06:09, 13/09/2009

Bước ngoặt trong bảo quản nông sản tại Khánh Hòa

Sau 3 tháng triển khai thực hiện, đề án sản xuất silô chứa và bảo quản nông sản của Công ty Cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang đã hoàn thành với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng...

Silô chứa được 1.000 tấn nông sản.

Sau 3 tháng triển khai thực hiện, đề án sản xuất silô chứa và bảo quản nông sản của Công ty Cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang đã hoàn thành với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng; trong đó nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 100 triệu đồng. Silô có sức chứa hơn 1.000 tấn nông sản. Đây là bước ngoặt mới để bảo quản nông sản sau thu hoạch.

Hiện nay, việc lưu trữ và bảo quản nông sản thường được thực hiện trong các nhà kho, nhà chứa, đòi hỏi phải có mặt bằng để xây dựng; nhà kho cần kiên cố với hệ thống điều hòa, thông gió. Như vậy, công tác đầu tư ban đầu sẽ rất lớn. Ngoài ra, khi không còn nhu cầu sử dụng làm kho chứa, các doanh nghiệp chế biến nông sản buộc phải phá bỏ kho chứa, gây lãng phí. Mặt khác, việc lưu trữ, bảo quản nông sản trong nhà kho sẽ sử dụng nhiều lao động thủ công, không thuận lợi trong áp dụng các công nghệ điều hòa hoặc sấy bảo quản.

Xuất phát từ thực tế trên và từ chủ trương, chính sách của Nhà nước về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, Công ty Cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang đã mạnh dạn đầu tư thiết bị công nghệ để sản xuất silô chứa và bảo quản nông sản. Sau 3 tháng triển khai (từ tháng 7 đến 9-2009), dự án đầu tư sản xuất silô chứa và bảo quản nông sản của Công ty đã hoàn thành, với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng; trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 100 triệu đồng. Silô có sức chứa hơn 1.000 tấn nông sản. Đây là doanh nghiệp cơ khí đầu tiên ở Khánh Hòa đầu tư sản xuất silô loại lớn (được làm bằng thép tráng kẽm).

Để sản xuất được silô loại lớn, Công ty phải sử dụng các thiết bị như: máy cắt thép tấm thủy lực; máy chấn thép tấm thủy lực KPRAS; máy gấp thép tấm khí nén KPRAS; máy cán tole sóng tròn; máy uốn cong tole sóng tròn… Ngoài sức chứa lớn, silô còn tiết kiệm diện tích chứa nông sản, giảm chi phí nhân công, lại không cần kho chứa. Do có kết cấu kín nên silô ngăn được chuột, sâu bọ vào phá hoại nông sản, đồng thời bảo quản được nông sản nhờ hệ thống quạt sấy. Để vận hành hoạt động (cấp hạt vào bồn, chuyển hạt ra khỏi bồn), ngoài cơ cấu tháo hạt ở đáy bồn, silô được trang bị thêm một số thiết bị phụ trợ như: Gầu tải nạp liệu GT-400; xích tải chuyển liệu vào silô BTX-350; gầu tải chuyển hạt ra ngoài sau vít tải tháo liệu… Hiện nay, khách hàng mua silô chủ yếu là những đơn vị kinh doanh chế biến nông sản dạng hạt (lúa, gạo, bắp, mì, đậu xanh…). Theo tính toán, doanh thu bình quân từ sản phẩm silô chứa và bảo quản nông sản đạt hơn 4,3 tỷ đồng/năm.

Đề án sản xuất silô chứa và bảo quản nông sản đi vào hoạt động đã mang lại hiệu quả, thiết thực áp dụng thiết bị công nghiệp vào phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời, giải quyết việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho 20 - 25 lao động địa phương; giảm chi phí cho các đơn vị kinh doanh, chế biến nông sản. Việc đầu tư sản xuất silô không chỉ giải quyết tình trạng thiếu hụt về kho chứa mà còn mang lại nhiều lợi điểm như: khả năng tồn trữ lớn; dễ dàng tháo lắp, chuyển dời vị trí khi cần thiết; giảm chi phí lao động thủ công; bảo đảm được các yêu cầu về bảo quản, chất lượng sản phẩm - điều mà các nhà kho chưa giải quyết được.

Ông Cao Duy Vinh - Giám đốc Hành chính và Đầu tư Công ty Cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang chia sẻ: “Đối với Công ty, chương trình khuyến công không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp về vốn đầu tư phát triển sản phẩm mới mà còn là cầu nối giữa doanh nghiệp với địa phương, tạo thêm khách hàng mới, môi trường mới

trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trước đây, doanh nghiệp chỉ sản xuất sản phẩm phục vụ cho chế biến cà phê, rất ít sản phẩm phục vụ cho nông sản tại địa phương, còn bây giờ, doanh nghiệp có cơ hội nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng của địa phương”.

Theo ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công thương, sản phẩm silô ra đời là cố gắng lớn của doanh nghiệp giúp đổi mới công nghệ sản xuất nông nghiệp, làm tăng giá trị cho nông phẩm. Kết quả này cũng giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tiếp cận mô hình để đầu tư sản xuất, góp phần xây dựng công nghiệp nông thôn ngày càng phát triển. 

CẨM VÂN