Thực hiện dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chăn nuôi heo đen, thời gian qua, Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn...
Thực hiện dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo chăn nuôi heo đen, thời gian qua, Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn (HTX-PTNT) đã triển khai dự án tại xã miền núi Sơn Tân (huyện Cam Lâm). Kết quả bước đầu rất khả quan. Đây là tiền đề quan trọng giúp đồng bào DTTS hình thành thói quen chăn nuôi mới.
° Kết quả bước đầu
Mục tiêu của dự án hỗ trợ đồng bào DTTS nghèo chăn nuôi heo đen là từng bước nâng cao kỹ năng và phát triển nghề chăn nuôi, cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS tại xã miền núi Sơn Tân. Dự án nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo thực hiện theo Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 8-7-2005 của Thủ tướng Chính phủ. Chi cục HTAX-PTNT (đơn vị chủ dự án) đã chọn 30 hộ thuộc 2 thôn Va Ly và Suối Cốc (xã Sơn Tân) thực hiện dự án. Chi cục đã tổ chức 2 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi heo đen, cung cấp các nội dung liên quan về đặc tính sinh học của heo đen; xây dựng và vệ sinh chuồng trại; cách thức xác định khẩu phần và chế biến thức ăn; cách chăm sóc, phát hiện và phòng trị một số bệnh thông thường cho heo đen… Chi cục cũng tiến hành cung cấp heo giống (4 con/hộ) lấy từ trại giống huyện Sông Hinh (Phú Yên), vận động bà con xây dựng chuồng trại bằng vật liệu được cung cấp, cung cấp cám thực phẩm và tổ chức theo dõi thực hiện mô hình.
Sau 9 tháng nuôi, mô hình bước đầu đã thành công. Tổng đàn heo còn lại 76 con (lúc cung cấp giống là 120 con), trọng lượng bình quân đạt 30 - 35kg/con. Quan trọng hơn, đàn heo đã có 3 nái đẻ với 15 heo con. Đây sẽ là nguồn cung cấp heo giống tại chỗ cho bà con phát triển nghề nuôi heo đen trong thời gian tới. Theo Chi cục HTX-PTNT, mô hình này sẽ góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả cho bà con DTTS so với nhiều dự án nuôi heo đen trước kia. Dự án còn bước đầu hình thành thói quen chăn nuôi mới cho bà con DTTS. Nhiều bà con đã có ý thức hơn trong việc nuôi heo đen theo phương pháp nhốt thay cho thả rông.
° Cần hình thành thói quen
Lâu nay, tập quán chăn nuôi heo của bà con DTTS là thả rông, bởi bà con suy nghĩ đơn giản là nuôi thả rông giúp vật nuôi tự tìm kiếm thức ăn, người nuôi đỡ vất vả. Chăn nuôi thả rông là kiểu chăn nuôi truyền thống, đến nay vẫn phổ biến tại nhiều vùng của đồng bào DTTS. Chăn nuôi thả rông phù hợp với trình độ sản xuất thấp; chế biến, sử dụng thức ăn đơn giản, chất lượng kém. Chăn nuôi thả rông sẽ làm giảm hiệu quả chăn nuôi; vật nuôi gầy còm, dễ mắc bệnh, đồng thời còn ảnh hưởng đến nhiều hoạt động sản xuất khác như: vật nuôi phá hoại hoa màu. Đó là chưa kể, nguồn thực phẩm cung cấp từ chăn nuôi không bảo đảm chất lượng vệ sinh thú y, nhiễm giun sán và nhiều bệnh truyền nhiễm khác…
Chị Mang Thị Loan (thôn Suối Cốc) - một hộ thực hiện dự án cho biết, nuôi heo đen theo mô hình của dự án đã giúp cho chị có thói quen nuôi nhốt, không thả rông như trước. Hiện nay, đàn heo đen của chị đã sinh sản, chị sẽ giữ lại làm giống. Một số người dân thực hiện dự án khẳng định, mô hình nuôi heo đen theo hướng dẫn là phải nuôi nhốt, không thả rông. Tuy nhiên, qua khảo sát, chúng tôi vẫn còn thấy nhiều hộ thả heo ra ngoài, chứng tỏ việc nuôi heo theo phương pháp mới vẫn chưa thay đổi hoàn toàn tập quán chăn nuôi trước đây của bà con.
Theo ông Trương Hữu Lan - Quyền Chi cục trưởng Chi cục HTX-PTNT, dự án bước đầu đã thành công và đang được nhân rộng. Đàn heo cung cấp đã có nhiều con sinh sản. Đây là nguồn cung cấp giống tại chỗ, giúp bà con giữ được nguồn giống phát triển sản xuất, làm cơ sở để giảm nghèo. Dự án là tiền đề để bà con DTTS có cái nhìn mới về phương pháp nuôi tiên tiến, khoa học.
Để dự án đi vào chiều sâu, chính quyền xã Sơn Tân cần phối hợp Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện thường xuyên vận động bà con thực hiện phương pháp nuôi mới, tăng cường bảo quản đàn heo giống, thực hiện chế độ tiêm phòng, phòng chống dịch, phát triển tổng đàn… Có như vậy, hiệu quả mang lại từ dự án mới thiết thực, bền vững.
Q.V