Theo đánh giá của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong nửa đầu tháng 6, giá cả các mặt hàng thiết yếu nhìn chung giảm và ổn định so với cùng kỳ tháng 5-2011. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá dự báo, CPI tháng 6 có thể tăng ở mức 1,2% -1,4%.
Ảnh minh họa. |
Mặt hàng thóc gạo ổn định trên cả 2 miền Nam Bắc. Trong khi đó, giá gạo Thái Lan đã tăng trong nửa đầu tháng này do nhu cầu nhập khẩu gạo Thái Lan của các nước châu Phi và Trung Đông tăng. Giá chào bán gạo xuất khẩu và giá gạo trong nước của Việt Nam giảm do thu hoạch ở vụ đông xuân nên nguồn cung trong nước tăng, trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo từ Việt Nam không cao.
Vì Thái Lan và Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch mới với dự báo sản lượng sẽ tăng cao trong khi nhu cầu gạo thấp. Do đó, Cục Quản lý giá dự báo giá gạo sẽ giữ ổn định như hiện nay hoặc giảm.
Về thực phẩm tươi sống, so với nửa đầu tháng 5, giá các loại rau củ quả giảm nhẹ, giá các loại thịt ổn định. Riêng giá thịt lợn hơi tăng nhẹ mặc dù vẫn thấp hơn mức giá tháng 5-2011. Cục quản lý giá dự báo từ nay đến cuối tháng, giá các mặt hàng rau củ quả có xu hướng giảm nhẹ, giá các loại thịt có xu hướng ổn định.
Không tương đồng xu hướng với những mặt hàng thực phẩm thiết yếu kể trên, giá đường sau thời gian giảm do nguồn cung tăng, đến nay, bắt đầu có xu hướng tăng. Giá bán lẻ đường trong nước 15 ngày đầu tháng tương đối ổn định so với cùng kỳ tháng 5. Trong khi đó, giá đường thế giới tăng do nhu cầu tăng mạnh tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi khi mùa lễ hội của đạo Hồi đang đến gần. Nguồn cung đối với mặt hàng này bị thắt chặt và vụ mùa thu hoạch bắt đầu chậm khiến hoạt động XK đường tại các cảng của Brazil tiếp tục bị trì hoãn.
Trước những lo ngại về hoạt động xuất khẩu đường tại các cảng của Brazil vẫn tiếp tục bị trì hoãn, Cục Quản lý giá dự báo, giá đường từ nay đến cuối tháng sẽ tiếp tục tăng nhẹ cho đến khi hoạt động xuất khẩu mía đường của Brazil trở lại bình thường.
Phân Urê là mặt hàng đầu vào của ngành sản xuất cũng ở trong xu hướng tăng giá trong thời gian vừa qua. Tại thị trường trong nước, giá bán phân bón Urê ổn định so với cùng kỳ tháng 5. Xu hướng giá ổn định này được xác định là do thị trường phân bón trong nước 15 ngày đầu tháng 6 có diễn biến khá chậm. Lượng hàng tiêu thụ ở mức bình thường tuy nhiên, giá các mặt hàng phân bón vẫn tăng nhẹ do giá phân bón thế giới liên tục tăng cao trong những ngày gần đây.
Do đó, Cục Quản lý giá dự báo, trong nửa cuối tháng 6, giá phân bón trên thị trường thế giới có xu hướng tăng. Trong nước, mặc dù đã qua mùa vụ, nhu cầu giảm nhưng giá phân bón vẫn có xu hướng tăng nhẹ do ảnh hưởng của giá phân bón thế giới.
Khí hóa lỏng (LPG) cũng là thuộc nhóm mặt hàng chịu tác động tăng giá do diễn biến của giá thế giới. Tổng nhu cầu sử dụng LPG trong tháng 6-2011 dự kiến giữ ổn định như tháng 5-2011. Cụ thể, tổng nhu cầu LPG sử dụng cho sản xuất công nghiệp và dân dụng khoảng 90.000 tấn, trong đó, nguồn LPG sản xuất trong nước khoảng 52.500 tấn, phần còn lại là nguồn nhập khẩu 37.500 tấn.
Do thời tiết mùa hè nắng nóng, nhu cầu LPG ở một số nước châu Âu và Mỹ đã giảm. Các nước chịu ảnh hưởng bởi tình hình chính trị bất ổn ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Nhật Bản đã cân đối đủ nguồn thay thế và dự trữ... nên giá LPG nhập khẩu trên thị trường thế giới từ ngày 1-6-2011 là 890 USD/tấn, giảm 80 USD/tấn so với tháng 5-2011.
Được xác định trên cơ sở giá LPG nhập khẩu nên giá LPG thị trường trong nước cũng giảm ở mức tương ứng. 4/5 công ty kinh doanh LPG lớn làm đầu mối đã gửi đăng ký giảm giá bán lẻ về Bộ Tài chính với mức giảm giá so với tháng 5-2011 là khoảng 4%-7,7%.
Thị trường vật liệu xây dựng cũng ổn định ở mức cao. Đối với mặt hàng xi măng, theo Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam, trong 15 ngày đầu tháng, ước tổng sản lượng sản xuất đạt 653.000 tấn, giảm 132.000 tấn, mức tiêu thụ đạt 683.000 tấn, giảm 69.000 tấn so với cùng kỳ tháng trước.
Đối với mặt hàng thép xây dựng, mặc dù giá phôi thép và nhu cầu tiêu thụ thép trong nước giảm nhưng các nhà máy sản xuất kinh doanh thép vẫn giữ giá bán hiện hành và có các biện pháp hỗ trợ đại lý như tăng chiết khấu, hỗ trợ vốn, chi phí vận chuyển. Trên thị trường, giá bán lẻ thép giảm nhẹ khoảng 300-500 đồng/kg so với cùng kỳ tháng trước. Theo dự báo của Cục Quản lý giá, giá thép tại thị trường trong nước trong nửa cuối tháng 6 có xu hướng ổn định.
VnEconomy