10:03, 26/03/2008

Sẽ thống nhất một mức thuế giá trị gia tăng

Luật sửa đổi đã điều chỉnh một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế sang mức chịu thuế và tăng một số nhóm từ 5% lên 10% thuế...

Người nông dân sẽ tiếp tục được hỗ trợ. Ảnh: Phạm Hải.

 - "Lạm phát đang căng thẳng. Đưa ra bàn bạc rồi thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng vào thời điểm này liệu có làm nóng thêm tình hình?", bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn, trong phiên thảo luận chiều 25-3 về Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi.

Băn khoăn lớn nhất của các đại biểu là về mức thuế, nhóm hàng chịu thuế và quy trình hoàn thuế. Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định áp dụng 3 mức thuế: 0%, 5% và 10%.

Luật sửa đổi đã điều chỉnh một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế sang mức chịu thuế và tăng một số nhóm từ 5% lên 10% thuế.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: "Nếu áp dụng ngay một mức thuế suất sẽ có hai vấn đề xảy ra. Thứ nhất, sẽ kích thích lạm phát gia tăng nếu đưa mức thuế suất từ 5% lên 10%. Nhưng nếu giảm mức thuế từ 10% xuống 5% sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách".

Với 28 nhóm hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế như hiện nay, theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, Bộ Tài chính đã kiến nghị thu hẹp đối tượng, chuyển ba nhóm sang đối tượng phải chịu thuế. Đó là nhóm thiết bị, phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất; nhóm hàng hóa dịch vụ cung ứng cho vận tải quốc tế; nhóm các hoạt động văn hóa, sản xuất phim...

Mức thuế 5% chỉ áp dụng với hàng hoá, dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân hoặc là đầu vào của sản xuất nông nghiệp như nước sạch, thuốc chữa bệnh, dụng cụ y tế...

Việc điều chỉnh các mặt hàng chịu thuế suất 10% chủ yếu đối với hàng hoá, dịch vụ là đầu vào của sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ đựơc kê khai khấu trừ, hoàn thuế đầu vào khi xác định số thuế phải nộp, nên không tác động đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và thu ngân sách.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng khẳng định, sẽ cân nhắc việc tăng thuế từ 5% lên 10% đối với các mặt hàng không tác động nhiều đến người dân. Tiến tới, sẽ có lộ trình cụ thể để thống nhất một mức thuế, giúp DN chủ động hơn và để phù hợp với chiến lược cải cách hệ thống thuế.

Dự án thuế sửa đổi lần này nếu được thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-1-2009.  Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên lưu ý: "Đây cũng là thời điểm Luật Thuế thu nhập cá nhân bắt đầu có hiệu lực và sẽ làm giảm đi ít nhất vài nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước. Nên cân nhắc để khi áp dụng luật thuế sửa đổi lần này không làm giảm tổng thu, đảm bảo cho đầu tư phát triển".

Ngày 26-3, Thường vụ sẽ cho ý kiến về Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và thông qua Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Theo VietNamNet