Nhiều năm nay, nông dân cứ thấy trồng cây gì, nuôi con gì có giá cao là đổ xô vay tiền, mở rộng quy mô sản xuất mà không tính đến...
Trang trại của anh Võ Đình Dân - một trong 8 trang trại nuôi gà của tổ liên kết. |
Nhiều năm nay, nông dân cứ thấy trồng cây gì, nuôi con gì có giá cao là đổ xô vay tiền, mở rộng quy mô sản xuất mà không tính đến nhu cầu thị trường, nhất là trong chăn nuôi. Còn doanh nghiệp (DN) lúc thiếu nguyên liệu lại xoay xở với người nuôi, lúc cung vượt cầu thì ép giá, làm cho nông phẩm luôn trong tình trạng bấp bênh, thiếu ổn định; cả người chăn nuôi, DN và người tiêu dùng đều bị động, thiệt thòi. Mô hình mới ở xã Diên Lộc (Diên Khánh) đã tìm tòi hướng đi mới.
Mô hình tổ liên kết chăn nuôi xã Diên Lộc được thành lập hơn 1 năm, từ chăn nuôi quy mô nhỏ vài ba ngàn con gà, nay đã phát triển lên 8 trang trại, bình quân 7.000 con/trang trại. Anh Võ Đình Dân, một trong 8 chủ trang trại ở xã Diên Lộc vừa cho xuất chuồng lứa thứ 2 trên 4.500 con gà cho biết, mỗi năm anh xuất chuồng 4 lứa, mỗi lứa từ 4.000 - 5.000 con, trọng lượng bình quân 2,5kg/con, trừ chi phí còn lãi 50 - 70 triệu đồng. Kết quả chăn nuôi phát triển, lợi nhuận cao được người chăn nuôi lý giải là do các chủ trại chăn nuôi liên kết với nhau nên có điều kiện hỗ trợ lẫn nhau, nhất là vốn, kỹ thuật và tự lo đầu ra của sản phẩm. Không như trước đây, giữa DN và người chăn nuôi chưa có tiếng nói chung nên giá cả bấp bênh, thị trường tiêu thụ không ổn định, có những thời điểm khó khăn, lại bị tư thương ép giá nên người chăn nuôi phải chịu thiệt thòi. Nhưng từ khi các hộ chăn nuôi liên kết với nhau, làm ăn đã có lãi. Theo anh Đặng Ngọc Sơn, Tổ trưởng tổ liên kết chăn nuôi, trong thời điểm hiện nay, DN và người chăn nuôi còn chưa tin tưởng nhau. Hiện nay, các chủ trang trại ở Diên Lộc tự liên kết với nhau để lo từ khâu con giống, đến chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm, trong khi DN vẫn đứng ngoài cuộc. Anh Sơn cho biết: “Trong tình hình kinh tế khủng hoảng, chúng tôi mong muốn được liên kết với các DN để tìm đầu ra tốt cho sản phẩm”. Khó khăn hiện nay, theo anh Sơn, là con giống phải mua từ công ty nước ngoài đặt tại tỉnh Long An, giá thức ăn tăng cao, trong khi đầu ra không ổn định, sản phẩm của nông dân hiện mới tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh, chưa vươn ra được ngoài tỉnh. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các tổ liên kết đào tạo kỹ thuật, cán bộ thị trường, biết tự lo quảng bá thương hiệu, xúc tiến tìm thị trường cho sản phẩm chăn nuôi của mình. Nếu mô hình liên kết nhà nông và nhà DN không thành công thì hãy tạo điều kiện để chính những nhà nông liên kết với nhau tự lo cho chính mình.
THÁI HỒNG QUANG