Sau khi Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến của các hiệp hội, ngành hàng thì số lượng các mặt hàng thiết yếu có thể phải có dự trữ lưu thông bắt buộc đã giảm xuống chỉ còn 3, thay vì 5 mặt hàng như trước đây.
Thép xây dựng không thuộc diện phải có dự trữ lưu thông bắt buộc. |
Sau khi Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến của các hiệp hội, ngành hàng thì số lượng các mặt hàng thiết yếu có thể phải có dự trữ lưu thông bắt buộc đã giảm xuống chỉ còn 3, thay vì 5 mặt hàng như trước đây.
Theo dự thảo trước đó về dự trữ lưu thông bắt buộc đối với một số mặt hàng thiết yếu của Bộ Công Thương thì thương nhân sản xuất, kinh doanh bao gồm cả thương nhân nhập khẩu, xuất khẩu 5 mặt hàng thiết yếu gồm: gạo, đường, thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi có thể sẽ phải có dự trữ bắt buộc khi lưu thông.
Mức dự trữ phổ biến là từ 3 - 12%, tuỳ theo từng mặt hàng.
Trao đổi với VnEconomy vào sáng 13/7, ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, hiện nay số lượng mặt hàng thuộc diện phải dự trữ bắt buộc chỉ còn là 3.
Ông Lộc An giải thích, đối với thép và thức ăn chăn nuôi, dự trữ bắt buộc tập trung chủ yếu vào nguyên liệu là phôi thép và đậu tương, khô dầu... Nhưng khi cần thì lại là thành phẩm, nên việc dự trữ có thể không khả thi do lúc đó có thể bị tác động bởi các yếu tố bất khả kháng như mất điện, máy móc trục trặc.
Song theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội thì đối với tất cả các mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá đều cần có quy định về việc phải có dự trữ lưu thông bắt buộc mới không xảy ra biến động giá cả lớn trên thị trường.
Ý kiến trên, ông An cho là rất khó khả thi vì ở Việt Nam số lượng đầu mối cùng kinh doanh một mặt hàng là rất lớn, nhất là đối với các mặt hàng không thuộc diện kinh doanh có điều kiện.
Thời điểm này, Vụ thị trường trong nước vẫn đang chỉnh sửa để hoàn thiện dự thảo nêu trên.
Mục đích của quy định phải có dự trữ bắt buộc đối với một số mặt hàng thiết yếu theo Bộ Công Thương là đảm bảo cung cấp kịp thời, đầy đủ nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng thiết yếu tại từng khu vực địa lý khi có mất cân đối cung cầu đột biến, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và tình hình kinh tế- xã hội. Chủ động kiểm soát và hạn chế tăng giá bất hợp lý, phòng chống đầu cơ, găm hàng gây thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng.
Căn cứ vào biến động trên thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ quyết định điều chỉnh tăng (mua vào) hoặc giảm (bán ra) mức dự trữ bắt buộc đối với từng loại hàng hoá.
Thời gian giữa hai lần điều chỉnh mức dự trữ lưu thông bắt buộc tối thiểu là 10 ngày đối với trường hợp giảm mức dự trữ lưu thông bắt buộc và tối thiểu là 30 ngày đối với trường hợp tăng mức dự trữ lưu thông bắt buộc.
Giá bán lẻ hàng hoá dự trữ lưu thông bắt buộc thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán ra ít nhất 10% giá thị trường do Bộ Tài chính công bố tại thời điểm bán ra.
Về phía doanh nghiệp khi thực hiện dự trữ lưu thông bắt buộc sẽ được ưu tiên vay vốn với lãi suất ưu đãi bằng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố vào thời điểm quyết định mức dự trữ lưu thông có hiệu lực. Ngoài ra, chi phí dự trữ lưu thông cũng được hạch toán vào chi phí chung của doanh nghiệp.
VnEconomy