01:07, 04/07/2011

Sản xuất kiệu giống: Nhiều triển vọng

Lâu nay, mỗi khi mùa kiệu Tết bắt đầu, kiệu giống mới được nông dân đặt mua từ nơi khác. Khan hiếm giống làm cho giá kiệu giống tăng.

Lâu nay, mỗi khi mùa kiệu Tết bắt đầu, kiệu giống mới được nông dân đặt mua từ nơi khác. Khan hiếm giống làm cho giá kiệu giống tăng. Vì vậy, người trồng kiệu (NTK) trong tỉnh Khánh Hòa quyết tâm trồng thử nghiệm kiệu giống và kết quả bước đầu cho thấy nhiều triển vọng. NTK đang mong cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng mô hình thử nghiệm để có kết luận chính xác.

Về Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh) thời gian này, những ruộng kiệu giống đã bắt đầu cho thu hoạch. Tuy gặp bất lợi về thời tiết nhưng những ruộng kiệu giống cũng cho kết quả đáng phấn khởi. Ông Ngô Văn Nhẹ (thôn Quảng Hòa) cho biết, ông trồng 1.000m2 kiệu giống, ước vụ này có thể thu hoạch 700 - 800kg (7 - 8 tấn/ha). Ông Nhẹ nhận xét: Thời gian làm kiệu giống trúng vào mùa nắng nên kiệu khó đạt năng suất như vụ chính. Tuy nhiên, vụ này kiệu mọc khỏe, chất lượng cao hơn, củ nặng, chắc, đồng đều. Ông Nhẹ cho rằng, tuy có những bất lợi do thời tiết nhưng cây kiệu phát triển tốt.

Kiệu giống thử nghiệm cho kết quả khả quan.

Theo ông Nhẹ, một vụ kiệu kéo dài 5 - 6 tháng, kiệu giống đưa xuống ruộng từ tháng Giêng đến tháng 5, 6 âm lịch mới cho thu hoạch. Thời tiết thích hợp cho cây kiệu phát triển là trên dưới 250C; ruộng kiệu phải có đủ nước; đất làm kiệu giống phải chọn loại đất cát pha. Quy trình sản xuất kiệu giống có hơi khác so với kiệu thịt như: lượng phân đạm bón cho ruộng kiệu giảm đến 2/3 để tăng khả năng chống chịu với thời tiết bất lợi. Nếu thừa đạm, cây kiệu sẽ ỉu ra, yếu, dàn lá dễ bị sâu bệnh tấn công…

Ông Nhẹ cũng cho biết, sau khi thu hoạch, những hộ làm kiệu giống trên địa bàn đều có chung nhận xét: Năng suất, sản lượng giảm so với chính vụ nhưng nhìn chung kiệu vẫn phát triển tốt, chất lượng tốt hơn chính vụ do trời nhiều nắng, cây quang hợp tốt. Từ đó, chất bột tích tụ trong củ nhiều hơn so với chính vụ. Đây là tín hiệu vui cho NTK mạnh dạn đưa cây kiệu vào trồng thử nghiệm. Kiệu được “du nhập” vào Khánh Hòa khá lâu nhưng việc nhân giống vẫn chưa có ai dám làm, bởi lo ngại thất bại. Những cây trồng khác có thể bảo quản giống một thời gian dài, khi cần thì đưa giống ra trồng; còn đối với cây kiệu, khi thu hoạch xong phải lo trồng ngay, nếu không kiệu sẽ không mọc hoặc phát triển kém. Chính điều này làm NTK lo ngại. Một khó khăn khác đó là thời gian sinh trưởng của cây kiệu kéo dài. Kiệu Tết phải chịu đựng qua mùa lũ, bão do phải “nằm” chờ trên đồng ruộng 5 - 6 tháng mới chín. Điều này khiến cho cây kiệu tiềm ẩn nhiều bất lợi. Bởi vậy, từ lâu, kiệu giống được người dân đặt mua (chủ yếu ở Đồng Tháp) thông qua thương lái mỗi khi mùa kiệu Tết bắt đầu. Nhu cầu sản xuất tăng đã làm giá giống kiệu “đẩy” lên, chất lượng không tốt khiến NTK lao đao. Trong một thời gian dài, áp lực kiệu giống được NTK quan tâm nhưng để mạnh dạn sản xuất kiệu giống thì chưa ai dám làm. Gần đây, một số hộ ở Cam Thành Nam mạnh dạn tạo bước đột phá, đưa kiệu vào trồng thử.

Ông Nguyễn Trung Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Nam cho biết, Cam Thành Nam là vùng kiệu trọng điểm của tỉnh, với diện tích hàng chục héc-ta. Vụ kiệu Tết năm ngoái, nông dân thua lỗ bởi kiệu hỏng do mưa lũ nên năm nay diện tích thu hẹp, khả năng chỉ còn 30ha. Lâu nay, kiệu giống vẫn được người dân mua từ nơi khác nên giá cao (27.000 - 28.000 đồng/kg), chất lượng có khi không đạt. Việc trồng kiệu giống được Hội Nông dân xã và nông dân rất quan tâm. Năm nay là năm đầu tiên NTK triển khai việc làm giống thử nghiệm, bước đầu cho kết quả tốt. Hiện nay, toàn xã có 8 hộ trồng với diện tích khoảng 8.000m2, hoàn toàn mang tính chất thử nghiệm.

Cây kiệu có thể nói là “đặc sản” của vùng đất Cam Ranh và Cam Lâm, không nơi nào trong tỉnh trồng được cây kiệu như ở đây. Tuy nhiên, cây kiệu cũng lắm “thăng trầm”. Năm ngoái, NTK “vỡ mộng” mùa kiệu Tết, năm trước đó lại trúng đậm khiến cho cây kiệu trở thành cây trồng nhiều bất ổn. Việc chủ động nguồn giống tại địa phương, thoát khỏi sự cung cấp giống từ các tỉnh Tây Nam bộ là hướng đi đúng, cần được quan tâm. Nên chăng, Trung tâm Khuyến nông Khuyến lâm cần triển khai mô hình thử nghiệm kiệu giống, làm tiền đề cho việc sản xuất kiệu giống tại đây. Những kết quả bước đầu trong việc sản xuất kiệu giống là điều đáng phấn khởi. Tuy nhiên, vấn đề này cần được cơ quan khuyến nông nghiên cứu kỹ hơn để có kết luận chính xác nhằm khuyến cáo nông dân. Có như vậy, vùng kiệu trọng điểm của tỉnh mới khởi sắc và NTK mới chủ động được nguồn giống, không phải lo toan mỗi khi mùa kiệu đến.

QUANG VIÊN