10:09, 04/09/2009

Hiệu quả từ mô hình trồng nấm

Do thu nhập từ một số loại nông sản như: cà phê, hồ tiêu, chuối, bắp… rất thấp nên nhiều bà con ở Khánh Sơn đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng, chôm chôm...

Anh Vân - người đầu tiên mạnh dạn bỏ vốn trồng nấm ở Khánh Sơn.

Do thu nhập từ một số loại nông sản như: cà phê, hồ tiêu, chuối, bắp… rất thấp nên nhiều bà con ở Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng, chôm chôm, mía tím. Đặc biệt, 2 năm nay, một số bà con đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng nấm - mô hình kinh tế còn mới mẻ ở Khánh Sơn nhưng đem lại hiệu quả cao.

Năm 2007, được sự khuyến khích của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Sơn (NN-PTNT), một số bà con đã bỏ vốn đầu tư trồng nấm. Người đi đầu trong phong trào này là anh Nguyễn Hùng Vân (thôn Mao O, xã Sơn Trung). Anh Vân đến với nghề trồng nấm cũng rất “duyên”ø. Dịp vào công tác ở TP. Hồ Chí Minh, tình cờ anh nghe được thông tin trồng nấm trên truyền hình. Nghĩ bà con huyện Khánh Sơn đời sống còn rất khó khăn, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám quanh năm, anh nhận định, đưa cây nấm vào trồng ở vùng đất Khánh Sơn có thể sẽ phù hợp. Với suy nghĩ phải tìm cách làm kinh tế cho gia đình mình và giúp đỡ bà con vươn lên làm giàu từ cây nấm, anh quyết định dốc hết vốn liếng để thực hiện. Anh Vân cho biết: “Cái khó nhất của trồng nấm là phải có nhiều vốn, có thị trường, đặc biệt là phải tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình sản xuất nấm ở các địa phương khác. Ngoài ra, còn phải nắm bắt các thông tin về trồng nấm thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng”.

Anh Vân cho biết: Anh đã mất 3 năm tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm làm nấm ở TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, tham gia Câu lạc bộ Mushworld của Hàn Quốc, được sự truyền đạt của nhiều chuyên gia về trồng nấm. Ngoài ra, anh còn bỏ nhiều thời gian để tham quan các trại nấm lớn ở Củ Chi, Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh); trại nấm ở làng Đất Đỏ (Vũng Tàu). Anh cho biết: “Trồng nấm đòi hỏi phải có vốn, dù quy mô sản xuất nhỏ hay lớn. Với một mô hình trồng nấm trung bình, số vốn bỏ ra ít nhất cũng khoảng 700 triệu đồng để mua đất đai, làm nhà trồng, nhà ủ, sân phơi, lò tiệt trùng, máy đóng gói, tiền thuê công nhân… Trồng nấm đòi hỏi phải kiên trì, phải nếm trải cả thất bại mới hy vọng thành công”.

Cây nấm từ khi trồng đến khi thu hoạch là một công đoạn không hề đơn giản, nhưng trái lại, hiệu quả của nó mang lại rất cao. Thậm chí, nhiều bà con đã trở nên giàu có từ việc trồng nấm. Điển hình, gia đình anh Nguyễn Hữu Đức (thôn Mao O, xã Sơn Trung). Trước đây, anh Đức chủ yếu trồng mía, cà phê, cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gà… nhưng thu nhập thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều năm bỏ công sức, thời gian tìm hiểu về cây nấm, hiện nay, mô hình trồng nấm của anh đã cho thu hoạch. Mỗi tháng, anh thu nhập hơn 6 triệu đồng (mới ở giai đoạn đầu). Anh cho biết, chỉ ít tháng nữa, thu nhập của anh từ trồng nấm sau khi đã trừ chi phí phải lên đến hơn 20 triệu đồng/tháng. Còn anh Vân, năm đầu tiên trồng nấm bị thất bại, năm thứ 2 vừa đủ vốn. Anh tâm sự, chỉ  2, 3 năm nữa, vườn nấm của anh sẽ cho thu nhập mỗi năm từ 900 triệu đến 1 tỉ đồng. Bình quân 1kg nấm mèo có giá bán 40 đến 50 ngàn đồng, nấm bào ngư Nhật có giá 20 ngàn đồng, nấm trắng có giá 10 - 12 ngàn đồng. Hiện nay, nấm ở Khánh Sơn mới chỉ tiêu thụ trong tỉnh. Tuy nhiên, anh Vân cho biết, đầu ra của cây nấm không khó. Sắp tới, chính quyền địa phương sẽ có những chính sách hợp lý để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hiện nay, mô hình trồng nấm ở Khánh Sơn đang trong giai đoạn thử nghiệm, vẫn còn ít hộ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng nấm, do trồng nấm đòi hỏi nhiều vốn, kinh nghiệm và kiến thức. Trong khi đó, đa số bà con ở đây là người dân tộc thiểu số, trình độ tiếp thu khoa học kỹ thuật còn hạn chế và đời sống còn nghèo. Ở các địa phương khác trong huyện như: Sơn Bình, Sơn Lâm, Sơn Hiệp, Ba Cụm Bắc, Thành Sơn…, cây nấm vẫn còn là một loại cây trồng mới lạ với nhiều người nên rất ít hộ gia đình mạnh dạn trồng nấm. Nếu có thì quy mô, diện tích trồng cũng rất nhỏ. Vì vậy, việc trồng nấm ở Khánh Sơn chưa phổ biến. Ông Nguyễn Trọng Lâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang bắt đầu đưa vào trồng thử nghiệm cây nấm. Chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện mở các lớp tập huấn về trồng nấm cho  bà con, hỗ trợ và cho bà con vay vốn để trồng nấm. Sau 2 năm thử nghiệm, tuy số lượng bà con trồng nấm rất ít, nhưng hiệu quả và thu nhập từ cây nấm mang lại khá cao. Địa phương đang đầu tư công nghệ, vốn (nhất là cho những hộ gia đình nghèo), khuyến khích người dân trồng nấm để xóa đói giảm nghèo.

Cây nấm chỉ mới đưa vào trồng thử nghiệm ở Khánh Sơn, nhưng hiệu quả bước đầu đem lại rất khả quan. Nhiều hộ gia đình đã bắt đầu thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây nấm. Nhưng để thành công với mô hình này, anh Vân có lời khuyên với bà con: “Làm nấm rất dễ, nhưng chưa biết gì về cây nấm thì phải thận trọng khi đầu tư”.

ĐINH TIẾN GIANG