06:09, 13/09/2009

Việt Nam đứng thứ 93/183 thuận lợi trong kinh doanh

Sáng ngày 9-9, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) công bố Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2010, theo đó, Việt Nam đứng thứ 93 trong bảng xếp hạng năm nay...

Một nhà đầu tư nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa

Sáng ngày 9-9, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) công bố Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2010, theo đó, Việt Nam đứng thứ 93 trong bảng xếp hạng năm nay, không thay đổi nhiều so với thứ hạng 91 của năm ngoái.

Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2010 với chủ đề “Cải cách qua thời kỳ khó khăn” cho thấy, 17/24 nền kinh tế ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã cải cách để ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong đó, ba nền kinh tế khác của khu vực, theo thứ tự là Singapore, New Zealand và Hong Kong (Trung Quốc) là các nền kinh tế đi đầu toàn cầu trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Singapore, quốc gia luôn kiên trì cải cách, là nền kinh tế dẫn đầu bảng xếp hạng các môi trường kinh doanh thuận lợi toàn cầu lần thứ 4 liên tục, còn New Zealand ở vị trí số hai. Trung Quốc đã giúp các hoạt động kinh doanh thương mại của các công ty trong nước dễ dàng hơn bằng cách giảm nhẹ các quy định về tín dụng thương mại.

Indonesia trở thành quốc gia cải cách tích cực nhất trong khu vực trong năm nay, khi chuyển từ vị trí 129 lên 122 trong bảng xếp hạng các môi trường kinh doanh thuận lợi toàn cầu. Thái Lan đã đơn giản hóa các thủ tục thành lập doanh nghiệp và nhờ thế đứng ở vị trí thứ 12 trong bảng xếp hạng toàn cầu. Các quốc đảo Thái Bình dương cũng tiếp tục công cuộc cải cách. Fiji, Papua Tân Guinea, Samoa, Tonga và Vanuatu đã có những cải cách trong những lĩnh vực như thành lập doanh nghiệp, cấp tín dụng, nộp thuế và thực thi hợp đồng.

Và cùng với hầu hết các nền kinh tế ở khu vực, Việt Nam đã cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2008 - 2009 nhằm cải thiện quy định về kinh doanh và tạo thêm cơ hội cho các công ty trong nước.

Theo báo cáo, Việt Nam đã cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 28% xuống còn 25% và loại bỏ thuế thu nhập bổ sung đối với hoạt động chuyển nhượng đất đai. Việt Nam cũng áp dụng một luật thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng mới.

Ngoài ra, gia tăng cạnh tranh trong ngành công nghiệp hậu cần và việc áp dụng các thủ tục hải quan mới - nằm trong khuôn khổ chương trình cải cách thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - cũng góp phần giảm bớt chậm trễ trong hoạt động thương mại quốc tế.

Do đó, xét về tổng thể, Việt Nam đứng thứ 93 trong bảng xếp hạng năm nay, không thay đổi nhiều so với thứ hạng 91 của năm ngoái.

Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2010 - Cải cách qua thời kỳ khó khăn - là ấn phẩm thứ bảy trong chuỗi báo cáo thường niên do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố.

Báo cáo Môi trường Kinh doanh đã xếp hạng 183 nền kinh tế dựa trên 10 nhóm quy định kinh doanh; tính toán thời gian và chi phí mà một doanh nghiệp trong nước phải bỏ ra để đáp ứng được các quy định kinh doanh như thành lập và vận hành doanh nghiệp, giao dịch thương mại quốc tế, nộp thuế, giải thể doanh nghiệp…

Bởi “các quy định về kinh doanh có thể ảnh hưởng tới mức độ chống chọi của các công ty vừa và nhỏ với cuộc khủng hoảng, cũng như khả năng nắm bắt cơ hội của họ khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi.

Chất lượng của các quy định kinh doanh là yếu tố quyết định việc các công ty sẽ vượt qua thời kỳ khó khăn như thế nào, các doanh nghiệp trong nước sẽ bắt đầu lại hoạt động đầu tư mau lẹ ra sao và các doanh nghiệp mới sẽ được thành lập nhanh chóng hay không”, bà Penelope Brook - Quyền Phó Chủ tịch phụ trách Phát triển Khu vực Kinh tế Tư nhân và Tài chính của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết.

Tuy nhiên, báo cáo không tiến hành đánh giá mọi mặt của môi trường kinh doanh có ảnh hưởng tới các công ty và các nhà đầu tư. Ví dụ như, báo cáo không đánh giá về mức độ an ninh, ổn định kinh tế vĩ mô, tham nhũng, trình độ lực lượng lao động, hay sự vững chắc của hệ thống tài chính.

Theo Dân trí