12:06, 22/06/2011

Phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa biển, đảo

Những năm gần đây, du lịch biển, đảo Khánh Hòa phát triển với tốc độ nhanh. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, hiện nay du lịch biển, đảo của Khánh Hòa mới chỉ mạnh về du lịch nghỉ dưỡng và thưởng ngoạn thắng cảnh biển, đảo…

Những năm gần đây, du lịch (DL) biển, đảo Khánh Hòa phát triển với tốc độ nhanh. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia DL, hiện nay DL biển, đảo của Khánh Hòa mới chỉ mạnh về DL nghỉ dưỡng và thưởng ngoạn thắng cảnh biển, đảo… Để DL phát triển bền vững, Khánh Hòa cần chú trọng hơn nữa đến việc phát huy giá trị văn hóa biển, đảo trong hoạt động DL.

Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 385km, với 200 hòn đảo lớn, nhỏ và nhiều vịnh biển đẹp bậc nhất cả nước như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh. Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn có nền văn hóa biển độc đáo như tục thờ cá Ông và lễ hội cầu ngư, các trò diễn xướng dân gian, văn hóa nghề yến sào… tất cả những yếu tố đó đã tạo cho Khánh Hòa có điều kiện rất thuận lợi để phát triển DL biển đảo. Những năm qua, DL biển - đảo của Khánh Hòa đã phát triển rất mạnh. Nhiều khu nghỉ dưỡng ven biển được xây dựng như Vinpearl Land, Diamonbay, Ana Mandara… đã tạo cho DL biển Khánh Hòa có “tiếng nói” có trọng lượng trong bức tranh chung về DL Việt Nam. Các bãi biển thiên nhiên tươi đẹp ngày càng thu hút đông đảo du khách, khiến nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở kinh doanh DL, bằng chứng là hiện nay ở Nha Trang - Khánh Hòa gần như có khá đầy đủ các thương hiệu khách sạn hàng đầu thế giới (Sheraton, Novotel, Marriot…). Các thắng cảnh, sản vật địa phương liên quan đến biển cũng được khai thác, góp phần giúp Nha Trang - Khánh Hòa trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Tour du lịch thăm đảo yến Hòn Nội (Nha Trang) đã kết hợp khai thác vẻ đẹp tự nhiên và văn hóa biển, đảo.

DL biển, đảo của Khánh Hòa đang có vị thế hàng đầu của cả nước là điều đáng tự hào. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay DL biển, đảo của Khánh Hòa mới chỉ mạnh về nghỉ dưỡng và thưởng ngoạn phong cảnh biển đảo, yếu tố văn hóa biển chưa được chú trọng khai thác. Hiện nay, Khánh Hòa vẫn chưa có những tour mang tính khám phá văn hóa biển, đảo như khám phá lễ hội cầu ngư, các trò diễn xướng dân gian... Những loại hình như DL cộng đồng, home stay chưa phát triển. Chính vì vậy, tại hội thảo “Văn hóa biển, đảo ở Khánh Hòa” được tổ chức dịp Festival biển 2011, nhiều chuyên gia DL đã đề nghị Khánh Hòa cần chú trọng phát huy giá trị văn hóa biển đảo vào trong hoạt động DL, bởi khách DL ngày càng quan tâm đến các sản phẩm DL văn hóa. “DL là hoạt động văn hóa của con người nói chung để thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi, tìm hiểu, khám phá và thẩm nhận những giá trị của xứ sở ngoài nơi cư trú của du khách. Nếu chúng ta tước bỏ những yếu tố văn hóa thì DL trở nên vô nghĩa…”, bà Phan Thanh Trúc - Trưởng phòng Quy hoạch Tài nguyên DL thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và DL (VH-TT-DL) bày tỏ.

Theo đó, các chuyên gia DL đề nghị bên cạnh việc tổ chức các tour DL ngắm cảnh biển đảo, cần có những tour khám phá văn hóa biển đảo như tham quan các lễ hội cầu ngư, lễ kỳ an, xem nghệ thuật trình diễn dân gian như múa bóng, hò bá trạo… Tiến sĩ Từ Thị Loan - Viện Văn hóa Nghệ thuật (bộ VH-TT-DL) đề xuất: “Hướng tới phát triển DL bền vững, Khánh Hòa cần có một cuộc tổng kiểm kê di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vùng duyên hải và hải đảo. Từ các tài nguyên văn hóa ấy, xây dựng các sản phẩm DL đa dạng, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu của du khách”. Theo Tiến sĩ Từ Thị Loan, để phát huy giá trị văn hóa biển đảo, ngành DL Khánh Hòa cần phối hợp các loại hình nghỉ dưỡng, hội nghị, thể thao mạo hiểm… với DL văn hóa để giới thiệu những nét đẹp ẩn chứa trong các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; chú trọng phát triển DL cộng đồng nhằm huy động tối đa sự tham gia của người dân địa phương, thúc đẩy ngành nghề truyền thống, kích thích người dân tham gia giữ gìn di sản.

Cùng chung ý tưởng phát triển DL cộng đồng, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ đào tạo (Bộ VH-TT-DL) đề xuất Khánh Hòa cần xây dựng các tour DL cộng đồng về các làng biển, bởi còn nhiều làng biển lưu giữ được văn hóa, tập tục rất độc đáo. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu, ngày nay khi đi DL ai cũng muốn tham gia các sự kiện tại điểm đến. Vì vậy, để thu hút du khách, khi tổ chức tour DL cần phải tạo điều kiện cho du khách tham gia các hoạt động của cộng đồng dân cư như chế biến hải sản, cùng ngư dân đánh bắt cá, câu mực, làm mành ốc… Hơn nữa, việc phát triển DL cộng đồng còn có ý nghĩa đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. “Di sản văn hóa nếu chỉ bảo tồn, đóng khung mà không đem ra sử dụng thì sẽ không phát huy được giá trị ẩn chứa bên trong. Chỉ khi các giá trị di sản văn hóa được khai thác, phát huy thì mới có cơ sở, điều kiện vật chất để bảo vệ chúng. Bên cạnh đó, việc phát huy tốt giá trị di sản còn giúp người dân nâng cao hiểu biết về di sản, tác động trực tiếp tới ý thức bảo vệ di sản của cộng đồng”, Tiến sĩ Lưu nói.

Trong sự phát triển DL biển, đảo của Khánh Hòa những năm qua đã có những cộng đồng dân cư phải di dời để nhường chỗ cho các khu resort. Vì vậy, không ít người dân đã “dị ứng” khi nghe nói đến các dự án DL. Chính vì vậy, các chuyên gia DL đề nghị trong việc phát triển DL, địa phương cần phải quan tâm đến cộng đồng dân cư nhiều hơn nữa, càng ít tác động đến đời sống văn hóa của người dân càng tốt. Ông Vũ Ngọc Xuân Ánh - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh đề nghị: “Trước khi tiến hành bất cứ dự án DL nào, các nhà chức trách và những bên liên quan cần ngồi lại để tìm hiểu về chính cộng đồng dân cư nơi diễn ra dự án. Có như thế, dự án mới tận dụng được hết những nguồn lực về tự nhiên, văn hóa tại địa phương. Nhờ đó, sản phẩm DL sẽ được phong phú hơn, độc đáo hơn và thu hút nhiều khách DL hơn” .

Tóm lại, để DL Khánh Hòa phát triển bền vững, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, cần phải gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển, đảo. Điều đó có nghĩa, chỉ khi cộng đồng dân cư tham gia hoạt động DL, có lợi ích từ DL thì hoạt động DL mới bền vững.

XUÂN THÀNH