Sau một thời gian dài liên tục có sự biến động về giá, các tháng nửa cuối năm, giá của các mặt hàng thiết yếu được Bộ Công Thương dự báo sẽ ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ.
Ảnh minh họa. |
Sau một thời gian dài liên tục có sự biến động về giá, các tháng nửa cuối năm, giá của các mặt hàng thiết yếu được Bộ Công Thương dự báo sẽ ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ.
Lúa gạo khó giảm sâu khi vào vụ
6 tháng đầu năm thị trường gạo châu Á tương đối ổn định, nguồn cung dồi dào nên giá chào bán của hai nước xuất khẩu lớn là Thái Lan và Việt Nam chỉ ở mức 480 - 530 USD/tấn (giá FOB đối với loại gạo cao cấp).
Thị trường trong nước, giá một số loại gạo phẩm cấp cao đã tăng trong một số tháng đầu năm và đứng vững ở mức cao. Tuy nhiên giá lúa gạo thường tại vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long không biến động lớn.
Cụ thể, giá lúa tăng vào tháng 1 (lúa tẻ thường ở mức 5.900 - 6.300 đồng/kg), sau đó giảm dần trong tháng 2, tháng 3 (giá ở mức 5.200 - 5.600 đồng/kg). Sau khi các doanh nghiệp tăng mua tạm trữ lần 1, giá lúa gạo lại tăng vào tháng 4 (lên mức 6.000 - 6.300 đồng/kg). Từ tháng 5, do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu (giá giảm), nguồn cung từ vụ thu hoạch mới, giá lúa gạo lại các xu hướng giảm nhẹ xuống mức 5.700 - 5.900 đồng/kg.
Dự báo trong thời gian tới, cung cầu thế giới không biến động lớn (sản lượng giảm do hạn hán ở Trung Quốc đã được bù đắp do các nước Việt Nam, Thái Lan… được mùa).
Song do tác động từ chính sách tranh cử của Thái Lan nên giá gạo xuất khẩu của quốc gia này sẽ tăng vào kéo giá gạo Việt Nam tăng nhẹ. Giá lúa gạo trong nước sẽ khó giảm sâu khi vào vụ hè thu như các năm trước, do giá gạo xuất khẩu tăng và chính sách thu mua tạm trữ đã chủ động được triển khai.
Giá thực phẩm ổn định ở mức cao
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá thực phẩm 6 tháng đầu năm so với tháng 12-2010 tăng 22,21% và là nhóm có mức tăng cao nhất trong cơ cấu tính CPI. Về nguyên nhân, ngoài yếu tố mùa vụ, thời tiết giá thực phẩm tăng chủ yếu là do tác động của giá thịt lợn thời gian qua tăng khá mạnh.
Trái với quy luật hàng năm, thời điểm sau Tết và mùa hè nắng nóng là lúc nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tươi sống sẽ giảm nên giá thực phẩm cũng giảm theo. Năm nay, giá thực phẩm đặc biệt là thịt lợn tăng liên tiếp trong 6 tháng đầu năm (tăng 26 - 60% tuỳ chủng loại so với tháng 12/2010) và hiện đang ở mức giá cao nhất từ trước đến nay.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết về tổng thể thì tốc độ phát triển của đàn gia súc, gia cầm với sản lượng thịt các loại đều tăng (tính đến tháng 4/2011 sản lượng thịt bò tăng 4,87%, trâu tăng 9,3%, gia cầm tăng 16,8% so với cùng kỳ 2010) có thể bù đắp lại lượng tiêu huỷ do dịch bệnh và đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Trên cơ sở này, Bộ Công Thương dự báo giá thực phẩm trong thời gian tới sẽ ổn định ở mức cao.
Sữa ổn định giá nhờ chương trình bình ổn
Trong 6 tháng đầu năm 2011, thị trường sữa thế giới có nhiều biến động về giá. Sau khi liên tiếp tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2011 thì giá của mặt hàng này có xu hướng ổn định trong tháng 3 và giảm nhẹ trong tháng 4, tháng 5, rồi lại phục hồi trở lại trong tháng 6/2011.
So với cùng kỳ năm 2010, giá sữa tại các thị trường hiện đã tăng từ 21,3 -27,9%, riêng sữa nguyên kem tăng nhẹ từ 1,3 - 2,5%) và so với với cuối tháng 12/2010 tăng từ 10,5 - 15,8% còn sữa bột gầy tăng tới 31,9%.
Trong nước sau 5 tháng liên tiếp tăng, thị trường sữa trong tháng 6 đã có xu hướng ổn định. Giá sữa các loại đã thiết lập một mặt bằng giá mới. So với tháng 12/2010, giá thu mua sữa tươi tăng từ 13,8 - 17,9%, giá sữa bột nhập khẩu và sản xuất trong nước cũng tăng trung bình từ 5 -18%.
Tuy nhiên, đến tháng 6/2011, giá sữa trong nước đã ổn định ở mức cao do giá sữa thế giới giảm và tác động tích cực của chương trình bình ổn tại một số thành phố lớn.
Thời gian tới, dự báo giá sữa tiếp tục đứng ở mức cao.
Muối chỉ tăng nhẹ ở đồng bằng sông Cửu Long
Do sản lượng muối những tháng đầu năm thấp nên giá muối trên cả nước có xu hướng tăng so với năm 2010, góp phần giảm bớt khó khăn trong sản xuất và đời sống của diêm dân, nhất là khu vực phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, giá muối tại các tỉnh miền Bắc từ 800 - 1.300 đồng/kg, các tỉnh miền Trung muối sản xuất thủ công từ 400 - 660 đồng/kg, muối sản xuất công nghiệp từ 650 * 800 đồng/kg, các tỉnh đổng bằng sông Cửu Long muối đen và vàng từ 650 - 1.000 đồng/kg, muối trằng từ 900 - 1.500 đồng/kg.
Nhìn chung, giá muối 6 tháng đầu năm, tăng khoảng 30% so với 6 tháng đầu năm và tăng xấp xỉ 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá muối bán lẻ tại các địa phương nhìn chung ở mức 4.000 - 5.000 đồng/kg.
Thời gian tới giá muối tiếp tục giữ tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, tăng nhẹ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn cung đường trắng đủ đáp ứng nhu cầu
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn niên vụ mía đường 2010- 2011, toàn ngành ép được 1,14 triệu tấn đường (cao hơn vụ trước khoảng trên 252 nghìn tấn).
Tính đến hết tháng 5-2011, lượng đường đã nhập về theo hạn ngạch thuế quan là 64 nghìn tấn (thấp hơn cùng kỳ năm trước là 47 nghìn tấn).
Giá đường trong nước thời gian qua đã có nhiều biến động, tăng cao trong 2 tháng đầu năm (do giá thu mua mía cao và giá nhiều yếu tố đầu vào có sự điều chỉnh).
Sau đó lại liên tục giảm (do vào chính vụ sản lượng lại tăng và cao hơn dự kiến. Trên thế giới giá đường có xu hướng giảm. Các nhà máy phải đối mặt với áp lực bán ra do lãi suất cao...) và hiện đang có xu hướng phục hồi nhẹ.
Giá bán buôn đường kính trắng hiện nay tăng khoảng 2% so với đầu năm 2011, phổ biến ở mức 18.700 - 19.400 đồng/kg. Giá bán này so với cùng kỳ năm 2010 đã cao hơn khoảng 20%.
Trên thị trường bán lẻ hiện giá đường vẫn đứng ở mức cao khi dao động quanh mức 21.000 - 22.000 đồng/kg.
Tính đến 15-6, lượng đường tồn kho tại các nhà máy là gần 347 nghìn tấn và lượng đường chưa nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan là 168 nghìn tấn. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với mức tiêu thụ như mọi năm thì nguồn cung đường đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ cho đến khi bắt đầu niên vụ mới bắt đầu vào tháng 9.
Giá phân bón có xu hướng tăng
6 tháng đầu năm, nguồn cung phân bón trong nước luôn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ, nhất là trong vụ tiêu dùng cao điểm (Đông Xuân). Tuy nhiên do ảnh hưởng của giá nhập khẩu và tác động của chi phí sản xuất, vận tải… nên giá phân bón hiện đã tăng khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg tuỳ từng loại so với cuối năm 2010.
Trên thế giới giá phân bón đã có biến động với biên độ khá lớn, nguyên nhân là do nhu cầu phân bón tại nhiều nước sản xuất nông nghiệp tăng, trong khi nguồn cung lại hạn chế.
Dự báo thời gian tới do ảnh hưởng của giá phân bón nhập khẩu cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng cho vụ mùa tới, giá phân bón trong nước có xu hướng tăng dần.
Tháng 7-2011, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục ổn định
Hai quý đầu năm, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới có nhiều biến động. Sau khi tăng mạnh vào tháng 1-2011, sang tháng 2-2011, giá các nguyên liệu này lại có xu hướng ổn định trước khi giảm mạnh vào tháng 3.
Tuy nhiên giá của mặt hàng này lại tăng cao trong tháng 4 và ổn định trong tháng 5.
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, 6 tháng qua, giá thức ăn chăn nuôi trong nước liên tục tăng (từ đầu năm đến nay giá đã được điều chỉnh tăng 7 lần), tổng mức tăng từ 800 - 1.400 đồng/kg so với đầu năm 2011. Nguyên nhân tăng giá là do giá nguyên liệu thế giới tăng. Trong đó giá ngô vàng của Mỹ tăng tới 61 - 62 USD/tấn so với tháng 1-2011.
Tỷ giá USD/VND được điều chỉnh tăng đã tác động mạnh đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp do sản xuất thức ăn trong nước phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.
Các yếu tố đầu vào khác như điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện cũng đã làm cho giá bán của mặt hàng này biến động trong thời gian qua. Song sang tháng 7, dự báo giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục ổn định.
Thép xây dựng giá khó tăng do cầu chưa tăng
Sản xuất và tiêu thụ thép 6 tháng qua, đều tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên mức tiêu thụ bắt đầu giảm từ tháng 5 (giảm khoảng 11,4%) và còn giảm mạnh hơn trong tháng 6 (giảm 24,6%).
Nhập khẩu phôi và thép các loại cũng đều giảm so với cùng kỳ năm 2010 và lượng nhập khẩu của các tháng không có hiện tượng tăng đột biến. Tồn kho thép thành phẩm và phôi thép ở mức cao.
Về giá bán, từ tháng 1 đến tháng 3, thép đã tăng từ 1,5 - 2 triệu đồng/tấn do chi phí đầu vào tăng. Tuy nhiên từ tháng 4 đến nay giá thép xây dựng bắt đầu chững lại do giá nguyên liệu trên thị trường thế giới ổn định, nhu cầu tiêu thụ chậm.
Để đẩy mạnh việc tiêu thụ, nhiều nhà máy đã tăng mức chiết khấu từ 500 - 900 đồng/tấn và hỗ trợ vận chuyển đến chân công trình. Tuy nhiên so với tháng 1-2011 giá thép xây dựng vẫn tăng 8 - 10% và so với cùng kỳ năm trước thì mức tăng lên tới 25- 36%.
Bộ Công Thương cho rằng giá thép tháng 7 sẽ không có biến động lớn do nhu cầu thị trường chưa tăng, giá nguyên liệu thế giới vẫn có xu hướng ổn định.
Xi măng tiếp tục ổn định giá
Sản xuất xi măng những tháng đầu năm đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu. Giá xi măng nhìn chung ổn định. Giá đầu nguồn chỉ điều chỉnh tăng 1 lần (60.000 đồng/bao) vào đầu tháng 2 do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Từ tháng 3 cho đến nay, giá bán được duy trì ổn định.
Tuy nhiên thời điểm này, giá bán đầu nguồn đã tăng khoảng 20 - 24% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng tới, sản xuất và tiêu thụ xi măng được dự báo sẽ giảm nhẹ do vào mùa mưa bão, nhu cầu xây dựng giảm. Về giá vẫn ổn định. Tại miền Bắc giá bán lẻ phổ biến từ 1,2 - 1,4 triệu đồng/tấn, miền Nam từ 1,5 - 1,7 triệu đồng/tấn.
Xăng dầu có xu hướng tăng nhẹ
Thời gian qua, giá dầu thô trên thị trường thế giới có thời gian dài liên tục tăng và giữ ở mức cao do bất ổn chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi. Chiến sự Libya khiến nguồn cung bị hạn chế và sự suy yếu của đồng USD đã khuyến khích đầu cơ vào mặt hàng này.
Tuy nhiên đến tháng 6, giá dầu thô có xu hướng giảm do lo ngại khủng hoảng nợ công tại châu Âu, lượng tiêu thụ giảm của một số nền kinh tế lớn dẫn đến nhu cầu dầu thô giảm.
Dự báo giá dầu thô thế giới tháng 7 có xu hướng tăng nhẹ khi dự trữ sản phẩm dầu của Mỹ và các nước châu Âu cạn dần do mùa cao điểm tiêu thụ là mùa hè.
Mặt hàng gas giá sẽ giảm nhẹ nhờ giá nhập khẩu giảm
Những tháng đầu năm 2011, giá gas nhập khẩu có diễn biến tăng, giảm đan xen. Tuy nhiên, xu hướng chung là tăng cao hơn so với đầu năm 2011 và cuối 2010. Giá nhập khẩu từ mức 927,5 USD/tấn (tháng 1-2011) xuống còn 827,5 USD/tấn (tháng 2-2011), rồi liên tục tăng và lên mức 970 USD/tấn vào tháng 5.
Theo chu kỳ, bắt đầu từ tháng 3, giá gas sẽ giảm khi thời tiết tại châu Âu ấm dần lên, khiến nhu cầu tiêu thụ giảm. Tuy nhiên do chiến sự tại Libya khiến giá dầu thô cùng giá gas tăng cao. Ngoài ra, giá của mặt hàng này tăng cũng là vì ảnh hưởng bởi một số nhà máy ở Arap Saudi ngưng hoạt động để bảo trì.
Sang tháng 6, giá gas có xu hướng giảm nhẹ khi xuống mức 890 USD/tấn do giá dầu thô giảm và nhu cầu không cao trong mùa hè.
Trong nước, 6 tháng qua, giá gas đã có 7 lần tăng, ba lần giảm. Giá gas tăng mạnh nhất vào đầu tháng 5 (tăng 30.000 đồng/kg) và giảm nhiều nhất vào thời điểm đầu tháng 6 (giảm 15.000 - 20.000 đồng/bình 12kg). Hiện nay so với đầu năm giá gas đã tăng hơn khoảng 9%.
Tháng tới theo dự báo, giá gas sẽ giảm nhẹ do giá nhập khẩu có xu hướng giảm.
Thuốc chữa bệnh có thể được điều chỉnh
Nửa đầu năm, trị giá thuốc sản xuất trong nước ước đạt khoảng 533 triệu USD. Kim ngạch thuốc thành phẩm nhập khẩu khoảng 622 triệu USD và trị giá nhập khẩu nguyên liệu khoảng 128 triệu USD.
Nhập khẩu dược phẩm thời gian qua tiếp tục tăng ở hầu hết các thị trường với cả nguyên phụ liệu cũng như dược phẩm. Ấn Độ, hàn Quốc, Pháp, Trung Quốc vẫn là những thị trường chính cung cấp nguyên phụ liệu dược phẩm cũng và dược phẩm cho Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm 2011, thị trường dược phẩm nhìn chung ổn định. Thuốc cung ứng đủ cho nhu cầu phòng và điều trị của nhân dân. Giá thuốc thành phẩm cũng như nhập khẩu không có biến động lớn.
Tháng tới và các tháng cuối năm, cung cầu thuốc vẫn tiếp tục được đảm bảo, giá thuốc sản xuất trong nước có thể biến động theo các yếu tố đầu vào. Giá thuốc thành phẩm nhập khẩu và nguyên liệu cũng tiếp tục được điều chỉnh theo biến động của giá nhập khẩu.
Theo VnEconomy