “đẹp lòng” cơ quan quản lý.

Trong khi vốn ở thị trường 1 phải huy động với lãi suất cao, lại phải “đi đêm” lãi suất thì ở thị trường 2, lãi suất lại ổn định.
Trong khi vốn ở thị trường 1 phải huy động với lãi suất cao, lại phải “đi đêm” lãi suất thì ở thị trường 2, lãi suất lại ổn định.

Thị trường liên ngân hàng là nơi giải quyết nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng, nhưng đang tồn tại những bất cập từ cả hai phía chính sách và thực tiễn, dẫn đến nhiều đơn vị phải “làm kỹ thuật” cho “đẹp lòng” cơ quan quản lý.

 

Theo những cán bộ ở bộ phận kinh doanh vốn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trong thời gian gần 10 năm, kể từ khi hình thành đến trước thời điểm ban hành Thông tư  13/2010/TT-NHNN ngày 20-5-2010, thị trường 2 được coi là "chợ vốn", hỗ trợ thanh khoản rất tốt cho các tổ chức tín dụng và hoạt động của chúng đã và đang từng bước tiệm cận với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

“Khấp khểnh” khung pháp lý

Đánh dấu sự khởi đầu về hoạt động quản lý cho thị trường này, từ năm 2001, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 1310/2001/QĐ-NHNN.

Nhưng gần 10 năm sau, hệ thống ngân hàng đã có sự bùng nổ mạnh mẽ, đặc biệt từ lúc nhà điều hành cho phép nâng cấp trên 10 ngân hàng nông thôn lên ngân hàng thành thị và ngành ngân hàng từng bước hội nhập theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), yếu tố nước ngoài hiện diện ngày càng sâu rộng trong hoạt động ngân hàng.

Lúc này, con số tổ chức tín dụng đã lên tới cả trăm và rất  đa dạng xét về quy mô vốn điều lệ, hình thức sở hữu, mô hình hoạt động. Trong đó có 37 ngân hàng thương mại cổ phần; 4 ngân hàng thương mại Nhà nước; khoảng 10 ngân hàng nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh; hàng chục công ty tài chính, cho thuê tài chính; chưa kể hai ngân hàng chuyên giải ngân vốn tín dụng nhà nước là Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội.

Với một hệ thống tổ chức tín dụng như vậy, sự cạnh tranh rất quyết liệt, thậm chí khốc liệt nhằm giành giật nguồn vốn, khách hàng tốt để bành trướng thị phần. Trong quá trình đó, hoạt động buôn bán vốn lẫn nhau giữa các tổ chức tín dụng trên thị trường 2 cũng bùng nổ cả về quy mô, doanh số giao dịch đến hình thức thanh toán.

Thậm chí, đã xuất hiện tình trạng đơn vị huy động tốt thì ngại cho vay ra thị trường 1 và dành một tỷ trọng vốn lớn bán cho những đơn vị huy động kém hơn. Những đơn vị này lại mang nguồn vốn đó đầu tư vào những tài sản đầy rủi ro để tăng trưởng nóng về lợi nhuận. Đáng lẽ, ngân hàng là trung gian tài chính phân bổ nguồn vốn từ tiết kiệm đến đầu tư và tín dụng phải đi vào sản xuất để tạo nhiều hơn của cải và giải quyết việc làm nhưng thực tế lại khác.

Từ  thực tiễn này, Quyết định 1310/2001/QĐ-NHNN không còn phù hợp. Vì thế, tháng 11-2010, Ngân hàng Nhà nước chấp bút dự thảo Thông tư quy định hoạt động cho vay và mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng để thay thế Quyết định 1310.

Tuy nhiên, cùng thời điểm này, hai bộ luật mới (Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng) sắp đi vào cuộc sống (có hiệu lực 1-1-2011); trong khi đó, nội hàm dự thảo thông tư trên lại chứa đựng quá nhiều vấn đề không tương thích với luật mới. Do vậy, từ tháng 11-2011 đến nay, dự thảo trên vẫn là… dự thảo!

Một  điểm lưu ý khác, trước đó không lâu, ngày 20-5-2010, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề ra một loạt chỉ số an toàn như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; giới hạn tín dụng; tỷ lệ khả năng chi trả; giới hạn góp vốn, mua cổ phần; tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động.

Những chỉ số này được cho là khá ngặt nghèo so với khả năng thực hiện của các tổ chức tín dụng. Thực ra, Thông tư 13 không can thiệp trực tiếp đến thị trường 2 mà chủ yếu điều chỉnh hoạt động tổ chức tín dụng ở thị trường 1 nhưng lại có mối liên hệ rất chặt chẽ với thị trường 2 mà phần sau sẽ đề cập rõ hơn.

Chưa kể, ngày 18-3-2010, Ngân hàng Nhà nước còn phát đi thông điệp “sẽ thanh tra tổ chức tín dụng có tỷ lệ vốn huy động trên thị trường 2 lớn hơn 20% vốn huy động trên thị trường 1”. Tất nhiên, khi ban hành Thông tư 13 thì “thông điệp” này bị “khai tử” nhưng chí ít, Ngân hàng Nhà nước cũng nên có một lời thì đằng này lại không.

Như vậy, nhìn từ bình diện khung pháp lý, chỉ trong năm 2010, đã có tới 3 văn bản từ luật đến dưới luật liên quan đến quản lý hoạt động thị trường 2, chưa kể một dự thảo thông tư nhỡ nhàng nhưng cuối cùng, cần một văn bản chính thống và phù hợp để quản lý trực tiếp lại chưa có. 

Chưa “hô” đã vội “đánh”

Theo nhận xét của giới phân tích tài chính, việc ban hành Thông tư 13 là rất cần thiết vì chúng hướng tới mục đích bảo đảm an toàn hoạt động cho hệ thống; nâng cao năng lực tài chính và khả  năng giảm thiểu tổn thất trước rủi ro.

Tuy nhiên, như nói trên, do hệ thống không đồng đều, khả năng thực hiện của mỗi tổ chức tín dụng một khác  và  đáng lẽ phải cần tới vài ba năm tới để thích ứng thì gần như phải làm ngay. Vì thế, các ngân hàng lâm vào thế khó. 

Trưởng bộ phận quản trị rủi ro một ngân hàng cổ phần phân trần: “Nếu sòng phẳng, các chỉ số “cấp tín dụng”, “thanh toán một ngày”, “thanh toán 7 ngày” gần như rất khó đạt yêu cầu vì không phù hợp với khả năng thực hiện của không ít ngân hàng”.

Chưa kể, trong đó, có những chỉ số thực ra không cần thiết, chẳng hạn: khoản 1, điều 12 quy định “chỉ số thanh toán 1 ngày”: “tỷ lệ tối thiểu bằng 15%/giữa tổng tài sản “Có” thanh toán ngay và tổng “Nợ” phải trả”; còn khoản 2, điều 12 quy định chỉ số “thanh toán 7 ngày” là: “tỷ lệ tối thiểu bằng 1 giữa tổng tài sản “Có” đến hạn thanh toán trong 7 ngày tiếp theo, kể từ ngày hôm sau”.

Thực tế, dòng tiền đến hạn của tài sản “Có” trên tài sản “Nợ” của “thanh toán một ngày”  đã là quá lớn. Vì thế, khi thực hiện  được “chỉ số thanh toán 1 ngày” thì không lý do gì không thực hiện được “chỉ số thanh toán 7 ngày”.

Một lý do khác là do thực hiện đúng yêu cầu Thông tư 13 nên gần đây, nguồn vốn khả dụng của không ít ngân hàng tương đối dồi dào (vì huy động nhiều nhưng cho vay ít đi so với trước), thế nên, lãi suất rẻ hơn.

Đến nỗi, trên thị trường OMO, quy mô giao dịch của “người mua bán cuối cùng” vẫn duy trì theo hướng thắt chặt nhưng giá trị chào mua vẫn thấp, khiến nhà điều hành phải hạ lãi suất OMO từ 15%/năm xuống 14%/năm. Điều này làm cho khối người, nhất là khu vực bất động sản mừng hụt: Ngân hàng Nhà nước sắp nới lỏng tiền tệ!

Nhưng cái gì cũng có tính hai mặt. Trong khi vốn ở thị trường 1 phải huy động với lãi suất cao, lại phải “đi đêm” lãi suất thì ở thị  trường 2, lãi suất lại ổn định. Một thời gian dài cho đến nay, (ngày 20-7), lãi suất thị trường 2 tại một ngân hàng lớn vẫn duy trì ở mức: qua đêm là 12%/năm; 1 tuần: 13% – 13,5%/năm, 2 tuần: 14%/năm.

Như thế, có lý do gì để nghi ngờ rằng, dòng vốn không chảy từ thị trường 2 về thị  trường 1?

Thật ngẫu nhiên, gần đây, trong đời sống tổ chức tín dụng xuất hiện cụm từ “làm kỹ thuật” mà bản chất là dùng tiểu xảo chuyển vốn từ thị trường 2 sang thị trường 1.

Vậy những tiểu xảo đó là những gì? Qua tìm hiểu, có không ít tổ chức tín dụng vì thiếu nguồn vốn ở  thị trường 1, không đáp ứng đủ chỉ số theo yêu cầu của tỷ lệ tài sản “Nợ” và “Có” như quy định đã thông qua các công ty trung gian ở đâu đó (dưới dạng hợp đồng ủy thác đầu tư vốn hoặc tín dụng) từ ngân hàng dư vốn gửi vào ngân hàng thiếu vốn để làm đẹp các chỉ số như yêu cầu Thông tư 13.

Nếu là người trong cuộc, không từ chối những cơ hội đại loại như thế vì giả định, lãi suất thị trường 2 thấp hơn thị trường 1 khoảng 2% thì người cho vay được lợi 2%, còn người vay có được “chỉ số đẹp” nhờ công nghệ “tát”, “tút” này, dĩ nhiên, cái giá anh ta phải trả là 2%.

Thậm chí, có những đơn vị còn lợi dụng “mánh”  này để kiếm lời. Ví dụ, ngân hàng A vay của ngân hàng B trên thị trường 2, sau đó gửi vốn qua công ty trung gian, công ty trung gian gửi ngược vào ngân hàng B từ thị trường 1 để kiếm lời.

Bởi vậy, có những ngân hàng lớn chuyên cung vốn trên thị trường liên ngân hàng trong suốt một thời gian dài không hiểu vì sao đồng vốn của mình vợi đi ở thị trường 2 nhưng sau đó lại chảy vào ở thị trường 1; và khi khép kín một vòng quay, ngân hàng đó đã mất đi vài phần trăm lãi suất mà tổ chức trung gian đã vợt đi. Hóa ra, sự không minh bạch không chỉ ở thị trường 2 mà lan sang cả thị trường 1.

Theo những tín hiệu được phát đi từ Ngân hàng Nhà nước gần  đây, ít nhất từ nay đến hết năm, chính sách tiền tệ vẫn “linh hoạt, thận trọng” mà thực chất là thắt chặt, hoặc ít thắt chặt hơn để kiềm chế lạm phát.

Và cùng với thực tế nêu trên, có vẻ như phần lớn các tổ chức tín dụng đã và sẽ trong tình thế “đói vẫn phải ăn kiêng”. Bởi thế, khi nói về Thông tư 13, có người băn khoăn: “Sao chưa hô đã vội đánh?”.

Theo VnEconomy