Sử dụng loại phân bón hữu cơ vi sinh giúp cây trồng khỏe, ít sâu bệnh, ít đổ ngã, năng suất tăng, diệt mầm cỏ dại, xử lý ô nhiễm, cải tạo được đất phèn, mặn, chua, bạc màu…
Sử dụng loại phân bón hữu cơ vi sinh giúp cây trồng khỏe, ít sâu bệnh, ít đổ ngã, năng suất tăng, diệt mầm cỏ dại, xử lý ô nhiễm, cải tạo được đất phèn, mặn, chua, bạc màu… Đó là những gì người dân đúc kết qua 1 năm sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh do Liên hiệp Khoa học và công nghệ hóa học - KHCNHH - (Viện KHCN Việt Nam) sản xuất và triển khai trên cây lúa, cây kiệu và nhiều loại cây trồng khác trên địa bàn huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh.
Ông Nguyễn Tấn Dũng (phường Cam Phú, TP. Cam Ranh) là người đầu tiên đưa loại phân bón vi sinh về Cam Ranh và Cam Lâm. Ông Dũng cho biết, ông quen với Tiến sĩ Trần Đình Hồng - Phó Giám đốc Liên hiệp KHCNHH và được biết, Viện KHCN Việt Nam đã thực hiện đề tài phân hữu cơ vi sinh, được Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước nghiệm thu đánh giá xuất sắc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định công nhận phân bón vi sinh HN-2000 là sản phẩm kỹ thuật mới, được phép sản xuất và xuất khẩu. Hiện nay, đơn vị đã có dây chuyền sản xuất đặt tại Hà Nội và Bảo Lâm (Lâm Đồng). Biết được các loại phân vi sinh cũng như dịch men ủ này có thể bù đắp sự thiếu dinh dưỡng của nhiều loại cây trồng, đồng thời cải tạo được các loại đất bạc màu, đất phèn, mặn mà vùng đất Cam Ranh, Cam Lâm đang gặp phải nên ông mạnh dạn đề xuất nhà cung cấp thử nghiệm, không ngờ kết quả đem lại hơn cả mong đợi…
Theo ông Dũng, hiện nay, đơn vị cung cấp đưa về 4 loại sản phẩm gồm: HN-2000, Poly-H, Aminphôtphat và men vi sinh HN-2000. Đây là những loại phân bón vi sinh hữu cơ và dịch ủ vừa có năng lực cải tạo đất, phân giải hữu cơ, chất khoáng, làm tăng độ phì, làm tơi xốp đất, có hoạt tính sinh học đối kháng với sâu bệnh nhưng không độc hại cho người, vật nuôi và môi trường, vì vậy có thể dùng cho tất cả các loại cây trồng, dùng bón gốc, phun tưới cho mọi thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây. Sử dụng chế phẩm trên sẽ giảm thiểu được phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản. Tuy nhiên, đối với mỗi loại cây trồng và từng giai đoạn sinh trưởng khác nhau cần có công nghệ sử dụng thích hợp để tiết kiệm và đạt hiệu quả cao nhất.
Ủ phân từ dịch men vi sinh tăng cường phân bón hữu cơ cho cây trồng và cải tạo đất (ảnh trái) và một số chế phẩm vi sinh của Viện Khoa học công nghệ Việt Nam |
Điều đặc biệt là, sử dụng dịch men vi sinh HN-2000 có thể sản xuất được phân bón vi sinh tại chỗ, sử dụng nguồn phân, rác, rơm rạ, lá xoài, lá mía, bột cưa, trấu… vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, vừa làm sạch môi trường, giảm chi phí mua phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Người nhà của ông Lê Hương Điền (Cam Thành Bắc, Cam Lâm) cho biết, gia đình sử dụng các loại rác trong vườn, trấu, phân heo, bò và phối hợp dịch men vi sinh đã thành công trong việc chế tạo phân hữu cơ tại chỗ chỉ mất 60 ngày, toàn bộ đống phân đã hoai mục và có thể sử dụng ngay. Chi phí để mua dịch men vi sinh cho 1 tấn phân bón chỉ mất 120.000 đồng.
Khánh Hòa có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, đất đai dễ bị rửa trôi do thiên nhiên cũng như con người, vì vậy diện tích đất cần được cải tạo rất lớn. Nhiều vùng đã bị sa mạc hóa, nhất là các vùng cát ven biển. Việc sử dụng các loại phân vi sinh như thế này rất có ý nghĩa trong việc cải tạo đất và hỗ trợ cây trồng phát triển, do đó cần được phổ biến, nhân rộng.
Q.V