03:09, 10/09/2009

Ngân hàng chật vật tìm hướng đi

Thời gian qua, các ngân hàng thương mại rất khó khăn trong việc huy động vốn trung, dài hạn. Hiện nay lại càng khó hơn khi quy định tỷ lệ tối đa ...

Hiện nay, lãi suất cao vẫn là giải pháp thu hút vốn truyền thống của các ngân hàng.

Thời gian qua, các ngân hàng thương mại (NHTM) rất khó khăn trong việc huy động vốn trung, dài hạn. Hiện nay lại càng khó hơn khi quy định tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn theo Thông tư 15 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sắp đến ngày có hiệu lực thi hành.

Đảm bảo an toàn trong thanh khoản

Ngày 10-8, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 15/2009/TT-NHNN quy định: Các tổ chức tín dụng (TCTD) phải sử dụng nguồn vốn để cho vay trung, dài hạn theo thứ tự: Sử dụng nguồn vốn trung, dài hạn; sử dụng nguồn vốn ngắn hạn. Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn đối với NHTM là 30%; công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính: 30%; Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương: 20%. So với quy định cũ, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn đối với các NHTM tại Thông tư này giảm 10%.

Theo lý giải của NHNN, việc sửa đổi, bổ sung quy định về tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn nhằm giúp các TCTD bảo đảm an toàn trong thanh khoản. Bởi về nguyên tắc, cơ cấu thời hạn cho vay phải phù hợp với cơ cấu nguồn vốn huy động. Tức là huy động vốn trung, dài hạn thì cho vay trung, dài hạn, nếu huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn có thể dẫn tới mất khả năng thanh khoản khi có biến động. Ngoài ra, để các TCTD có thời gian điều chỉnh, không ảnh hưởng đến hoạt động hiện tại, NHNN đã đề ra một “lộ trình” cụ thể. Theo đó, Thông tư quy định, kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành (45 ngày sau ngày ký), nghĩa là từ ngày 24-9, TCTD có tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung, dài hạn cao hơn tỷ lệ quy định tại Thông tư không được tiếp tục sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, phải có biện pháp và kế hoạch điều chỉnh để đảm bảo đến ngày 1-1-2010 phải tuân thủ đúng tỷ lệ quy định.

Đồng tình với quan điểm trên của NHNN, các NHTM đều cho rằng, trong lĩnh vực NH, an toàn trong hoạt động phải đặt lên hàng đầu. Ông Hoàng Minh Hùng, Giám đốc NH Ngoại thương Nha Trang khẳng định: “Việc sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, nếu không được quản trị tốt sẽ rất nguy hiểm. Bởi vậy, việc giảm tỷ lệ này được xem là một biện pháp phòng ngừa rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm đảm bảo an toàn thanh khoản cho NH và cho hệ thống”.

Chật vật tìm vốn trung, dài hạn

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, để thực hiện được tỷ lệ theo quy định trên đối với các NHTM, nhất là NHTM cổ phần rất khó khăn. Trao đổi với một vài NHTM trên địa bàn, được biết, việc sử dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các NH hiện đang ở mức 30 - 40%. Tuy nhiên, giám đốc một NHTM cổ phần trên địa bàn khẳng định, khó có tỷ lệ “đẹp” như vậy! Tỷ trọng vốn trung, dài hạn của các NH hiện chỉ chiếm khoảng 10 - 25%, còn lại vốn ngắn hạn chiếm từ 75 - 90%. Vì 2 năm nay, tình hình huy động vốn trung, dài hạn của các NHTM gặp rất nhiều khó khăn. Số liệu trên đang chờ NHNN kiểm tra. Tuy nhiên, nếu đúng như vị giám đốc kia khẳng định thì việc đạt tỷ lệ theo quy định của Thông tư 15 sẽ rất vất vả; chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng và dĩ nhiên là đến lợi nhuận của các NH, đặc biệt là những NH có cơ cấu thu nhập chủ yếu từ hoạt động tín dụng.

Được biết, các NH đang lên kế hoạch huy động nguồn vốn trung, dài hạn từ người dân để cải thiện cơ cấu vốn huy động của mình. Bà Lương Thị Cẩm Tú, Giám đốc NHTM Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, không phải đến lúc NHNN ra quy định trên, các NH mới bắt đầu tìm cách thu hút vốn trung, dài hạn; nhiều NH đã bắt đầu từ cách đây vài tháng. Chẳng hạn, trong tháng 8 vừa qua, Sacombank đã huy động thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu - một sự bổ sung cần thiết cho nguồn vốn trung, dài hạn, điều mà không phải NH nào cũng  làm được. Theo bà Tú, vấn đề khó khăn cho các NH muốn thu hút vốn trung, dài hạn từ dân cư là: Trong 2 năm gần đây, do tình hình thị trường bất ổn nên người dân đã không còn thói quen gửi tiền dài hạn vào NH mà chuyển sang gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng. “Ngoài ra, hiện nay, các thị trường khác như: bất động sản, chứng khoán đang dần hồi phục và có “sóng” nên đang hấp dẫn các nhà đầu tư. Họ chỉ muốn gửi tiết kiệm với kỳ hạn ngắn để có thể rút ra đầu tư vào các thị trường khác khi có cơ hội”, bà Tú phân tích.

Hiện nay, một số NH đang triển khai phát hành giấy tờ có giá trung và dài hạn gồm các loại trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi dài hạn. Ngoài ra, một số NH còn tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược để thu hút nguồn vốn trung, dài hạn. Tuy nhiên, theo một chuyên viên NH, quy trình phát hành giấy tờ có giá dài hạn phức tạp hơn nhiều so với phát hành giấy tờ có giá ngắn hạn, đặc biệt là phát hành trái phiếu. Vì vậy, giải pháp này cũng rất khó khăn. Còn việc quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược để thu hút nguồn vốn  hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào thế mạnh và uy tín của NH. Việc huy động vốn trung, dài hạn của các NH, vì vậy, sẽ còn chật vật, khó khăn.

LÊ NGUYÊN