Khoai sáp hay khoai môn (tên khoa học Cocasia esculenta) là loại khoai cho củ cái to, chất lượng tốt, ăn ngon, bở, chứa nhiều tinh bột.
Khoai sáp hay khoai môn (tên khoa học Cocasia esculenta) là loại khoai cho củ cái to, chất lượng tốt, ăn ngon, bở, chứa nhiều tinh bột. Khoai sáp được trồng nhiều ở huyện Cam Lâm. Đây là địa phương có nhiều chân ruộng đất pha cát, rất thích hợp với khoai sáp. Hiệu quả kinh tế của loại khoai này rất cao, có thể gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa, vì thế đã kích thích nhiều địa phương trong tỉnh triển khai nhân rộng.
Có thể nói, Cam Lâm là trọng điểm khoai sáp của tỉnh, tập trung tại nhiều xã như: Cam Hòa, Cam Tân, Cam Hải Tây… với diện tích lên tới hàng chục héc-ta. Thôn Lập Định, xã Cam Hòa là thôn có diện tích khoai sáp lớn nhất. Ven tuyến đường Lập Định - Suối Môn, diện tích khoai sáp đã “áp đảo” ruộng lúa 2 vụ. Anh Lê Thanh Sang (Lập Định 3, Cam Hòa), người có thâm niên 10 năm trồng khoai sáp cho biết, khu vực Đồng Máng, thôn Lập Định có hơn 2ha trồng khoai sáp. 3 năm trở lại đây, việc trồng khoai sáp phát triển khá mạnh. Nhiều bà con đã chuyển đổi ruộng lúa 2 vụ sang ruộng khoai vì hiệu quả kinh tế của loại khoai này rất cao. Anh Sang có 4 sào (4.000m2) khoai sáp, mỗi năm cho sản lượng bình quân 8 tấn khoai. Đây là sản lượng khá sau thời gian đầu anh loay hoay mày mò kỹ thuật trồng loại khoai này.
Trồng khoai sáp cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa |
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Cam Tân (Cam Lâm), nếu biết cách trồng, năng suất khoai có thể đạt đến 40 tấn/ha. Trồng khoai sáp cần phải có rơm, rạ, rác để ủ gốc, vừa giảm cỏ dại, êm đất, củ phát triển tốt. Trước đây, phong trào trồng khoai sáp ở Cam Tân phát triển rất mạnh nhưng sau đó do diện tích mía giảm, không có rác ủ khoai nên nhiều người bỏ trồng.
Phong trào trồng khoai sáp đang có cơ hội phát triển trở lại do giá nông sản có xu hướng tăng, hiện giá khoai sáp 9.000 - 10.000 đồng/kg, có lúc tăng đến 16.000 đồng/kg. Theo ông Trần Vy Long, Chủ tịch HND xã Cam Hòa, diện tích khoai sáp toàn xã 15 - 20ha, tập trung tại thôn Lập Định 2, 3, chuyển đổi từ đất lúa 2 vụ, hiệu quả kinh tế gấp 2 - 3 lần trồng lúa. Hiện xã đang khuyến khích bà con chuyển đổi đất lúa sang trồng khoai, tăng thu nhập. Vừa qua, HND xã phối hợp với HND tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) tiến hành khảo sát diện tích khoai sáp để có hướng đưa loại khoai này vào các siêu thị trong tỉnh thời gian tới. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với nông dân khi nông sản tìm được “đầu ra” ổn định. Tuy nhiên, các ngành chức năng cần quan tâm hướng dẫn kỹ thuật, cách nâng cao năng suất, sản lượng, hỗ trợ vốn giúp nông dân phát triển khoai sáp. Với các đối tác là các siêu thị, nhà hàng cũng cần có hợp đồng dài hạn, tránh tình trạng giá bấp bênh dẫn đến người dân không bán được.
Những tín hiệu đáng mừng từ cây khoai sáp đã khích lệ nhiều nơi đến tham quan, học tập. Theo HND xã Vạn Phú (Vạn Ninh), diện tích khoai sáp nơi này cũng bắt đầu phát triển đến 2ha, tập trung tại các chân ruộng 2 vụ lúa chuyển đổi. Đây là cây trồng có nhiều hiệu quả, đang được nông dân quan tâm. Thời gian tới, việc trồng khoai sáp sẽ được nhân rộng sau khi chủ động nguồn giống sẵn có. Đây cũng là tín hiệu tốt để nông dân đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng thay lúa, đem lại thu nhập cao.
QUANG VIÊN