Sau khi dư luận phản ứng quyết liệt về việc giá sữa bột nhập khẩu về bán tại Việt Nam bị đẩy lên quá cao so với nhiều nước trong khu vực...
Ảnh minh họa. |
Sau khi d
ư luận phản ứng quyết liệt về việc giá sữa bột nhập khẩu về bán tại Việt Nam bị đẩy lên quá cao so với nhiều nước trong khu vực, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính điều tra, làm rõ các nguyên nhân tăng giá sữa trình Chính phủ.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến các hãng sữa "làm mưa, làm gió" là do sữa ngoại hiện chiếm tới 72% thị phần; trong khi các doanh nghiệp (DN) trong nước chỉ được phép chi không quá 10% tổng doanh thu cho các khoản hoa hồng, quảng cáo... thì hiện chưa có quy định nào tương tự đối với các hãng sữa ngoại...
Sữa ngoại lách luật, tăng giá?
Theo báo cáo của cơ quan quản lý giá (Bộ Tài chính) trình Chính phủ, năm 2008, do tác động của giá nhập khẩu sữa tăng từ 6,26 đến 54,41% so với năm 2007, nên hầu hết DN sữa đều điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm với mức tăng khá cao và tăng thành nhiều đợt. Đầu năm 2009, mặc dù giá nguyên liệu sữa bột nhập khẩu trên thị trường thế giới đã giảm khoảng 13,8% đến 43%, nhưng các DN vẫn giữ nguyên mức giá cao từ năm 2008, thậm chí có DN vẫn tiếp tục tăng giá. Cụ thể, Công ty CP Sữa Việt Nam tăng giá 21 sản phẩm sữa từ 1,5-10,8%; Công ty 3A phân phối sữa bột Abbott tăng giá 3 đợt, mỗi đợt bình quân 4-7,8% cho trên 20 sản phẩm; Công ty CP Dinh dưỡng Việt Nam (phân phối sữa Dumex) tăng 31 sản phẩm từ 3-21%; Hãng Dutch Lady tăng giá sữa bột Cô gái Hà Lan lên 6-10%; sữa Anpha tăng 9 -10%... Những tháng đầu năm 2009, Công ty 3A tăng 3,89-4,23% giá sữa; Hãng sữa Namyang (Hàn Quốc) tăng giá thêm 10%. So sánh giá 100 loại sữa khác nhau thuộc 10 hãng sữa nước ngoài với giá sữa tại thị trường trong nước cho thấy, giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu ở Việt Nam cao hơn các nước Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a từ 20-60%, có trường hợp cao hơn 100-150%; nhưng nếu so với Xin-ga-po, Hàn Quốc… thì giá thấp hơn.
Theo Cục Quản lý giá, sự chênh lệch giá sữa giữa các quốc gia là do chính sách thuế, thói quen tiêu dùng, thị phần… ở mỗi nước khác nhau nên hình thành giá bán khác nhau. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến giá sữa ngoại tại thị trường Việt Nam ở mức cao. Đầu tiên là do sữa ngoại chiếm 72% thị phần, một số hãng sữa lại độc quyền trong nhập khẩu và phân phối sản phẩm nên thường áp đặt giá cao. Đặc biệt, 4 hãng sữa lớn là Dutch Lady, Abbott, Nestlé, Mead Johnson chiếm tới 61% thị phần trong số này. Kết quả thanh tra của sở tài chính 50 tỉnh, TP cho thấy, nhiều hãng sữa ngoại đã chi các khoản phí bán hàng, đặc biệt là chi hoa hồng, quảng cáo, khuyến mại… quá lớn. Cụ thể, Công ty TNHH Thông Thịnh phân phối sữa Mead Johnson chi 56,37%; Công ty CP Sữa Việt Nam chi 22%; Công ty CP Dinh dưỡng Đồng Tâm chi 22%... Trong khi đó, theo quy định, các DN sữa nội chỉ được phép chi hoa hồng, quảng cáo không quá 10% tổng doanh thu. Mặt khác, tâm lý sính "ngoại" của người tiêu dùng cũng góp phần khiến sữa ngoại tăng giá.
Quy định về giá lạc hậu với thực tế
Theo ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bộ đang phối hợp với Bộ Công thương thanh tra giá sữa tại các DN trên toàn quốc. Dự kiến, cuối tháng 9, cơ quan chức năng sẽ đưa ra biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng giá sữa ở mức cao so với thế giới. Bộ Tài chính sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp nâng giá cao để thu lợi bất hợp lý. Mới đây, các ngành chức năng trực thuộc Bộ đã truy thu thuế hàng loạt mặt hàng sữa không giảm giá bán khi thuế nhập khẩu đã giảm.
Trung tuần tháng 8 vừa qua, Tổng cục Hải quan (TCHQ) cũng có công văn chỉ đạo các cục hải quan địa phương tăng cường quản lý giá sữa nhập khẩu, hạn chế hiện tượng gian lận thương mại qua giá. TCHQ yêu cầu các cục hải quan địa phương đưa mặt hàng sữa (gồm cả sữa nguyên liệu và sữa thành phẩm) vào danh mục các mặt hàng trọng điểm cần phải tập trung quản lý giá tại địa phương; thu thập thông tin về mặt hàng sữa nhập khẩu trên hệ thống GTT22, kết hợp với các nguồn khác, xây dựng mức giá cơ sở để tổ chức tham vấn và xác định trị giá ngay tại khâu thông quan hàng hóa, nhằm hạn chế hiện tượng gian lận thương mại qua giá. Tuy nhiên, nhiều cán bộ hải quan làm công tác kiểm tra sau thông quan thừa nhận, hành vi gian lận về giá ngày càng tinh vi và khó kiểm soát. Trường hợp cả bên mua và bên bán cùng bắt tay thỏa thuận giá trên hợp đồng thì hải quan sẽ gặp khó khăn trong đấu tranh chống gian lận qua giá, đặc biệt là với những mặt hàng độc quyền.
Liên quan tới việc các hãng sữa ngoại chi hoa hồng, quảng cáo quá cao, ông Hiếu thừa nhận, hiện pháp luật chưa có quy định về việc các hãng sữa nước ngoài được phép chi phí quảng cáo bao nhiêu khi tham gia thị trường Việt Nam. Đây là khó khăn mà chính sách của chúng ta chưa lường hết được. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu và sửa đổi quy định này, nếu cần thiết sẽ phải sửa cả Pháp lệnh Giá để hạn chế tình trạng tăng giá bất hợp lý.
Theo HNM