Do khai thác quá mức, nuôi trồng không theo quy hoạch, tình trạng ô nhiễm môi trường đang đe dọa các hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản trong vịnh Nha Trang.
Do khai thác quá mức, nuôi trồng không theo quy hoạch, tình trạng ô nhiễm môi trường đang đe dọa các hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản trong vịnh Nha Trang. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có chỉ thị về việc nghiêm cấm các hình thức xả thải, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản (NTTS) trái phép trên vịnh Nha Trang để tập trung phát triển du lịch. Đây là việc làm cần thiết, không chỉ mang lại lợi ích cho hoạt động du lịch mà còn góp phần bảo tồn, quản lý tốt hoạt động khai thác, nuôi trồng trong vịnh Nha Trang
Hiện nay, TP. Nha Trang có 3.140 tàu thuyền đánh bắt thủy sản, sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 10.000 tấn, bằng 40% tổng sản lượng nguồn lợi trong vịnh. Tuy nhiên, tàu có công suất dưới 20CV có tới 1.246 chiếc, chiếm khoảng 40%; tàu có công suất trên 90CV chỉ được 471, chiếm 15%... nên đội tàu khai thác trong khu vực vịnh chiếm trên 2.000 chiếc. Chính vì thế, tình trạng khai thác quá mức nguồn lợi ven bờ là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, việc đánh bắt theo hướng hủy diệt bằng các nghề cấm như giã cào, chất nổ, xung điện… đã khiến nguồn lợi trong vịnh bị đe dọa nghiêm trọng. Ngoài ra, do sự phát triển của cảng biển, phát triển du lịch cùng việc phát triển thêm nhiều công cụ đánh bắt đón đầu các đàn cá di cư nên sản lượng đánh bắt trong khu vực vịnh giảm nhiều so với những năm trước.
Nuôi tôm hùm lồng trên vịnh Nha Trang, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. |
Những năm gần đây, chủ trương chung của tỉnh là quy hoạch vịnh Nha Trang chỉ dành riêng cho du lịch biển và các dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao trên biển. Nghiêm cấm các hình thức đánh bắt, NTTS và xả chất thải từ các lồng bè NTTS và các phương tiện hoạt động trên biển. Tuy nhiên, do công tác quản lý còn buông lỏng, tốc độ phát triển các lồng bè NTTS trong vịnh tăng đến chóng mặt. Qua khảo sát, trong khu vực vịnh có khoảng 367 hộ ngư dân NTTS với 9.347 ô lồng, tập trung chủ yếu ở các khu vực Hòn Miếu, Vũng Ngán, Bích Đầm, Đầm Bấy, Hòn Một… thuộc phường Vĩnh Nguyên. Các loài nuôi chính là tôm hùm, cá biển, ngọc trai… và một số loài đang được phát triển như tu hài, bào ngư, hải sâm, vẹm xanh… Tại thời điểm này, do dịch bệnh trên tôm hùm chưa được xử lý dứt điểm, người dân chỉ dám nuôi cầm chừng với công suất khoảng 50% số lồng hiện có, tương ứng với khoảng 4.600 ô lồng, trong đó cá biển chiếm khoảng 30% số ô lồng đang nuôi. Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Bảo tồn vịnh Nha Trang, mỗi ngày lượng rác thải của người dân sống trên các lồng bè NTTS thải trực tiếp ra môi trường biển khoảng 11 tấn (chưa kể lượng rác thải của các khu dân cư qua 2 cửa sông Cái và sông Quán Trường). Việc ô nhiễm môi trường biển từ thức ăn dư thừa của các hộ dân NTTS là vô cùng nghiêm trọng. Chính điều này đã và đang làm độ che phủ của rạn san hô ngày càng xấu đi, kết quả giám sát đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang cũng thể hiện sự nghèo nàn của các loài cá rạn, động vật không xương sống... Theo đánh giá của Viện Hải dương học, khu vực vịnh có khoảng 731ha với khoảng 350 loài san hô cứng. Từ nhiều năm qua, sự suy giảm diện tích san hô lên đến trên 31%. Nếu không bảo tồn, trong vòng 30 năm nữa, vịnh Nha Trang có thể không còn san hô sinh sống.
Trước thực tế đó, UBND tỉnh vừa có chỉ thị về việc nghiêm cấm các hình thức xả thải, đánh bắt, NTTS trái phép tại vùng vịnh Nha Trang. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu TP. Nha Trang chỉ đạo các xã, phường tổ chức tuyên truyền để người dân biết, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển, không thả chất thải xuống biển, tự giác tháo dỡ những lồng, bè và các loại bẫy đánh bắt thủy sản lắp đặt trái phép trên biển; không khai thác thủy sản gần bờ. Mặt khác, giao cho các ngành liên quan giải tỏa ngay các vật nổi trên mặt nước, các bẫy đánh bắt thủy sản ở bãi biển đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng và xung quanh các đảo; triển khai quy hoạch một số điểm NTTS kết hợp du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường biển tại một số đảo…
Trên thực tế, do nuôi trồng tự phát, tình trạng nuôi trồng ở một số vùng trong vịnh Nha Trang đang quá tải, mật độ nuôi quá dày, nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm nên tình trạng dịch bệnh trên tôm, cá thường xuyên xảy ra khiến nhiều hộ thua lỗ, thậm chí mất trắng. Chính vì thế, chủ trương quy hoạch lại; nghiêm cấm các hình thức xả thải, đánh bắt, NTTS trái phép trên vịnh Nha Trang là việc làm cần thiết. Việc này không chỉ mang lại lợi ích cho hoạt động du lịch, mà còn mang lại hiệu quả cho chính những người NTTS. Mặt khác, góp phần chấn chỉnh lại các hoạt động khai thác gần bờ, các tàu thuyền xuống vùng nước không được kiểm soát nhằm bảo tồn, quản lý tốt hoạt động khai thác quá mức trong vịnh Nha Trang. Tuy nhiên, làm sao để hài hòa giữa lợi ích của hàng trăm hộ dân, doanh nghiệp NTTS với phát triển du lịch là việc cần phải tính đến. Bởi hiện nay, một số bộ phận cư dân không nhỏ đang sinh kế trong khu vực vịnh lại gặp không ít khó khăn trong chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo…
VŨ CA