10:01, 01/01/2008

Có thể trao quyền định giá xăng cho doanh nghiệp

Bộ Tài chính vừa hoàn tất đề án điều hành giá bán lẻ đối với mặt hàng xăng dầu để trình Chính phủ xem xét. Nếu được chấp nhận, các doanh nghiệp sẽ được chủ động xây dựng...

Bộ Tài chính vừa hoàn tất đề án điều hành giá bán lẻ đối với mặt hàng xăng dầu để trình Chính phủ xem xét. Nếu được chấp nhận, các doanh nghiệp sẽ được chủ động xây dựng giá bán định hướng cho cả năm 2008, dựa trên các hợp đồng ký kết với đối tác nước ngoài.

Các hợp đồng mua bán với nước ngoài được ký trước một tháng hoặc quý, tùy thuộc vào năng lực kinh doanh của từng doanh nghiệp. Giá định hướng sẽ được các doanh nghiệp xây dựng ngay từ đầu năm căn cứ trên giá nhập khẩu, sau đó, đăng ký giá với Tổ giám sát xăng dầu Liên bộ Tài chính - Công Thương xem xét. Nếu được chấp nhận, mức giá này sẽ được giữ ổn định cho cả năm.

Như vậy so với Quy chế 187 cũ, giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu sẽ do Liên bộ Tài chính - Công Thương tự xây dựng và công bố. Trên cơ sở này, doanh nghiệp được đề xuất giá bán mới khi thị trường biến động, không vượt quá 10% đối với mặt hàng xăng và 5% đối với dầu. Còn theo quy chế mới này, giá bán định hướng cho năm 2008 sẽ do doanh nghiệp tự xây dựng và ban hành.

Khi dầu thế giới tăng cao vượt giá định hướng, doanh nghiệp phải trích quỹ dự phòng ra để bình ổn. Trong trường hợp giá nhập khẩu vượt quá giá định hướng 10%, doanh nghiệp mới được đề xuất phương án tăng giá bán lẻ đối với mặt hàng xăng trong nước. Ngược lại khi dầu thế giới giảm so với giá định hướng trên 10%, doanh nghiệp phải giảm giá bán lẻ trong nước cho người tiêu dùng.

Bộ Tài chính cũng đề xuất phương án xây dựng quỹ "Dự trữ bình ổn giá bắt buộc" để có phương tiện giữ giá bán lẻ trong nước khi thị trường thế giới biến động. Khoản dự trữ này sẽ trích từ lãi mà doanh nghiệp được hưởng khi dầu thế giới giảm và được bù chéo cho các tháng lỗ khi dầu thế giới tăng cao.

Sau 6 tháng, doanh nghiệp sẽ hạch toán lỗ lãi, các khoản tiền dôi dư từ quỹ sẽ được chuyển thành lợi nhuận doanh nghiệp. Nhà nước không thu lại mà chỉ tính thuế đối với khoản dự trữ theo đúng Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp với mức 28%.

Nghị định 55 có hiệu lực từ 1-5-2007 cho phép doanh nghiệp được tự định giá bán theo thị trường. Doanh nghiệp chỉ cần thông báo cho Tổ giám sát Liên bộ Tài chính - Công Thương phương án điều chỉnh trước thời điểm ấn định khoảng một tuần. Tuy nhiên, sau nửa năm nhìn lại, Bộ Tài chính nhận thấy cách điều hành như vậy quá phức tạp và gây không ít vướng mắc trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Chẳng hạn tại thời điểm tháng 8, khi giá dầu giảm xuống mức thấp nhất của tháng với 75 USD một thùng, dù Chính phủ nhiều lần yêu cầu giảm giá, song các doanh nghiệp vẫn "phớt lờ" với lý do chưa đủ bù lỗ. Bộ Tài chính đành áp dụng cơ chế bình ổn giá theo Pháp lệnh giá và buộc các doanh nghiệp kinh doanh giảm giá bán lẻ xăng A92 từ 11.800 xuống 11.300 đồng một lít. 

Người dân chưa kịp hưởng lợi từ đợt giảm giá thì đến giữa tháng 11, giá dầu vừa chạm ngưỡng 99 USD một thùng, doanh nghiệp đã có văn bản "thúc" Liên bộ được tăng giá bán. Sau một tuần cân nhắc, Liên bộ buộc phải cho phép doanh nghiệp được điều chỉnh với mức tăng được coi là kỷ lục nhất từ trước đến nay: 1.700 đồng một lít.

Theo HNM