3 năm qua, kể từ khi thành lập, tổ liên kết sản xuất mía giống Cam Thành Nam (Cam Ranh, Khánh Hòa) đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả như: vận động, hỗ trợ nông dân thay thế giống cũ bằng giống mới, góp phần phủ nhanh diện tích mía giống mới trên địa bàn;...
3 năm qua, kể từ khi thành lập, tổ liên kết sản xuất mía giống (TLK-SXMG) Cam Thành Nam (Cam Ranh, Khánh Hòa) đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả như: vận động, hỗ trợ nông dân thay thế giống cũ bằng giống mới, góp phần phủ nhanh diện tích mía giống mới trên địa bàn; đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm cho nông dân, giúp người trồng mía giảm bớt vất vả.
Những năm trước, trên địa bàn xã Cam Thành Nam, diện tích các giống mía mới rất hạn chế. Các giống mía cũ đã thoái hóa, nhiều sâu bệnh là nguyên nhân gây nên tình trạng hụt năng suất, mất chữ đường. Tuy biết được điều đó nhưng người trồng mía không biết làm gì để thay thế các giống mía cũ trong khi giống mía mới còn khan hiếm.
Trước tình trạng này, TLK-SXMG Cam Thành Nam ra đời, gồm 4 thành viên với trách nhiệm khá nặng, đó là làm sao trong một thời gian ngắn có thể đáp ứng nhu cầu đủ giống mới cho địa phương? Ông Nguyễn Văn Thao, tổ trưởng TLK cho biết: “Lúc đầu, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhu cầu thay thế giống cũ cao, tổ chưa thể đáp ứng ngay. Vụ đầu nhân các giống mới như DLM, R570, mía vẫn bị nhiễm sâu bệnh khiến người dân thiếu tin tưởng. Cả tổ dành 4ha để làm giống, bà con thích giống nào thì nhân giống đó. Giống nào cho kết quả khả quan, vụ tới sẽ tập trung nhân rộng, bên cạnh đó vẫn tiếp tục khảo nghiệm các giống mới. Các hình thức sinh hoạt của tổ được tiết giảm, thay vào đó là tăng cường trao đổi kinh nghiệm và hội thảo đầu bờ. Những giống mía nào xuất hiện sâu bệnh thì cả tổ cùng giải quyết. Nhờ vậy, tổ đã rút ra được nhiều kinh nghiệm hay và định hướng cho thị trường giống mía”.
Các giống mía mới nhanh chóng được nhân rộng nhờ có sự hỗ trợ của tổ liên kết. |
Sau vài vụ khảo nghiệm, tổ nhận thấy giống mía K88-200 tuy đòi hỏi đầu tư hơi cao nhưng có khả năng chống chịu được sâu bệnh và có nhiều tiềm năng về năng suất, được người trồng mía ưa chuộng nên tổ đã phát triển mạnh loại giống này. Đến nay, giống K88-200 đã phát triển đến 80% diện tích trồng mía của xã, cá biệt có diện tích đạt năng suất 150 tấn/ha. Sau K88-200, K88-95 cũng là giống có nhiều triển vọng, thậm chí còn tốt hơn K88-200. K88-95 có nhiều ưu thế như: vươn lóng tốt, cây to, không lông, năng suất cao. Đầu tư 1 sào mía làm giống K88-95 cho doanh thu 18 triệu đồng, trong đó chi phí chỉ hết 5 triệu đồng. Giống mía này hiện đáp ứng được 10% diện tích. Năm 2011, tổ phát triển loại giống Suphanburi hứa hẹn nhiều bất ngờ. Tổ có cách làm hay, ngoài 4 hộ chủ lực, tổ còn phát triển các hộ vệ tinh gồm 16 hộ, với diện tích hàng chục héc-ta. Bình quân giá bán một thiên mía giống (1.000 đọt) ra thị trường là 650.000 đồng thì bán cho các hộ vệ tinh chỉ 500.000 đồng.
Ngoài cung cấp mía giống cho bà con, TLK còn đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm không lấy lời. Tới vụ, TLK huy động công, xe, thu hoạch mía đưa tới Nhà máy Đường theo yêu cầu của chủ hộ. Hiện nay, diện tích bao tiêu là những hộ được TLK cung cấp giống. Niên vụ mía đường 2010 - 2011, tổ đã thu gom sản lượng trên diện tích 30ha. Tuy bao tiêu sản phẩm không tính lãi nhưng tổ cũng tính chi phí có lợi cho bà con. Ví dụ như thị trường hiện tính công lao động thu hoạch mía 100.000 đồng/người/ngày thì tổ chỉ tính 90.000 đồng, giảm chi phí cho người trồng mía thay vì phải trả cao hơn. TLK đã xây dựng được một đội chặt mía gồm 26 người, đội thu gom bốc xếp mía gồm 5 người. Chính vì vậy, tổ đã thu hút được người sản xuất mía đến đặt hàng. Thu nhập bình quân của thành viên trong TLK khoảng vài chục triệu đồng/hộ/năm.
Tuy hoạt động của TLK mang lại hiệu quả thiết thực nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, như: Nguồn vốn rất eo hẹp, chủ yếu dựa vào nội lực của từng thành viên; thủ tục vẫn còn nhiều vấn đề “chưa thông”. Đến nay, tổ vẫn chưa được chính quyền xác nhận hợp đồng liên kết, gây khó khăn cho tổ trong khi đi giao dịch. TLK sản xuất và tiêu thụ là một hình thức của kinh tế hợp tác, liên kết nhỏ gọn, năng động, đem lại hiệu quả thiết thực đối với đời sống của bà con nông dân, phù hợp với trình độ và liên kết của nông dân hiện nay, nên rất cần được khuyến khích, hỗ trợ phát triển.
H.A