Ở thôn Tân Thành (Cam Thành Bắc, Cam Lâm, Khánh Hòa), không ít người trắng tay khi đầu tư công sức, tiền của vào chăn nuôi thỏ. Thế nhưng, gia đình ông Bùi Nghê lại “có lãi” nhờ con thỏ. Sau gần 3 năm, từ 5 con thỏ giống ban đầu, gia đình ông đã xuất bán hàng trăm con thỏ giống lẫn thỏ thịt, mỗi năm thu lãi khoảng 40 triệu đồng.
Ở thôn Tân Thành (Cam Thành Bắc, Cam Lâm, Khánh Hòa), không ít người trắng tay khi đầu tư công sức, tiền của vào chăn nuôi thỏ. Thế nhưng, gia đình ông Bùi Nghê lại “có lãi” nhờ con thỏ. Sau gần 3 năm, từ 5 con thỏ giống ban đầu, gia đình ông đã xuất bán hàng trăm con thỏ giống lẫn thỏ thịt, mỗi năm thu lãi khoảng 40 triệu đồng.
. Lãi theo cấp số nhân
Sau nhiều năm lăn lộn với nghề đi biển, khi tuổi đã cao, vợ chồng ông Bùi Nghê tích cóp được số vốn gần 10 triệu đồng. Vừa muốn tận dụng thời gian nhàn rỗi, vừa muốn kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình, ông đã quyết định nuôi thỏ làm kinh tế. Ở thôn Tân Thành, nhiều người nuôi thỏ đã từng thua lỗ, thậm chí phá sản vì thỏ còi cọc, không phát triển và hay bị bệnh. Tuy vậy, ông vẫn quyết tâm tìm giống thỏ phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Anh Bùi Tiến Hưng - con trai ông Bùi Nghê kể lại: “Hai cha con tôi đã phải lặn lội đi nhiều nơi để tìm mua thỏ giống, từ những trang trại thỏ lớn ở Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh), Bình Dương rồi ra Ninh Thuận. Tuy nhiên, chỉ khi lên Lâm Đồng, cha con tôi mới tìm mua được 5 con thỏ giống ưng ý”. 5 con thỏ giống này có nhiều đặc tính khác nhau, thuộc 3 giống thỏ của Mỹ, Niu-di-lân và Úc. Khi đưa vào nuôi, hai cha con ông Nghê phải tự mày mò lai tạo 3 giống thỏ với nhau để có một giống phù hợp nhất. Ông nhận thấy, giống thỏ Niu-di-lân sau khi lai tạo là một con giống mạnh, có sức đề kháng, năng suất thịt cao, thịt thơm và dai.
Thức ăn của thỏ chủ yếu là những loại dễ kiếm và có thể tận dụng trong đời sống. |
. Mô hình chăn nuôi phù hợp
Có thể thấy, mô hình chăn nuôi thỏ rất phù hợp cho nhiều hộ nông dân. Với khoản vốn đầu tư nhỏ, tận dụng được thời gian nông nhàn, nguồn thức ăn tự túc, mô hình chăn nuôi này là giải pháp để tăng nguồn thu nhập cho hộ gia đình.
Giống thỏ Niu-di-lân có sức đề kháng và năng suất thịt cao. |
Trong chăn nuôi thỏ, người nuôi cần chú ý đến 2 bệnh thường gặp là bệnh ghẻ và bệnh sình bụng do thức ăn nhiễm khuẩn. Rút kinh nghiệm từ những hộ đã nuôi thỏ bị thất bại, ông Bùi Nghê rất kỹ lưỡng trong vấn đề vệ sinh chuồng trại và thức ăn để hạn chế thỏ nhiễm bệnh. Ông chia sẻ kinh nghiệm: “Đối với bệnh ghẻ, chỉ cần tiêm thuốc một lần là thỏ hết bệnh, nhưng đối với bệnh sình bụng (bệnh tiêu hóa) thì cần cho thỏ uống thuốc tiêu hóa dành cho người với liều lượng 70%”. Nhờ kinh nghiệm này, 3 năm qua, đàn thỏ của gia đình ông Nghê chưa xảy ra dịch bệnh lớn.
Với nguồn nhân lực và thức ăn sẵn có, tận dụng thời gian nông nhàn, mô hình nuôi thỏ đã góp phần cải thiện đáng kể kinh tế gia đình ông Bùi Nghê. Gia đình ông không chỉ cung cấp thỏ giống, thỏ thịt cho thị trường mà còn giúp nhiều gia đình trong và ngoài xã nuôi thỏ theo mô hình này. Được biết, nhiều hộ gia đình khác cũng đã bắt đầu thu lãi từ nuôi thỏ Niu-di-lân.
HOÀNG DUNG