Hiện nay, hầu hết các hợp tác xã (HTX) trong tỉnh đang gặp hai khó khăn lớn là thiếu bộ máy lãnh đạo tốt và thiếu vốn hoạt động...
Từ nguồn vốn hỗ trợ của quỹ khuyến công, Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước đã tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. |
Hiện nay, hầu hết các hợp tác xã (HTX) trong tỉnh đang gặp hai khó khăn lớn là thiếu bộ máy lãnh đạo tốt và thiếu vốn hoạt động.
Như đã có lần chúng tôi đề cập, bài toán nhân lực cho các HTX ở Khánh Hòa hiện đang được đặt ra hết sức gay gắt; cần sớm xây dựng hệ thống chính sách hợp lý để thu hút lực lượng cán bộ trẻ, có trình độ về làm việc ở các HTX.
Riêng về vốn, có thể nói, thiếu vốn vẫn là một câu chuyện dài của các HTX. Nguồn vốn ban đầu, kể cả vốn điều lệ (do xã viên đóng theo cổ phần), của các HTX ở Khánh Hòa là không lớn. Đã ít, trong quá trình hoạt động, do quản lý thiếu chặt chẽ, vốn lại bị xã viên chiếm dụng. Nhiều HTX chật vật với việc… thu nợ của xã viên, đòi được nợ cũ lại phát sinh nợ mới. Do đó, vốn đã nhỏ còn bị teo lại, HTX không có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp.
Khó khăn về vốn, nhưng hiện các HTX rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay, trong đó có nguồn vốn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ. Nhiều HTX chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ), hoặc đã có rồi thì lại rơi vào trường hợp không thể sử dụng trong việc thế chấp vay vốn. Trong tổng số 70 HTX nông, diêm nghiệp trên toàn tỉnh đã có 35 HTX được cấp GCN QSDĐ, theo hình thức giao đất không thu tiền. Để đạt được con số này là một sự cố gắng lớn của nhiều ngành liên quan. Nhưng những HTX này vẫn không thể thế chấp GCN QSDĐ để được vay vốn.
Nguyên nhân là theo quy định, Nhà nước giao đất không thu tiền SDĐ đối với HTX nông nghiệp là nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ, giảm khó khăn về tài chính cho các HTX. Được hỗ trợ, không phải nộp tiền SDĐ hay thuê đất nhưng khổ nỗi GCN QSDĐ thuộc diện này không thể thế chấp để vay vốn, bởi theo Luật Đất đai năm 2003, đất giao theo hình thức không thu tiền thì không có các quyền thế chấp, góp vốn bằng QSDĐ. Như vậy là tuy có tài sản nhưng không thể thế chấp để vay vốn. Do đó, hầu hết các HTX nông, lâm, ngư, diêm nghiệp trong tỉnh hiện đều có chung mong muốn là được cấp GCN QSDĐ theo hình thức giao đất có thu tiền để có thể sử dụng trong liên kết, liên doanh làm ăn hoặc tiếp cận các nguồn vốn vay. Trong quá trình thực hiện, nghiên cứu áp dụng các chính sách miễn giảm cho các HTX.
Liên minh HTX Khánh Hòa đang xây dựng đề án, quy chế thành lập và đưa vào hoạt động quỹ hỗ trợ HTX nhằm hỗ trợ nguồn vốn vay cho các HTX. Đây cũng là sự cố gắng lớn của tỉnh trong việc tăng cường nguồn vốn cho các HTX hoạt động. Song về lâu dài, ở tầm cấp vĩ mô, cần có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các HTX tiếp cận được các nguồn vốn để phát triển.
PHONG NGUYÊN