06:06, 28/06/2011

Gắn bó cùng người trồng mía

Vùng mía nguyên liệu của Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa trải dài trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắc Lắc, với diện tích mía nguyên liệu 7.000ha,....

Vùng mía nguyên liệu của Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa (NHS) trải dài trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắc Lắc, với diện tích mía nguyên liệu 7.000ha, cơ bản đủ nguyên liệu cho nhà máy có công suất 3.000 tấn/ngày hoạt động. Để phát triển ổn định, Công ty không ngừng quan tâm đầu tư xây dựng phát triển vùng nguyên liệu, gắn bó cùng nông dân trồng mía.

Vừa qua, chúng tôi có dịp đến các vùng nguyên liêu liệu mía trên địa bàn tỉnh và được nhiều nông dân ở đây cho biết, niên vụ mía 2010 - 2011 tiếp tục là một niên vụ mía được mùa, được giá đối với nông dân. anh Tống Viết Thêm ở thôn Tân Sơn (xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa) nói: “Năm nay, giá mía nguyên liệu được các nhà máy đường thu mua cao hơn niên vụ trước đến 30%, nông dân lãi khá cao. Bây giờ, nông dân trồng mía rất thuận lợi, được nhà máy đầu tư vốn, kỹ thuật, khi thu hoạch nhà máy có chính sách bảo hiểm chữ đường, khuyến khích người trồng mía nên nông dân rất yên tâm. Như gia đình tôi có 2ha mía gốc, thu hoạch được 100 tấn, trừ chi phí cũng lãi vài chục triệu đồng”.   

  

Niên vụ mía 2010 - 2011, nông dân rất yên tâm khi bán mía cho Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa (Trong ảnh: Khoan lấy chữ đường trước khi nhập mía nguyên liệu).
Ông Thái Tiến Dũng - Trưởng phòng Nguyên liệu NHS cho biết: “Niên vụ 2010 - 2011, vùng nguyên liệu của Công ty được mở rộng lên 6.800ha, tăng 1.000ha so với vụ trước, công ty đã nâng công suất nhà máy từ 2.400 tấn mía/ngày vụ trước lên 3.000 tấn mía/ngày trong niên vụ này nhằm rút ngắn thời vụ thu hoạch mía cho người nông dân xuống dưới 100 ngày. Việc rút ngắn thời gian thu hoạch mía vừa đảm bảo năng suất, chữ đường trong mía của người nông dân không bị ảnh hưởng vừa đảm bảo cho vụ mía sau phát triển tốt. Niên vụ mía năm nay, bên cạnh yếu tố thời tiết thuận lợi, Công ty đã đầu tư cho người nông dân gần 92 tỷ đồng để phát triển vùng nguyên liệu mà không tính lãi, nhờ vậy năng suất mía niên vụ này đạt 52,87tấn/ha, tăng gần 30% so với niên vụ trước; sản lượng mía nguyên liệu đạt đạt hơn 398 nghìn tấn, tăng khoảng 60%, chữ đường bình quân đạt 10,80 CCS, sản xuất được hơn 39.000 tấn đường…” .

   Niên vụ 2011 - 2012, NHS dự kiến sẽ mở rộng vùng nguyên liệu lên 8.000ha, sản lượng mía ước đạt khoảng 400 nghìn tấn; Công ty tiếp tục nâng công suất nhà máy lên 3.500 tấn mía/ngày nhằm hoàn thành vụ ép từ 100 - 110 ngày. Dự kiến, niên vụ 2011 - 2012, Công ty sẽ đầu tư khoảng 130 tỷ đồng cho 6.800ha mía nguyên liệu, trong đó có 4.300ha tại Khánh Hòa và 2.500ha tại Đắc Lắc. Số vốn này sẽ được ứng cho nông dân để đầu tư thâm canh, tăng năng suất... Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Công ty còn đầu tư xây dựng trạm giống chất lượng cao có quy mô khoảng 25ha với tổng mức đầu tư hơn 6 tỷ đồng, xây dựng nhà máy phân bón NPK công suất 25 ngìn tấn/năm để đầu tư tăng năng suất cây mía trong vùng nguyên liệu.

Để nông dân yên tâm gắn bó với Công ty, NHS còn có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân, theo anh Tống Viết Thêm: “Nông dân trồng mía như chúng tôi được HNS hỗ trợ 60% lãi suất đầu tư; hỗ trợ tiền hoàn thành hợp đồng 20 nghìn đồng/1 tấn mía thực nhập; hỗ trợ 15 nghìn đồng/1 tấn mía thực nhập cho những nông dân bán mía 6 năm liên tục cho công ty; các chương trình khuyến nông như: hỗ trợ vốn cho nông dân đầu tư mua máy cày không tính lãi, hoàn vốn  trong 3 năm, hỗ trợ 30% lãi suất cho nông dân mua xe vận chuyển mía, hỗ trợ chi phí làm đường vận chuyển mía... Nhờ những chính sách này, người dân trồng mía rất yên tâm khi bán mía cho Công ty”.

Nhờ tăng cường đầu tư, vùng nguyên liệu của NHS ngày càng ổn định và phát triển. Đến nay, đã có 16 xã với hơn 2.500 hộ trồng mía đồng hành cùng NHS trong phát triển vùng mía nguyên liệu, diện tích mía nguyên liệu không ngừng được mở rộng những năm qua, từ với 1.500ha năm 2006 lên 7.000ha như hiện nay, năng suất cũng tăng từ 32 tấn/ha lên gần 53 tấn/ha. Những năm trước khó khăn của người trồng mía thường là giá cả không ổn định, đầu ra bấp bênh, cuối vụ thường xảy ra tình trạng tồn đọng, gây thiệt hại đáng kể cho người trồng mía. Nhà nông dân thường rơi vào cảnh mía được mùa rớt giá. Nhưng với sự dầu tư phát triển vùng nguyên liệu cũng như chính sách thu mua mía nguyên liệu của NHS như hiện nay, nông dân trong vùng nguyên liệu mía của Công ty rất yên tâm khi bán mía cho Công ty. Có thể nói, việc liên kết, gắn bó cùng phát triển giữa NHS và nông dân là một tín hiệu tích cực; không chỉ giúp Công ty ổn định vùng nguyên liệu, qua đó ổn định trong sản xuất của mình mà còn mang lại sự yên tâm sản xuất đối với nông dân trồng mía.

BÍCH LA