04:06, 15/06/2011

Festival Biển 2011: Đánh thức tình yêu biển, đảo

Chưa bao giờ, dấu ấn về biển, đảo lại sâu đậm đến vậy trong một kỳ kễ hội biển. Biển, đảo xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ trong những câu hát thiết tha ân tình cho đến những bức ảnh chân thực về cuộc sống của quân, dân trên quần đảo Trường Sa.

Chưa bao giờ, dấu ấn về biển, đảo lại sâu đậm đến vậy trong một kỳ kễ hội biển. Biển, đảo xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ trong những câu hát thiết tha ân tình cho đến những bức ảnh chân thực về cuộc sống của quân, dân trên quần đảo Trường Sa. Không chỉ có chuyện biển đảo hôm nay mà còn có chuyện biển đảo từ xưa với huyền tích đề đốc Lê Văn Đạt khai sinh nghề yến sào Khánh Hòa; là sự hiện diện của những thư tịch, văn bản triều Nguyễn liên quan đến việc thực thi chủ quyền ở 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa… Câu chuyện về biển - đảo, đặc biệt là Trường Sa càng đậm nét hơn khi ở Festival Biển 2011, những người Việt Nam hôm nay đã bày tỏ quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc bằng những “bước chân Trường Sa”.

Tiết mục “Nhớ đêm Trường Sa” trong lễ khai mạc Festival Biển 2011.
Những ngày Festival, TP. Nha Trang rực rỡ ánh đèn và sắc màu văn hóa. Không khí lễ hội tràn ngập phố phường và lan tỏa đến tận từng gia đình. Dường như, người dân Nha Trang - Khánh Hòa đã “thức” cùng Festival Biển, đã sống trong tình yêu với biển đảo quê hương.

. “Không xa đâu Trường Sa ơi…”

 
Trước khi khai mạc, Festival Biển 2011 đã được hâm “nóng” bởi hoạt động của Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam. Dường như, chưa bao người dân Nha Trang - Khánh Hòa nói riêng, người dân Việt Nam nói chung lại thấy biển, đảo quê hương gần gũi, thân thương đến vậy. Xuyên suốt thời gian Festival Biển 2011, người dân và du khách được “cận cảnh” với rất nhiều hoạt động hướng về biển, đảo. Khởi đầu, công trình bản đồ Trường Sa ghép bằng hạt cà phê thể hiện tấm lòng tri ân của người dân đất liền đến những người đang ngày đêm không quản khó khăn, hiểm nguy nơi biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Tiếp đó, Viện Hải dương học khai trương khu trưng bày hiện vật tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa, giới thiệu những tư liệu, hình ảnh, mẫu vật, sinh vật, địa chất… được phát hiện ở 2 quần đảo này để góp phần khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Gần gũi hơn, công chúng đã được “thăm” huyện đảo Trường Sa khi thưởng lãm những bức ảnh đầy tính chân thực thể hiện cảnh sinh hoạt bình dị của người dân và bộ đội ở quần đảo phía Đông Tổ quốc. Đó là hình ảnh chiến sĩ trồng rau trên đảo, cảnh huấn luyện chiến đấu, các em học sinh ở các xã đảo ê a học bài, niềm vui của lính đảo khi nhận thư nhà… Trong những ngày Festival, chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều khách du lịch lặng ngắm những bức ảnh về Trường Sa. Anh Thái Duy Anh - du khách đến từ Đà Nẵng chia sẻ: “Biển, đảo Trường Sa tưởng như xa mà thật gần. Đó là một phần cơ thể Việt Nam. Ở đó, có những người con đất Việt đang ngày đêm xây dựng, bảo vệ sự bình yên biển đảo, sự vẹn toàn của đất nước. Chúng ta có quyền hãnh diện, tự hào về họ. Thật ý nghĩa biết bao khi trong Festival Biển 2011, hình ảnh về biển, đảo, Trường Sa và những con người nơi đây được tôn vinh”. Vâng, Trường Sa tuy xa xôi mà gần gũi, bởi Trường Sa luôn có vị trí thiêng liêng trong trái tim người Việt mà mỗi khi nhắc đến, tự dưng trong mỗi người lại ngân nga câu hát “không xa đâu Trường Sa ơi…”.

Tiết mục múa về loài chim yến.
. Khát vọng biển xanh

Biển, đảo và Trường Sa càng trở nên gần hơn, yêu hơn với những chương trình biểu diễn nghệ thuật trong Festival Biển 2011. Nếu “Vũ điệu trên biển” đưa đến một không gian biển, đảo với những ca khúc trữ tình về biển thì lễ khai mạc có chủ đề “Khát vọng biển xanh” lại giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế những tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo Nha Trang - Khánh Hòa. Đó chính là nguồn lực quý giá để xứ Trầm, biển Yến vững bước đi lên với 3 “trụ cột” vịnh biển: Vân Phong - Nha Trang - Cam Ranh; là lễ hội đường phố sôi động, đặc sắc với sự xuất hiện rõ nét của những hình ảnh đặc trưng về biển như các loài sinh vật biển thể hiện cho sự trù phú của đại dương. Và, lần đầu tiên, một chương trình ca múa nhạc với chủ đề “Lung linh sắc biển” thể hiện những tiết mục về biển đảo do chính các nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ xuất thân từ Nha Trang - Khánh Hòa sáng tác, biểu diễn đã thực sự làm lay động trái tim mọi người. Những ca từ tha thiết, chan chứa lời yêu thương của các ca khúc như: Nơi đảo xa (Thế Song), Gần lắm Trường Sa (Hình Phước Long), Mãi mãi biển (Phó Đức Phương), Việt Nam (Mai Khôi)… qua phần thể hiện của các ca sĩ Anh Bằng, Thanh Thúy, Mai Khôi… khiến mọi người yêu hơn biển, đảo và Trường Sa.

Các chiến sĩ Hải quân ghép hạt cà phê lên công trình bản đồ Trường Sa ghép bằng hạt cà phê.
Bên cạnh vấn đề chủ quyền, người dân và du khách cũng quan tâm đến tiềm năng kinh tế biển, đảo, bởi như một chuyên gia kinh tế đã nói: “Ngày nay, chủ quyền biển, đảo không phải nói suông mà phải hiện hữu bằng việc làm chủ, khai thác lợi ích từ đó”. Trong xu hướng ấy, hoạt động nghệ thuật ở Festival như lễ hội đường phố, triển lãm điêu khắc cát… đều mang đậm dấu ấn “khát vọng biển xanh”. Trong những hoạt động mới mẻ ở Festival lần này, triển lãm điêu khắc cát để lại một dấu ấn lạ. Đến với triển lãm, công chúng không khỏi bất ngờ và thích thú với những tác phẩm như Ra biển (nhà điêu khắc Phạm Thu Nga), Bước chân Trường Sa (nhóm tác giả Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh), Hóa thạch biển Đông (họa sĩ Nguyễn Anh Vũ)… Những khối cát vô tri, qua ý tưởng và bàn tay “nhào nặn” của những người nghệ sĩ đã trở thành thông điệp về quyết tâm giữ gìn, bảo vệ biển, đảo quê hương. Việt Nam giàu có về biển, người Việt phải tiến ra biển, làm giàu từ biển…

. Dấu ấn yến sào

Tác phẩm điêu khắc cát “Bước chân Trường Sa”.
Cùng với dấu ấn về biển, đảo, Festival Biển 2011 cũng in dấu đậm nét về ngành nghề yến sào - một đặc sản từ biển đảo của xứ Trầm Hương. Nhiều du khách đến dự lễ hội biển lần này đã rất ngạc nhiên, thích thú khi nhìn thấy hình ảnh những chú chim yến khắp nơi trong thành phố. Trong những ngày lễ hội vừa qua, khu triển lãm của Công ty Yến sào Khánh Hòa luôn chật kín khách đến vui chơi, tìm hiểu về nghề yến sào. Nhiều du khách đã rất thích thú khi tham quan đền thờ bà chúa đảo Yến; mô hình hang yến cao 15m với hệ thống giàn giáo để khai thác tổ yến, tận mắt nhìn những tổ yến bám vào vách đá cheo leo và cả những tổ có chim non mới nở. Nhiều du khách đến đây không kìm nổi tò mò đã leo lên hệ thống giàn giáo để thử hái yến trên các trần hang. Anh Trần Khắc Dũng - khách du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Từ lâu, tôi đã biết tiếng của yến sào Khánh Hòa, cũng từng sử dụng các sản phẩm yến sào, nhưng tôi không biết người ta lấy yến sào như thế nào. Đến đây, nhìn cách thức khai thác yến sào tôi mới thấu hiểu sự gian khổ của nghề này”. Anh Dũng cũng như nhiều du khách rất “ngưỡng mộ” bởi nghề khai thác yến sào ở Khánh Hòa có lịch sử gần 700 năm.

Nhiều du khách nước ngoài cũng quan tâm đến yến sào. Ông Jacque Thomson (du khách người Pháp) bày tỏ: “Thật là ngạc nhiên khi biết vùng đất của các bạn có một loài chim biển rất đặc biệt. Tôi chưa bao giờ hình dung tổ chim lại là một loại sản vật quý có thể bồi bổ sức khỏe. Tôi đã ăn thử một chén súp yến sào, và cảm giác của nó thật tuyệt… Tôi hy vọng lần sau đến đây sẽ được nhìn thấy một bức tượng về loài chim yến”.

Festival lần này cũng ghi một dấu ấn lớn về một loạt hội thảo liên quan đến ngành nghề yến sào. Các hội thảo đã cho thấy khát vọng mở rộng ngành nghề yến sào của Công ty Yến sào Khánh Hòa. Điều quan trọng, nghề yến sào gắn chặt với biển đảo quê hương. Văn hóa yến sào cũng chính là văn hóa biển đảo; phát triển nghề yến sào cũng đồng nghĩa với phát triển kinh tế biển, làm chủ biển đảo. Tại hội thảo về lịch sử nghề yến, nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói: “Lịch sử lâu đời của nghề yến sào không chỉ có ý nghĩa với ngành nghề này, không chỉ làm gia tăng giá trị kinh tế mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của cha ông chúng ta từ xưa. Tôi rất vui khi thấy nghề yến sào Khánh Hòa ngày càng phát triển, lịch sử ngành nghề tiếp tục được gìn giữ và tôn vinh. Đó là điều hết sức quý giá không phải ngành nghề nào cũng giữ được”. Lần đầu tiên tổ chức trong một kỳ Festival Biển, lễ hội yến sào đã rất thành công.

Festival Biển 2011 sắp sửa khép lại, nhưng những ấn tượng về biển đảo vẫn còn để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng khi đến với ngày hội lớn của người dân Nha Trang - Khánh Hòa. Với rất nhiều hoạt động diễn ra một cách đậm đặc, chưa bao giờ Festival Biển mang ý nghĩa về biển đảo và Trường Sa rõ nét như vậy. “Qua Festival Biển 2011, thêm một lần quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phát triển kinh tế biển của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta được khẳng định”, ông Trương Đăng Tuyến - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban tổ chức Festival Biển 2011 chia sẻ.

XUÂN THÀNH - NHÂN TÂM