Cách đây gần 1 năm, vợ chồng anh V.Đ.T không ngần ngại bỏ ra 9 triệu đồng mua chiếc Emperor, kiểu dáng như xe tay ga Spacy. Không riêng gì anh T., giá xăng...
Nhà sản xuất cần quan tâm hơn đến chất lượng xe điện. |
Cách đây gần 1 năm, vợ chồng anh V.Đ.T không ngần ngại bỏ ra 9 triệu đồng mua chiếc Emperor, kiểu dáng như xe tay ga Spacy. Không riêng gì anh T., giá xăng tăng thêm, nhiều người đổ xô đi mua xe đạp điện và xe máy điện, chủ yếu là loại xe điện Robo, Emperor (kiểu dáng tương tự Spacy, Classico, Nouvo, Jockey, Peugeout…) của 2 đơn vị lắp ráp tại Đà Nẵng và Emoto (giống Honda SCR), lắp tại Bình Dương. So với năm ngoái, giá mỗi chiếc tăng thêm vài trăm ngàn đồng, hiện khoảng 6,5 - 11,5 triệu đồng. Chủ cửa hàng phân phối Hồng Linh ở số 80B đường 23-10 cho biết, năm ngoái, cửa hàng bán được trên 300 xe máy và xe đạp, còn hiện nay “không đủ xe để bán”. Về chế độ bảo hành, các đại lý trong hệ thống phân phối Hồng Linh (Nha Trang) cho biết: Bình điện được bảo hành 3 tháng; IC, môtơ, tay ga bảo hành 6 tháng; các linh kiện thay thế cũng luôn được cửa hàng bảo đảm đầy đủ; thợ bảo trì không thiếu.
Tuy vậy, chính những người từng sử dụng xe điện lại cho biết, phương tiện được xem là “sạch và tiết kiệm” này vẫn còn những nhược điểm; dịch vụ bảo hành cũng không như quảng cáo. Mới dùng gần 1 năm nhưng chiếc Emperor của anh T. đã phải “trùm mền” do hỏng môtơ. Đại lý tại 297 Thống Nhất thông báo: Linh kiện này chỉ có ở nhà máy lắp ráp tại Đà Nẵng nên phải chờ. 3 tuần trôi qua nhưng môtơ cho xe anh T. vẫn chưa được sửa trả về. Chưa hết, cả năm nay, anh T. phải vật lộn không biết bao lần với chiếc xe. Xe đi được vài tháng, bộ sạc điện bị hỏng, làm nứt luôn bình sạc, nhà phân phối đổi cho cục sạc mới, nhưng anh cũng phải bỏ thêm 600 ngàn đồng thay bình, vì “đó là chuyện ngoài ý muốn”. Ngoài ra, bộ phận giảm xóc (phuộc nhún) của xe rất dở; khung sườn bị rỉ sét do xi mạ không có, chỉ được sơn xịt qua loa, có thể thấy rõ những mối hàn không kỹ khi tháo rời vỏ nhựa. Do độ giảm xóc kém, anh T. phải “độ” lại một cặp phuộc nhún bánh trước và sau từ xe máy, hết hơn 400 ngàn đồng. Khi bánh xe bị bể do va trúng ổ gà, hay tay ga, công tắc đèn xi-nhan hỏng, anh T. yêu cầu nhà phân phối cung cấp linh kiện thay thế thì chỉ nhận được cái lắc đầu; gọi điện thoại thì “thợ giờ này đi vắng vì phải làm chỗ khác, khi nào xuống ca họ mới đến”. Thế là anh lại phải tự mua bánh đúc dành cho xe tay ga (hơn 100 ngàn đồng), công tắc xi-nhan (45 ngàn đồng) và tự đấu dây, lắp ráp, “độ” lại xe. Phải mất vài ngày kỳ công, chiếc xe mới được “tút” xong theo ý anh. Nhưng chưa hết, khi thắng xe hơi cứng, cần chỉnh cho nhẹ, nơi bảo trì “chỉ nói bóng gió cấu tạo xe như vậy, chỉnh sao được”; anh T. lại phải mang về tự sửa lấy. Anh thở dài: “May mình là dân kỹ thuật, nên còn chịu được, nếu không, phải vứt đi cũng tiếc”. Nhiều người dùng cũng than phiền về bình điện của loại xe này. Một chị ở Vĩnh Hải, mua chiếc xe đạp điện cho con với giá 7 triệu đồng, dùng mới hơn nửa năm đã phải thay bình điện mới mất 700 ngàn đồng. Vài tháng sau, bình điện lại trục trặc, chị lại thay tiếp, rồi lại hỏng…
Thay vì dùng động cơ đốt trong sinh công, tạo lực kéo bánh xe chuyển động, xe điện dùng năng lượng điện. Điện được nạp vào bình đặt dưới yên xe nhờ bộ sạc nối với phích cắm. Cần lưu ý, đừng chờ đến khi bình hết sạch điện mới sạc vì sẽ làm giảm tuổi thọ bình; cũng không nên sạc quá 5 giờ. Bộ sạc của xe điện cũng dễ hỏng; nếu không để ý, khi nối vào bình sạc, điện đã được sạc đầy bình nhưng không ngắt, dễ làm bình bị nở, nứt, có thể gây cháy nổ. Theo một số người rành về kỹ thuật, về chỉ tiêu kỹ thuật tiết diện dây dẫn cho xe điện thì chất lượng dây dẫn khá thấp. Sau một thời gian sử dụng, tiết diện dây dẫn bị biến chất, sợi dây bị đen (đổi teng), không dẫn điện được và xe tự động chết máy. Do đó, cần thường xuyên vệ sinh và định kỳ thay dây dẫn điện. Đối với việc lắp thêm bình điện, về lý thuyết, đấu nối tiếp, xe có thể chạy nhanh hơn nhưng bình sạc lại nóng và dễ cháy do công suất thấp (12A) trong khi dòng điện lại quá mạnh, hoặc đấu song song thì xe “khỏe” hơn, có thể chở nặng, nhưng nhìn chung, lắp thêm bình điện sẽ khó được nhà sản xuất bảo hành khi xe gặp sự cố.
Không thể phủ nhận những ưu điểm của xe điện với hàng loạt chữ “không”: khói bụi, tiếng ồn, biển số đăng ký, tốn xăng dầu. Tuy nhiên, nhà sản xuất xe nên chú trọng hơn đến phần điện (moteur, đồ sạc, bình, dây dẫn), tiếp theo là chất lượng phuộc nhún, lốp, khung, công tắc đèn. Chế độ bảo hành xe cũng cần được thực hiện nghiêm túc hơn. Có như vậy, người tiêu dùng mới thực sự yên tâm khi quyết định mua xe máy điện.
P.T
|