10:01, 11/01/2008

Thêm một hãng hàng không tư nhân mới: Phú Quốc Air

Sắp tới sẽ có thêm hãng hàng không tư nhân mới là Phú Quốc Air. Một số công ty ở TP. Hồ Chí Minh cũng đang có ý định xin phép thành lập hãng hàng không...

Sự ra đời của nhiều hãng hàng không mới sẽ làm thị trường này khan hiếm nhân sự. (Ảnh Hà Yên)

Tin từ Cục Hàng không (Bộ Giao thông vận tải) cho thấy, sau Vietjet, sắp tới sẽ có thêm hãng hàng không tư nhân mới là Phú Quốc Air. Một số công ty ở TP. Hồ Chí Minh (HCM) cũng đang có ý định xin phép thành lập hãng hàng không. Sự góp mặt của nhiều "gương mặt" mới sẽ làm thị trường hàng không Việt Nam trở nên sôi động. 

Cạnh tranh: Đừng méo mó

Theo Cục Hàng không Việt Nam, sau Hãng hàng không tư nhân Vietjet, Phú Quốc Air đã được Chính phủ chấp thuận về mặt nguyên tắc thành lập. Ngoài ra, bốn công ty ở TP. HCM cũng đã gửi thư nhờ Cục Hàng không tham vấn để thành lập hãng hàng không Vinasun Airlines. Dự kiến, hãng hàng không này có vốn pháp định 1.000 tỷ đồng, khai thác các đường bay tuyến quốc tế, có quy mô từ 11 đến 30 máy bay.

Nhiều Việt kiều cũng đã ngỏ ý với Cục Hàng không về việc thành lập hãng hàng không theo kiểu của VASCO - Công ty bay dịch vụ với loại máy bay nhỏ, bay những chặng ngắn. Trước đó, tập đoàn Mai Linh cũng từng tuyên bố sẽ mở rộng mô hình kinh doanh sang cả lĩnh vực hàng không với mô hình hãng Taxi Air. 

Hiện Việt Nam có 4 hãng hàng không (Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO và Viejet). Cả hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Pacific Airlines hầu như không mấy lo ngại về sự xuất hiện của các hàng hàng không mới này. 

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, ông Phạm Ngọc Minh, khẳng định, "miếng bánh" hàng không còn nhiều phần cho các hãng hàng không khác phát triển.

"Vietnam Airlines đã đối mặt với cạnh tranh từ nhiều năm nay. Chúng tôi chỉ kiến nghị các hãng mới luôn tuân thủ một điều: cạnh tranh trong môi trường lành mạnh, không méo mó. Chúng tôi tôn trọng luật chơi đó. Hãng mong muốn thị trường này đủ lớn, quy mô dân số đủ lớn để vận tải hàng không có nhiều DN tham gia. Vietnam Airlines sẽ cố gắng đi đầu để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, chứ không phải cá lớn nuốt cá bé", ông Minh thẳng thắn. 

Rõ ràng, việc có thêm các hãng hàng không mới sẽ tạo sự cạnh tranh quyết liệt hơn trong việc giảm giá vé, tăng chất lượng phục vụ nhằm thu hút khách hàng. Người dân có mức thu nhập trung bình cũng có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận các dịch vụ hàng không.

"Đói" nhân lực hàng không

Tuy tỏ ra không mấy lo ngại về sự xuất hiện của các hãng hàng không mới, nhưng thực tế kinh doanh hàng không cho thấy cả Vietnam Airlines và Pacific Airlines đều đang thua lỗ, nhất là trong tình trạng giá xăng dầu tăng cao. Vietnam Airlines đang sử dụng lãi trên các đường bay quốc tế để gánh lỗ cho các đường bay nội địa, với con số khoảng 300 - 500 tỷ đồng. Cuối năm nay, hãng này mở đường bay thẳng đi Mỹ với mức đầu tư ban đầu hàng trăm triệu USD nhưng dự báo chi phí bù lỗ hàng năm không nhỏ. 

Pacific Airlines tuy luôn đạt công suất chuyên chở cao, ở mức 80 - 90%, nhưng năm 2006 vẫn lỗ 150 tỷ đồng.

Hơn nữa, ngoài các vấn đề về sân đỗ cho tàu bay, khủng hoảng thiếu máy bay để vận hành hiện nay, thì việc khan hiếm nhân sự hàng không đang là những khó khăn mà các hãng phải đối mặt. Ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Pacific Airlines, cho rằng, nhân lực hàng không hiện rất thiếu, hiếm, có thể nói là chưa có thị trường lao động hàng không. "Chúng ta không có thị trường người lái, không có thị trường kỹ sư, cán bộ quản lý, không có cả thị trường di chuyển và sự tự do hoá di chuyển lao động trong ngành", ông nhận xét. 

Ở Pacific Airlines, chỉ có duy nhất 1 phi công là người Việt Nam, còn lại phải thuê hoàn toàn. Từ năm ngoái, hãng này phải tự đào tạo theo nguyên tắc cá nhân đóng góp 20-50%, công ty chi trả phần còn lại trong tổng số khoảng 135.000-150.000 USD chi phí khoá học. Từ 2008, mỗi năm Pacific Airlines phải gửi 52 phi công ra nước ngoài đào tạo trong vòng 7 năm tới. 

Về đội ngũ kỹ sư, hãng hiện chỉ có 10 kỹ sư Việt Nam, còn lại phải phụ thuộc hoàn toàn vào phía Qantas (đối tác Australia sở hữu 30% vốn). Pacific Airlines mới tuyển 40 kỹ sư để đào tạo bổ sung lực lượng này. Đối với đội ngũ quản lý, ngoài việc "nhờ vả" được của hãng Qantas, lương Pacific Airlines trả cho giám đốc an toàn bay cao (đang phải thuê) cao hơn cả lương tổng giám đốc.

Vietnam Airlines cũng phải thường xuyên đào tạo phi công, song, ông Phạm Ngọc Minh thừa nhận tốc độ đào tạo không theo kịp sự phát triển. Trong khi đó, quản lý hãng hàng không đòi hỏi phải có máy bay, đi kèm cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo dưỡng và những người khai thác để nó đầy khách, đó là bộ máy marketing và bộ máy quản trị. Đây là thách thức cực kỳ lớn đối với bất kỳ hãng nào.

"Các hãng hàng không đều sử dụng cùng một loại máy bay, bay đến cùng một sân bay nhưng hãng nào thành công, hãng nào thất bại là do con người", ông Minh luôn ghi nhớ lời dạy này.

Cũng chính vì nhân lực đảm bảo khai thác bay, cơ sở hạ tầng, hệ thống an ninh, an toàn bay... chưa đủ điều kiện đáp ứng thành lập hãng hàng không mới, Cục Hàng không Việt Nam đang tính sẽ kiến nghị với Chính phủ dừng cấp phép thành lập thêm hãng mới, sau khi Phú Quốc Air ra đời.

Theo  VietNamNet