Tình trạng vượt trần lãi suất huy động lại lan sang tiền gửi USD, theo những thông tin phản ánh gần đây. Nhưng những ngân hàng “lách” trần sẽ giải thích thế nào khi chốt sổ?
Những ngày gần đây, nhiều kênh thông tin chính thống lại tiếp tục phản ánh tình trạng trên lan sang tiền gửi USD đối với dân cư, vượt mức trần 2%/năm quy định. |
Tình trạng vượt trần lãi suất huy động lại lan sang tiền gửi USD, theo những thông tin phản ánh gần đây. Nhưng những ngân hàng “lách” trần sẽ giải thích thế nào khi chốt sổ?
Đến thời điểm này, tình trạng lãi suất huy động VND vượt trần quy định 14%/năm đã lần lượt được các cấp, cơ quan chức năng thừa nhận. Một lần nữa, trong tài liệu gửi các đại biểu Quốc hội phục vụ cho kỳ họp khai mạc sáng 21-7, vấn đề này cũng được đề cập tới.
Không phải lúc này, mà câu chuyện lãi suất vượt trần đã kéo dài trong thời gian qua, từ tháng 3-2011 - khi cơ chế áp trần chính thức được luật hóa.
Những ngày gần đây, nhiều kênh thông tin chính thống lại tiếp tục phản ánh tình trạng trên lan sang tiền gửi USD đối với dân cư, vượt mức trần 2%/năm quy định.
Trao đổi bên lề về hoạt động ngân hàng thời gian qua, tổng giám đốc một ngân hàng lớn tại Hà Nội nói vui rằng: có lẽ để kinh doanh được phải biết “lách” một chút.
Ngân hàng có nhiều cách khác nhau để hợp thức việc “lách” trần. Nhưng họ sẽ giải thích thế nào cho hợp lý với cổ đông về kết quả kinh doanh, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm nay, hay chốt lại năm 2011.
Với chính sách tiền tệ thắt chặt, hoạt động kinh doanh khó khăn, dự kiến năm nay sẽ có nhiều nhà băng không đạt chỉ tiêu lợi nhuận, hoặc buộc phải điều chỉnh lại chỉ tiêu lợi nhuận. Thế nhưng, một câu hỏi trực quan là: họ nói gì khi có chênh lệch lãi suất rất lớn?
Trên biểu niêm yết, lãi suất huy động VND chỉ tối đa 14%/năm, trong khi lãi suất cho vay có từ 20%, thậm chí 22% - 25%/năm; lãi suất huy động USD tối đa chỉ 2%/năm nhưng lãi suất cho vay lên tới 6% - 8%/năm. Rõ ràng, các ngân hàng đã hưởng chênh lệch lãi suất rất lớn, cao nhất tới cả chục phần trăm như vậy, sao lợi nhuận lại khó?
Với chênh lệch đó, nhiều năm trước các ngân hàng cũng không “mơ” được, vậy sao năm 2011 lợi nhuận lại khó, hay kinh doanh khó? Năm 2005, chênh lệch giữa lãi suất cho vay với lãi suất huy động bình quân chỉ là 3,42%/năm, năm 2006 chênh lệch bình quân là 4,63%/năm, 2007 là 4,45%/năm, 2008 là 4,62%/năm. Năm gần nhất 2010 cũng chỉ được bình quân khoảng 2,5%/năm.
Rõ ràng, việc giải trình chênh lệch giữa lãi suất cho vay với lãi suất huy động từ cỡ 6% - 7%/năm, thậm chí lên đến cả chục phần trăm như vậy là một thực tế các ngân hàng phải đối mặt. Bởi nếu anh nói do chi phí đầu vào cao, lãi biên thực tế không được như vậy thì có phải do lãi suất huy động vượt trần? Còn nếu thừa nhận được chênh lệch đến như vậy, anh phải đối mặt thế nào với vấn đề đạo đức kinh doanh khi thu chênh lệch quá cao trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn.
Câu chuyện này không mới. Đặt ra khoảng chênh lệch lãi suất lớn như vậy là trên sổ sách, nhưng “ngô nghê” với thực tế. Nhưng qua đó cho thấy, nhìn nhận và thừa nhận lãi suất huy động vượt trần không phải quá khó, không hẳn chỉ có ở việc thanh tra với các bằng chứng của cơ quan chuyên trách. Cái khó là việc hạn chế hoặc khắc phục nó.
Thế nên, một lần nữa câu hỏi mà cách đây khoảng một tháng đã thu hút sự quan tâm của công chúng vẫn cần đặt ra: liệu cơ chế trần lãi suất có sự điều chỉnh nào không, hay bàn chân phải gầy đi cho vừa giày, hay vẫn chấp nhận tính pháp lý của chính sách không được nguyên vẹn?
Theo VnEconomy