03:06, 24/06/2011

Chưa tương xứng với tiềm năng

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Khánh Hòa phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển chiếm 55-60% GDP toàn tỉnh; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu...

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Khánh Hòa phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển (KTB) và ven biển chiếm 55-60% GDP toàn tỉnh; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của KTB đạt 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ phát triển bền vững, thương hiệu biển của Khánh Hòa chưa tương xứng với tiềm năng. Vì thế, để đạt được mục tiêu này, ngoài thúc đẩy các nguồn lực trọng yếu, Khánh Hòa cần quản lý, khai thác một cách có hiệu quả thông qua việc xây dựng thương hiệu sản vật (SV), sản phẩm (SP) từ biển.

Với hơn 385km bờ biển, đường bờ ven đảo, 44 đảo lớn nhỏ gần bờ và hơn 100 đảo, bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa có nguồn SV, SP biển rất phong phú và đa dạng. Trong đó, SV biển được hiểu là các SV tự nhiên, SV văn hóa, lịch sử, trong đó con người đóng vai trò tôn tạo, xây dựng và khai thác, sử dụng, thu hoạch và tiêu thụ. Do vậy, SV biển có nội hàm rộng hơn, bao gồm các di sản biển tự nhiên như: rừng ngập mặn, rạn san hô, vũng, vịnh, đầm phá, khu bảo tồn, bãi biển, hải đảo, các giá trị khảo cổ, di tích… Còn SP biển là dạng vật chất cụ thể được hình thành chủ yếu qua bàn tay, khối óc của con người, gồm các SP vô hình và hữu hình như: hải sản chế biến, các SP tinh chế từ dầu, lễ hội biển, các dịch vụ cảng biển, hàng hải, du lịch (DL)… Trong các SV của Khánh Hòa, nổi bật nhất vẫn là rạn san hô, vịnh nước sâu, khu bảo tồn, bãi biển, hải đảo…; SP biển chủ yếu là dịch vụ cảng biển, hàng hải, DL và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Những năm qua, thực hiện chủ trương phát triển KTB của Đảng và Nhà nước cùng với việc đẩy mạnh quá trình đổi mới và mở cửa, các lĩnh vực KTB ở Khánh Hòa được tăng cường và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ngoài những ngành nghề truyền thống, đã xuất hiện nhiều ngành KTB gắn với công nghệ hiện đại như: trung chuyển dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, đánh bắt xa bờ, DL biển... Tuy nhiên, các hoạt động bảo tồn, khai thác, quản lý các SV, SP biển ở Khánh Hòa chưa được chú trọng đúng mức trong các ngành, lĩnh vực, các tổ chức KTB và cộng đồng dân cư ven biển, hải đảo. Mặt khác, do khai thác ồ ạt, quá mức, thiếu tính bền vững nên nhiều SV, SP biển chưa thực sự theo hướng thân thiện với môi trường. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng môi trường biển bị ô nhiễm, hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, nguồn lợi hải sản… bị suy giảm nghiêm trọng.

Sản phẩm du lịch biển, đảo đang phát triển tương đối mạnh ở Khánh Hòa

Không thể phủ nhận, phát triển kinh tế cảng và giao thông biển ở Khánh Hòa những năm gần đây đã góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và thực hiện an sinh xã hội. Tuy nhiên, xét về tổng thể tiềm lực và sự cạnh tranh quốc tế trong chiến lược phát triển kinh tế cảng và giao thông biển vẫn còn những hạn chế, bất cập. Đó là hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển đang quá tải; trang thiết bị và trình độ quản lý yếu kém; năng lực xếp dỡ hàng hóa thấp, giải phóng tàu chậm so với khu vực. SP KTB về lĩnh vực cảng biển, dịch vụ hàng hải có thương hiệu rất hạn chế. Hiện nay, dọc bờ biển Khánh Hòa đã và đang hình thành những khu DL lớn, cao cấp; các điểm DL biển, đảo đang ngày càng phát triển và phát huy tác dụng, góp phần đưa ngành DL, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thế nhưng, ngành DL vẫn thiếu những SP dịch vụ biển - đảo đặc sắc, khu DL biển tổng hợp có tính cạnh tranh cao so với khu vực và đạt tầm cỡ quốc tế. Trong khai thác hải sản, phần lớn tàu thuyền có công suất nhỏ, thiết bị khai thác thô sơ, trang thiết bị hàng hải trên tàu còn thiếu, chưa đồng bộ, trình độ cơ giới hóa còn thấp. Trong nuôi trồng thủy sản, tiềm năng chưa được khai thác sử dụng hợp lý, hạ tầng phục vụ nuôi trồng, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu...

Để khai thác, quản lý các SV, SP biển một cách có hiệu quả, Khánh Hòa cần đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực KTB với tầm nhìn lâu dài. Bên cạnh hoàn chỉnh quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp lớn ven biển, cần tập trung phát triển nhanh, bền vững các ngành: Công nghiệp, Dịch vụ DL, Nuôi trồng và đánh bắt hải sản; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa SP DL; kết hợp chặt chẽ giữa DL biển với DL núi và DL di tích, danh thắng. Mặt khác, xây dựng, tôn tạo các điểm DL tham quan trong đất liền và trên các đảo trong khu vực, nhất là quan tâm đầu tư xây dựng và tu bổ, khai thác các danh lam thắng cảnh mang nét độc đáo của từng địa phương. Mặt khác, khi đầu tư khai thác những lợi thế KTB cần lựa chọn đề án thích hợp, tránh sự chồng chéo, đầu tư manh mún, hiệu quả kinh tế thấp. Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng những chủ trương, chính sách hỗ trợ phù hợp, cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực, để đủ sức thu hút đầu tư, khai thác các lợi thế từ biển. Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư chiều sâu, cải tiến đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống quản lý các ngành, lĩnh vực KTB, bảo đảm đủ sức cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế.

ANH TUẤN